Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2008 về công tác thi đua, khen thưởng do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 01/CT-UBND
Ngày ban hành 17/01/2008
Ngày có hiệu lực 17/01/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Hữu Chí
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Mỹ Tho, ngày 17 tháng 01 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2008

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang và Chỉ thị số 17/2006/CT-TTg ngày 08/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Năm 2007, các mặt kinh tế - xã hội của tỉnh đạt kết quả khá toàn diện: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 13% so với năm 2006, cao nhất từ năm 1993 đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện; công tác cải cách hành chính tiếp tục được các ngành, các cấp tích cực triển khai thực hiện, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi trong thu hút đầu tư; công tác phòng - chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường; công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể có nhiều tiến bộ; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 của tỉnh; nhằm thiết thực chào mừng các ngày kỷ niệm lịch sử và góp phần thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua trong năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công; Giám đốc các doanh nghiệp tổ chức tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2007 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2008 trước Tết Nguyên đán, với nội dung đổi mới, thiết thực và tiết kiệm. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và động viên cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động, chiến sĩ và nhân dân thực hiện tốt phong trào thi đua toàn diện, liên tục. Trong đó, cán bộ, công chức, đảng viên phải đi đầu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua.

- Phương châm của công tác thi đua năm 2008 là “Đổi mới và phát triển”. Từ phương châm đó, các cấp, các ngành, các đơn vị xây dựng kế hoạch, đề ra các mục tiêu cụ thể, hướng phong trào thi đua vào những nội dung sau:

- Tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Xây dựng cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh.

- Quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt GDP của tỉnh năm 2008 tăng 12% - 13%. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

- Chủ động thực hiện các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách có hiệu quả. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thu hút ngày càng nhiều vốn trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước.

- Thi đua xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao...; tạo nhiều việc làm mới; phát triển hệ thống dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt là vấn đề tội phạm, ma túy, tai nạn giao thông, khiếu kiện của công dân; quan tâm nhiều hơn nữa mục tiêu chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Năm 2008, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng, chống, đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng trên các lĩnh vực; coi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng bằng những hành động cụ thể, thiết thực, có hiệu quả. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra tại các ngành, địa phương, đơn vị cơ sở, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

- Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh, tạo môi trường chính trị ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, tham gia chương trình hội nhập kinh tế của quốc gia.

2. Tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thi đua, khen thưởng; đề nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt phương châm “Cả hệ thống chính trị phải làm công tác thi đua, khen thưởng” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2008) và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; coi thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và địa phương.

3. Tổ chức học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức phát động các phong trào thi đua từ cơ sở, thực hiện đăng ký, giao ước thi đua nhằm khơi dậy sức mạnh của quần chúng, của các thành phần kinh tế. Chú ý phát động các phong trào thi đua chuyên đề, thi đua theo đợt, thi đua đột xuất. Xây dựng kế hoạch công tác theo dõi, kiểm tra, sơ tổng kết và nuôi dưỡng các phong trào thi đua để kịp thời uốn nắn những sai sót về phương thức thực hiện; đồng thời phát hiện và bồi dưỡng những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới của phong trào, chú ý mở rộng khen thưởng đến các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân có thành tích tiêu bi ểu, xuất sắc.

4. Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai tốt Luật Thi đua, Khen thưởng, các nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong việc đổi mới nội dung thi đua, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; kiên quyết chống mọi biểu hiện phô trương, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng, đảm bảo khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thành tích và khen thưởng kịp thời, đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng ổn định và xây dựng con người mới.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định về công tác thi đua, khen thưởng; động viên, biểu dương những ngành, địa phương và đơn vị làm tốt, đồng thời phê bình những nơi không thực hiện đúng các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ. Xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong công tác khen thưởng.

5. Năm 2008, các ngành, các cấp, các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức bộ máy, phấn đấu hoàn thành xong việc kiện toàn bộ máy thi đua, khen thưởng các cấp theo tinh thần Nghị định số 122/NĐ-CP ngày 04/10/2005 của Chính phủ; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; cải tiến phương pháp tham mưu của các cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng; hoàn chỉnh bộ máy thi đua, khen thưởng các cấp.

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ vừa có năng lực, vừa có phẩm chất đáp ứng được yêu cầu về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

6. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hướng dẫn, theo dõi kiểm tra các đơn vị, địa phương và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Chí