Chỉ thị 01/CT-UBND phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014 do tỉnh Nam Định ban hành

Số hiệu 01/CT-UBND
Ngày ban hành 03/01/2014
Ngày có hiệu lực 03/01/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Nguyễn Viết Hưng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Nam Định, ngày 03 tháng 01 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐÀN GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NĂM 2014

Năm 2013, sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn luôn gặp phải rất nhiều khó khăn, thiệt hại do mưa, bão dịch bệnh diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Để sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh phát sinh, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất là chính quyền cơ sở, người chăn nuôi trong việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; nguy cơ, tác hại của dịch bệnh đối với phát triển sản xuất, sức khỏe con người, môi trường sinh thái; các biện pháp phòng, chống dịch để mọi người dân chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả.

2. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 25/7/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 36/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển kinh tế trang trại, gia trại giai đoạn 2011 - 2015; quy hoạch và thực hiện đúng theo quy hoạch các vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tạo điều kiện khuyến khích chuyển đổi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ kém hiệu quả sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo quy hoạch, ngoài khu dân cư.

3. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính,… để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống, chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai có hiệu quả Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp.

4. Kiện toàn, duy trì hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Ban chỉ đạo sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản các cấp; Phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng vùng và lĩnh vực để kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

5. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm năm 2014 theo kế hoạch của UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tổ chức tiêm phòng 2 đợt chính trong năm: vụ Xuân vào tháng 2 - 3, vụ Thu vào tháng 8 - 9 và tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho số gia súc, gia cầm mới phát sinh; Thời gian tiêm phòng theo hướng sớm hơn so với năm 2013. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014 nhằm bảo vệ và phát triển sản xuất chăn nuôi; xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu tiêm phòng bắt buộc về số lượng gia súc, gia cầm phải tiêm cho từng xã, phường, thị trấn. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức tiêm phòng đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin.

6. Chỉ đạo, thực hiện tốt thường xuyên công tác thú y, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh chăn nuôi ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan; kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra giám sát phát hiện dịch bệnh, báo cáo và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh.

7. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên khu vực chăn nuôi, nơi buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tại chợ; điểm giết mổ gia súc, gia cầm; nơi có nguy cơ cao về phát sinh dịch bệnh gia súc, gia cầm; Tổ chức tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng trên phạm vi toàn tỉnh vào tháng 3 và tháng 12 theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

8. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện tốt quy trình vệ sinh phòng dịch, đặc biệt áp dụng biện pháp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học. Chọn mua con giống có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh của những cơ sở có uy tín được cơ quan thú y kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Cải tạo tốt ao đầm trước khi thả nuôi để loại bỏ các tác nhân gây bệnh, xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi, xử lý nước thải và chất xả thải theo đúng quy định, giữ môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm, định kỳ phòng bệnh cho các đối tượng nuôi. Không giấu dịch, không vứt xác súc vật ra môi trường, không giết mổ gia súc, gia cầm ốm chết làm thực phẩm.

9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về tiêm phòng vắc xin, kiểm dịch động vật, kinh doanh thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi và các quy định khác về phòng chống dịch bệnh động vật.

10. Củng cố mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn đảm bảo mỗi đơn vị có 01 trưởng thú y và ít nhất 05 nhân viên thú y thôn/xóm.

11. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao:

11.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014 sát với điều kiện thực tế của tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các đối tượng thủy sản nuôi.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y quản lý và cung ứng đầy đủ kịp thời các loại vắc xin đảm bảo chủng loại, chất lượng phục vụ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tham gia tiêm phòng; hướng dẫn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; quản lý hành nghề thú y.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành có liên quan xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản báo cáo UBND tỉnh.

11.2. Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh xây dựng kế hoạch xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh từ động vật lây sang người, theo dõi diễn biến sức khỏe, bảo đảm an toàn cho những người tham gia tiêm phòng, dập dịch và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

11.3. Sở Tài chính: Bố trí kinh phí kịp thời hỗ trợ công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2014 theo kế hoạch và dự toán được duyệt; hướng dẫn Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức mua sắm vắc xin, dụng cụ, vật tư phục vụ tiêm phòng theo đúng quy định.

11.4. Các Sở, ngành Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các tổ chức đoàn thể căn cứ chức năng nhiệm vụ phối kết hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung trên.

11.5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh phối hợp tổ chức quán triệt Chỉ thị và vận động thực hiện đến hội viên, đoàn viên.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan quán triệt thực hiện tốt các nội dung trên, thường xuyên báo cáo kết quả và những vấn đề phát sinh về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp & PTNT; (để báo cáo)
- Cục Thú y; (để báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các Sở, ngành có liên quan;
- Website UBND tỉnh; Website VP UBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP3

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Viết Hưng

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