Chỉ thị 02/2007/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tôm chân trắng do tỉnh Quảng Trị ban hành
Số hiệu | 02/2007/CT-UBND |
Ngày ban hành | 02/03/2007 |
Ngày có hiệu lực | 12/03/2007 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Trị |
Người ký | Lê Hữu Phúc |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2006/CT-UBND |
Đông Hà, ngày 02 tháng 03 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÔM CHÂN TRẮNG
Tôm chân trắng (Lipopenaeus vannamei, Penaeus vannamei) có nguồn gốc từ Nam Mỹ được nhập vào nước ta trong những năm gần đây và đang được nuôi khảo nghiệm ở một số địa phương, trong đó có Quảng Trị. Tuy nhiên, ngoài các bệnh thường gặp như tôm sú, tôm chân trắng còn nhiễm một số bệnh không có ở Việt Nam như hội chứng Taura, là loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch đốm trắng ở tôm sú, không có thuốc để phòng, chống nên tôm chết hàng loạt và có thể lây nhiễm sang tôm sú và các loài tôm bản địa khác.
Tôm chân trắng được bắt đầu nuôi ở tỉnh ta từ năm 2004 do Công ty Công nghệ Việt Mỹ (ATI) nuôi nhưng không có hiệu quả. Năm 2005, Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam đã nuôi năng suất đạt 14 tấn/ha và năm 2006 nuôi 2 vụ cho kết quả cao. Ngoài ra, một số hộ gia đình trong tỉnh đã nuôi tôm chân trắng nhưng cho kết quả không đồng đều vì đối tượng mới, kỹ thuật mới, giá giống cao, chi phí đầu tư lớn, giá bán thấp hơn so với tôm sú và cũng bị dịch đốm trắng. Mặt khác các hộ nuôi tôm chân trắng có tính chất tự phát, không thực hiện đầy đủ các yêu cầu hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Thuỷ sản như: con giống không sạch bệnh, thiếu hệ thống xử lý chất thải, vệ sinh phòng dịch kém đây là nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh cho nghề nuôi tôm sú.
Nuôi tôm sú ở vùng đất ven sông Bến Hải và Cửa Việt đang có nhiều điều kiện thuận lợi: vụ Mùa năm 2006, trên diện tích khoảng 800 ha mặt nước thu hoạch trên 1.500 tấn tôm sú, nhiều hộ gia đình nuôi tôm sú đã thu được lợi nhuận rất cao, diện tích nuôi tôm sú có khả năng phát triển đến 2.000 ha. Ưu thế của tôm sú là giống bản địa, chủ động sản xuất được giống, cá thể lớn, giá bán trên thị trường cao. Đây là thế mạnh của ngành thuỷ sản tỉnh ta.
Để phát triển bền vững ở các vùng nuôi tôm sú ven sông Bến Hải và Cửa Việt, khai thác tiềm năng vùng đất cát ven biển để nuôi thuỷ sản, cần có giải pháp tăng cường quản lý nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Nghiêm cấm nuôi và sản xuất giống tôm chân trắng trong vùng nuôi tôm sú và trại sản xuất giống tôm sú và các giống tôm bản địa khác.
2. Nuôi tôm chân trắng chỉ được tiến hành ở vùng bãi ngang và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn ngành số 28 TCN 190: 2004 - Cơ sở nuôi tôm. Giao Sở Thuỷ sản chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành hướng dẫn, giám sát kiểm tra và điều chỉnh các hoạt động nuôi tôm chân trắng trên địa bàn.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các xã có nuôi tôm phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban ngành chức năng để giám sát và kiểm tra việc chấp hành chủ trương của Tỉnh về xử lý nuôi và sản xuất giống tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh.
4. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và nuôi thương phẩm tôm chân trắng không chấp hành các quy định trên sẽ bị xử lý theo luật định.
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Đông Hà và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN |