Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2013 về đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Nam Định

Số hiệu 02/CT-UBND
Ngày ban hành 29/01/2013
Ngày có hiệu lực 29/01/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Nguyễn Văn Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN nhân dân
tỉnh nam định
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Nam Định, ngày 29 tháng 01 năm 2013

 

CHỈ THỊ

V.V ĐẨY MẠNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC SOẠN THẢO, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, trong thời gian qua công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến, tiến bộ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành đã có chất lượng, hiệu quả thiết thực. Công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra, rà soát, vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành (nhất là ở cấp xã), không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Để khắc phục kịp thời những tồn tại nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành chỉ đạo thực hiện tốt một số công việc sau:

1. Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 và các văn bản có liên quan; nhất là Quyết định số 18/2011/QĐ-UBND, ngày 11/7/2011 của UBND tỉnh, về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, tới đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu công việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của từng cấp, từng ngành, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thẩm quyền trong việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp, các ngành.

2. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ hàng năm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, lập dự kiến chương trình xây dựng Quyết định, Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh, trình tại phiên họp thường kỳ cuối năm của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của UBND; báo cáo UBND tỉnh tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trong việc soạn thảo, trình các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong dự kiến chương trình.

3. Các hồ sơ trình UBND tỉnh, UBND cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhất thiết phải có văn bản thẩm định của cơ quan Tư pháp cùng cấp. Nếu chưa có văn bản thẩm định của cơ quan Tư pháp cùng cấp, thì Văn phòng Ủy ban nhân dân có trách nhiệm trả lại hồ sơ cho cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ. Đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã đảm bảo đúng trình tự, thủ tục phải giải quyết đúng thời gian, quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân.

4. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp có trách nhiệm:

- Tham mưu giúp UBND cùng cấp việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện việc đăng ký Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Ủy ban nhân dân theo đúng quy định pháp luật; đảm bảo đúng tiến độ xây dựng các dự thảo văn bản theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân;

- Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội, kết hợp với nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, làm cơ sở xây dựng dự thảo, bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng thẩm quyền, thiết thực, hiệu quả và khả thi; tránh việc ban hành những quy định chung chung, khó thực hiện;

- Việc trình UBND thảo luận, thông qua đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan chuyên môn chủ trì soạn thảo đảm nhiệm, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Hồ sơ phải gửi các thành viên Ủy ban nhân dân và đại biểu (nếu có), trước phiên họp theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân.

5. Cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm:

- Bố trí công chức có đủ trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Việc thực hiện thẩm định phải đảm bảo đúng thời gian quy định; nội dung phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi của văn bản;

- Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là đối với đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã.

6. UBND cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn việc gửi văn bản quy phạm pháp luật sau khi đã ban hành về Phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra đúng thời gian quy định; đồng thời tổ chức thực hiện tốt công tác văn thư, lưu trữ của địa phương theo quy định.

7. Kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng Thông tư liên tịch số 47/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 16/3/2012 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính, quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

8. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân vào việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương; giám sát và vận động nhân dân thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân đã ban hành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

9. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

UBND tỉnh giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tuấn