Báo cáo 95/BC-UBND kết quả một năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 95/BC-UBND
Ngày ban hành 28/05/2013
Ngày có hiệu lực 28/05/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hứa Ngọc Thuận
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 5 năm 2013

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ MỘT NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THANH NIÊN VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thực hiện Công văn số 370/BNV-CTTN ngày 01 tháng 02 năm 2013 của Bộ Nội vụ về báo cáo kết quả sau một năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam; Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo như sau:

1. Đặc điểm tình hình

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 2.857.665 thanh niên (từ 16 đến 30 tuổi), chiếm 37,3% dân số thành phố; thanh niên nông thôn chiếm khoảng 10%; thanh niên dân tộc là 8% (theo số liệu thống kê tính đến ngày 31/12/2010). Thanh niên tập họp được vào tổ chức Đoàn - Hội tính đến 31/12/2011 là 59,2%. Thanh niên hiện nay có trình độ học vấn, sức khỏe, tư duy năng động và sáng tạo, có lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; không ngại khó khăn gian khổ, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp; mong muốn được tin tưởng, được cống hiến cho đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú, môi trường sống an toàn. Thanh niên thành phố tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của đất nước.

2. Tiến độ xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thanh niên thành phố

Căn cứ Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tình hình thực tế trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các văn bản sau:

- Quyết định số 6028/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Chương trình phát triển thanh niên thành phố giai đoạn 2011 - 2020;

- Kế hoạch số 1939/KH-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2013 về thực hiện Chương trình phát triển thanh niên thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

3. Báo cáo kết quả một năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên thành phố

a) Nâng cao nhận thức về phát triển thanh niên; ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách đối với thanh niên:

Căn cứ Quyết định số 6028/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Chương trình phát triển thanh niên thành phố giai đoạn 2011 - 2020, Ủy ban nhân dân các quận - huyện đã xây dựng và ban hành Chương trình phát triển thanh niên tại địa phương giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch thực hiện theo từng năm, trong đó lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển thanh niên trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đối với các Sở, ban, ngành thành phố, trong năm 2012 đã tổ chức thực hiện ký kết liên tịch với Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các nội dung liên kết, gắn với tình hình và nhiệm vụ công tác thanh niên trên từng lĩnh vực. Qua các hoạt động liên tịch đã góp phần quan trọng cho hoạt động giáo dục toàn diện, tạo sự chuyển biến trong nhận thức hành động, thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên thành phố, góp phần cùng thành phố hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012.

Thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến thanh niên như: Luật Thanh niên năm 2005, Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi năm 2005, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Giáo dục,… tại các quận - huyện thông qua hình thức các hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, các trang thông tin điện tử đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu luật pháp cho thanh niên.

b) Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống lý tưởng đạo đức và lối sống, pháp luật cho thanh niên:

Tổ chức Hội nghị chuyên đề quán triệt một số nội dung trọng tâm nhằm đẩy mạnh việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; các buổi học tập, trao đổi những chính sách mới của Trung ương như Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Thành Đoàn tổ chức Hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng thời đại” lần V - năm 2012.

Tập trung giáo dục ý thức công dân, chấp hành luật pháp, đặc biệt hưởng ứng chủ đề “Năm An toàn giao thông”; thông qua các ngày hội pháp luật, phiên tòa giả định và các hình thức tư vấn pháp luật, chú trọng đối tượng phạm nhân trẻ, thanh niên sau cai nghiện. Qua đó, thực hiện có hiệu quả đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015”.

Trong năm 2012, thành phố tổ chức các đợt hoạt động chào mừng kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đoàn, kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2012), 67 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2012) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2012).

Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, quận - huyện và Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên thành phố đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục dành riêng cho đối tượng đoàn viên, thanh niên; qua đó tăng cường truyền tải nhiều nội dung thiết thực, góp phần bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, kiến thức pháp luật và kỹ năng sống cho thanh niên. Đặc biệt, Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói nhân dân thành phố duy trì việc phát sóng các chương trình bổ ích, cuốn hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo thanh niên thành phố.

Bên cạnh đó, Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên thành phố tiếp tục triển khai nhiều phong trào hành động cách mạng cho thanh niên; tạo lập môi trường và xây dựng động cơ phấn đấu của tuổi trẻ như các chiến dịch tình nguyện Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh, Góp đá xây Trường Sa, Dân ta phải biết sử ta, Thắp nến tri ân,…

c) Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao:

Tiếp tục thực hiện công tác tạo nguồn quy hoạch cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực theo 03 chương trình: Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ dài hạn; Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân.

