Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết số 04/NQ-TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí do Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành

Số hiệu 04/NQ-TW
Ngày ban hành 21/08/2006
Ngày có hiệu lực 05/09/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Số: 04/NQ-TW

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

Trong những năm qua, nhất là từ sau Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nhiều cán bộ, đảng viên giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có những vụ án lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí là:

- Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn nhiều sơ hở, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

- Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, của bộ máy nhà nước nói riêng, còn nhiều khuyết điểm, chất lượng và hiệu quả chưa cao; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan, tổ chức chưa được xác định rõ ràng, cụ thể, còn trùng lặp hoặc bị phân tán.

- Nhiều tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng, lãng phí, nên lãnh đạo không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí còn nể nang, né tránh, dung túng, bao che cho tham nhũng, lãng phí; chưa thực sự dựa vào dân và chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

- Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức nói riêng còn yếu kém. Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức; chưa đi đầu trong cuộc sống đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong những năm tới, phải đẩy mạnh toàn diện và kiên quyết cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

I. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM, PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ:

1. Mục tiêu:

Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.

2. Quan điểm:

- Đảng lãnh đạo chặt chẽ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự.

- Phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

- Vừa tích cực, chủ động phòng ngừa vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính. Gắn phòng, chống tham nhũng lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy dân chủ, thực hành tiết kiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu.

- Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm.

- Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chú trọng tổng kết thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài.

II. CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP:

1. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tiến hành cuộc vận dộng "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ tham nhũng, lãng phí trong Đảng, trong xã hội. Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đưa nội dung Luật phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục. Mở chuyên mục tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này trên các báo, đài.

Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

2. Nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên, tăng cường vai trò của chi bộ trong quản lý, giáo dục đảng viên.

Các tổ chức đảng và đảng viên, cán bộ, công chức phải đề cao tinh thần tự tôn, tự hào về dân tộc, về truyền thống cách mạng của Đảng, từ đó tự tu dưỡng bản thân, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chi bộ đảng phải nắm chắc việc thực hiện nhiệm vụ và quan hệ xã hội của đảng viên trong chi bộ, giáo dục, nhắc nhở và kịp thời kiểm tra, xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, không được dung túng, bao che tham nhũng, lãng phí.

Trường hợp có hành vi tham nhũng, lãng phí cần được xử lý thì cấp ủy đảng phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực thi pháp luật, đồng thời lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị; thực hiện nghiêm túc kết luận xử lý gắn với củng cố nội bộ.

[...]