Chỉ thị 01/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 01/CT-UBND
Ngày ban hành 02/01/2020
Ngày có hiệu lực 02/01/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Phong
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 01 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2020

Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020, năm tổ chức nhiều sự kiện, trọng đại của đất nước và thành phố, 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại giữa một số quốc gia, nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Ở trong nước, kế thừa thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta ngày càng lớn mạnh, tình hình chính trị, xã hội ổn định; tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp, căng thẳng, khó lường. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống.

Là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước, thành phố chịu tác động của bối cảnh thế giới, trong nước cả thuận lợi và khó khăn. Vai trò đầu tàu kinh tế của thành phố đối với khu vực và cả nước vẫn tiếp tục khẳng định, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều thách thức do thành phố thiếu nguồn lực phát triển, những yếu kém nội tại của nền kinh tế từ nhiều năm qua mặc dù đã nỗ lực nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để. Cùng với đó, các yếu tố lợi thế của thành phố về nguồn nhân lực, môi trường đầu tư kinh doanh cũng đang bị cạnh tranh mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, đê hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2020 ngay từ tháng đầu, quý đầu, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các doanh nghiệp thuộc thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

I. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tổ chức quán triệt và triển khai các Nghị quyêt của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, công việc Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố giao.

Thường xuyên rà soát, tập trung triển khai và đảm bảo tiến độ các nội dung, chương trình công tác theo kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của thành phố đã đề ra; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2020 đạt từ 8,3 - 8,5%, cả nhiệm kỳ đạt từ 8-8,5%. Chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các nội dung, tài liệu, văn kiện, chuyên đề phát triển thành phố về lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ tổ chức thành công Đại hội Đại biêu Đảng bộ thành phố lần thứ XI. Tiến hành nghiên cứu, xây dựng 44 chương trình, đề án nhánh trong 3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng điểm theo dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đại biêu Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã công bố; hoàn thành trong tháng 6 năm 2020.

2. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2020 của thành phố "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” xây dựng hình mẫu con người Thành phố Hồ Chí Minh yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong hiện tại và tương lai; phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng môi trường văn hóa.

Xây dựng, đầu tư và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa của thành phố, nâng cao hiệu quả hoạt động các bảo tàng. Trùng tu, tôn tạo các di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị của thành phố, đặc biệt là Địa đạo Củ Chi nhằm phục vụ công tác đề nghị công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới. Triển khai xây dựng các công trình văn hóa: Nhà hát nhạc giao hưởng và vũ kịch, Rạp xiếc, Trung tâm biêu diễn văn hóa đa năng, Nhà hát nghệ thuật truyền thống,...; phát triển văn hóa đọc; nâng cao hiệu quả hoạt động các thư viện, đường sách.

Tổ chức đối thoại văn hóa; các hội thảo về phát triển văn hóa; công bố danh mục các sự kiện văn hóa hàng năm của thành phố; nghiên cứu chọn và tổ chức Ngày hội Thành phố Hồ Chí Minh; phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về Thành phố Hồ Chí Minh chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) và chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI,...

Tăng cường chất lượng công tác quản lý hoạt động tổ chức Lễ hội lớn, sự kiện tiêu biểu của thành phố. Tăng cường liên kết văn hóa các vùng, miền; thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại thành phố, lựa chọn những lĩnh vực, ngành, nghề là thế mạnh của thành phố để tập trung triển khai đầu tư trong năm 2020, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển tài năng, các cơ chế đặc thù, vượt trội để thu hút nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Nâng cao các giải thưởng văn hóa, nghệ thuật, chế độ chính sách đãi ngộ nhằm tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tài năng điển hình...

Chú trọng nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Thành ủy về cuộc vận động "Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước"; Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Thành ủy về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị; Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, quyết liệt Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội và các Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, tạo động lực để thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững. Triển khai Kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2021 sau đại hội; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sau khi có hướng dẫn phương án sử dụng đất; săp xếp lại, xử lý tài sản công bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; đúng mục đích sử dụng được Nhà nước giao; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Rà soát hiệu quả các dự án có sử dụng đất công, đẩy nhanh tiến độ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và yêu cầu nâng cấp hoàn thiện hạ tầng đô thị.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.

Tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết cho phép thành phố thực hiện cơ chế, quy trình "đặc thù" để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoàn thành Đề án tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố; Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố; Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2.

Thực hiện các biện pháp để quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát; triển khai đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi tiêu ngân sách ở tất cả các cấp, các ngành.

Đẩy mạnh công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020. Đến ngày 31 tháng 7 năm 2020, các dự án chuyển tiếp giải ngân dưới 50% (không thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan. Đến hết năm kế hoạch 2020, giải ngân dưới 90% thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan.

4. Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, tập trung phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao, nhất là vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện điện tử cao cấp, công nghiệp vi mạch, công nghệ số, khoa học tính toán và dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo...; thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trong quý 1 năm 2020, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn của thành phố (có số vốn từ 100 tỷ đồng trở lên), để hình thành các tập đoàn có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, vươn tầm khu vực và thế giới.

Đổi mới và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng kế hoạch phát triển Hạ tầng số của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030. Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến đến làm chủ công nghệ nền tảng tạo đột phá cho chuyển đổi sang nền kinh tế số.

5. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng quy hoạch. Thực hiện hiệu quả Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến quy hoạch, khẩn trương lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Xử lý triệt để các dự án chậm triển khai, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 để dự án hoàn thành cơ bản cuối năm 2020, đưa vào vận hành thương mại vào quý 4 năm 2021. Tổ chức thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền như: dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 2, đoạn tuyến kết nối từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng; dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đẩy nhanh tiến độ thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố, trong đó trọng tâm là cải tạo, chỉnh trang đô thị, di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch. Phát triển hạ tầng cấp nước, thoát nước, giao thông công cộng đồng bộ với phát triển nhà ở.

[...]