Tính đến năm 2012, thành phố đã xét chọn được 1.284 thanh niên vào diện cán bộ quy hoạch dài hạn, trong đó có 505 cán bộ trẻ về công tác ở phường - xã, thị trấn, 439 cán bộ trẻ được đề bạt, bổ nhiệm Trưởng, Phó phòng các sở ngành thành phố, quận - huyện và Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng đầu ngành cấp phường - xã, thị trấn. Về cơ cấu có: 886 cán bộ, công chức và 398 sinh viên; 403 thanh niên được đào tạo sau đại học, 876 thanh niên được kết nạp Đảng. Trong 489 ứng viên: có 430 cán bộ, công chức và 59 sinh viên; đào tạo được 17 tiến sĩ và 472 thạc sĩ. Chương trình đã đưa đi đào tạo 348 ứng viên (gồm trong nước là 275 và nước ngoài là 73 ứng viên). Đồng thời, thông qua chương trình đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ, đến nay thành phố đã xét tuyển 489 ứng viên, bố trí công tác cho 221/227 học viên hoàn thành chương trình đào tạo. Ngoài ra, thành phố có chính sách thu hút những người có trình độ từ đại học trở lên về công tác ở phường - xã, thị trấn, đã từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cấp cơ sở.

Hầu hết các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn và xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý có bản lĩnh chính trị, có chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cơ sở. Trong đó quy định rõ chính sách, tiêu chuẩn và đối tượng đào tạo, ngoài ra còn chủ động liên kết các trường đại học nhằm mở rộng phương thức đào tạo cho cán bộ các ngành liên quan theo nhu cầu địa phương, đơn vị.

Thành đoàn đã xây dựng và triển khai Đề án công tác cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2009 - 2012, và định hướng đến năm 2015; quy hoạch đào tạo cán bộ cơ quan chuyên trách Thành đoàn. Thành phố đầu tư hơn 100 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, xây dựng Trường đoàn Lý Tự Trọng, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội - Đội của thành phố.

Trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ trưởng thành từ môi trường hoạt động Đoàn - Hội - Đội, nhất là số cán bộ trưởng thành qua môi trường công tác ở cơ sở, tạo nguồn cán bộ trẻ cung cấp cho hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, năm 2012 thành phố đã giải quyết việc làm cho 150.400 lao động thanh niên, trong đó lao động có việc làm ổn định là 70%. Thành phố đã xét duyệt 417 dự án vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 37,325 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, góp phần giải quyết việc làm cho 4.247 lao động thanh niên; xét duyệt 1.463 dự án vay của 4.437 hộ, góp phần giải quyết cho 6.249 lao động với số tiền 78,679 tỷ đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Đưa khoảng 2.414 người lao động đi làm việc tại các nước trên thế giới.

Công tác đào tạo nghề tiếp tục thực hiện theo hướng xã hội hóa, tăng cường số lượng và hiệu quả ở các cấp đào tạo. Tính đến nay có 420 cơ sở dạy nghề, trong đó có 11 trường cao đẳng nghề, 28 trường trung cấp nghề, 67 trung tâm dạy nghề, 18 trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và 270 doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác tham gia dạy nghề. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề của thành phố đạt 64%, đạt kế hoạch đề ra. Thành phố đã hỗ trợ đầu tư thiết bị cho 04 trường nghề trọng điểm với tổng kinh phí là 9.000 triệu đồng, tổ chức đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề ở nước ngoài với kinh phí 8.720 triệu đồng. Về dự án đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn, thành phố đã hỗ trợ đầu tư thiết bị cho 07 cơ sở dạy nghề với tổng kinh phí 3.800 triệu đồng; hỗ trợ 8.274 lao động nông thôn với tổng kinh phí 12.601 triệu đồng; đồng thời tổ chức khảo sát bổ sung nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại 5 huyện làm cơ sở dữ liệu cho kế hoạch dạy nghề lao động nông thôn hàng năm. Thành phố đã tổ chức Hội thi tay nghề trẻ thành phố; Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố; Hội thi Bàn tay vàng nghề hàn cho công nhân, lao động thành phố.

[...]