VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 8541/BC-VPCP
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 11 năm 2023
|
BÁO CÁO
TỔNG
KẾT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ NĂM 2015 (ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
NĂM 2019) CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi: Bộ
Nội vụ
Theo đề nghị của Bộ Nội vụ tại văn bản số
5453/BNV-TCBC ngày 23 tháng 9 năm 2023, Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng kết,
đánh giá thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019
(Luật TCCP) với những nội dung chính như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN LUẬT TCCP
NĂM 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2019)
1. Thực hiện chức năng tham mưu
tổng hợp, điều phối, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn theo quy định của Luật TCCP
a) Thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp cho Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật TCCP, được cụ thể hóa tại Nghị
định số 123/2016/NĐ-CP và Nghị định số 79/2022/NĐ-CP.
Từ năm 2016 đến nay, Văn phòng Chính phủ đã tham
mưu tổng hợp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: 1.093 Nghị định;
1.424 Nghị quyết; 5.005 Công văn của Chính phủ; 335 Quyết định quy phạm pháp luật
của Thủ tướng; 16.577 Quyết định cá biệt của Thủ tướng; 14.807 công văn của Thủ
tướng Chính phủ và hàng chục nghìn công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt
ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ đã tham mưu tổng hợp giúp Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, hoàn thiện thể chế theo hướng đầy đủ, kịp thời,
thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, hiệu quả và thuận
lợi để hiện thực hóa phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo. Chủ động tham mưu
tổng hợp cho Chính phủ tập trung chỉ đạo: rà soát những mâu thuẫn, vướng mắc,
thiếu đồng bộ phát sinh trong triển khai thi hành một số luật để sớm xử lý dứt
điểm; ban hành kịp thời các chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật, thực thi
pháp luật, nhằm khơi thông các điểm nghẽn về thể chế; đôn đốc các bộ, ngành, địa
phương ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực;
chỉ đạo thực hiện các giải pháp mới nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật.
Nâng cao vai trò tham mưu tổng hợp, thẩm tra độc lập,
chú trọng đánh giá tác động và bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, tổng hợp đầy đủ,
khách quan, trung thực ý kiến của các bộ, cơ quan, chủ động lấy ý kiến, có ý kiến
thẩm tra độc lập và đề xuất phù hợp, xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều công việc gấp,
quan trọng, nhạy cảm, phức tạp; chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp ứng
phó với tình huống, diễn biến phát sinh, đặc biệt là đề xuất các biện pháp ứng
phó với dịch COVID-19, bảo đảm an sinh, xã hội và các giải pháp phục hồi nền
kinh tế... Đóng góp của Văn phòng Chính phủ góp phần tạo nên thành công trong
chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp Việt Nam trở thành
điểm sáng chống dịch (nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, đã
có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp) điểm sáng về phát triển
kinh tế (kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền
kinh tế được bảo đảm, đặc biệt là đạt mức tăng trưởng dương...).
b) Thực hiện chức năng điều phối
Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt chức năng điều
phối, tạo đồng thuận trong xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các bộ,
ngành. Tất cả các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, Văn phòng
Chính phủ đều tổng hợp, báo cáo, đề xuất hướng xử lý, có trao đổi để đi đến thống
nhất chung. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ đều được tổng hợp, báo
cáo tại các phiên họp Chính phủ. Văn phòng Chính phủ chủ trì tổ chức các cuộc họp
điều phối, xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau trước khi trình Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ. Hình thức họp linh hoạt, nội dung trao đổi thẳng thắn, rõ ràng
để cùng tháo gỡ, đưa ra phương án, giải pháp tối ưu nhất trình Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ. Hoạt động điều phối của Văn phòng Chính phủ đã góp phần đẩy
nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp, thẩm tra, đồng
thời góp phần giảm bớt khối lượng công việc trình lên Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ.
c) Thực hiện chức năng giúp việc cho Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ
Phối hợp chặt chẽ với các Văn phòng Trung ương, cơ
quan của Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương xây dựng, quản lý chương trình
công tác tháng, quý, năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng Quy chế,
trên cơ sở chủ động, bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, những
định hướng trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
và yêu cầu thực tiễn; triển khai theo dõi tình hình thực hiện các đề án thuộc
chương trình công tác của Chính phủ đến kết quả cuối cùng; phối hợp chặt chẽ với
cơ quan chủ trì chuẩn bị hồ sơ trình, chủ động kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và có ý kiến thẩm tra độc lập, tham
mưu xử lý. Bên cạnh xây dựng, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Chương trình
công tác, Văn phòng Chính phủ còn tổ chức, phục vụ các cuộc họp, hội nghị bảo đảm
thực hiện đúng Quy chế làm việc của Chính phủ, Quy chế tổ chức phục vụ các cuộc
họp, hội nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ngày càng chủ động, chu đáo
cả về nội dung, hình thức, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, chính xác, kịp thời.
Công tác hành chính được thực hiện đúng quy trình
nghiệp vụ và các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, phục vụ chính xác, kịp thời,
hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Chính phủ
tiếp tục đổi mới hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, khẳng định vai
trò là kênh thông tin chính thống của Chính phủ, phục vụ có hiệu quả công tác
chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu
thông tin của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế góp phần tạo đồng thuận
xã hội, sức lan tỏa cao về quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước;
chủ động phát hiện các vấn đề nổi cộm, bức xúc do báo chí phản ánh để kịp thời
tham mưu cho Lãnh đạo Chính phủ làm rõ và xử lý; tổ chức các cuộc họp báo Chính
phủ thường kỳ, chuyên đề... Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt
nhiệm vụ bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ; quản lý và duy trì hệ thống thông tin hành chính điện tử của Chính
phủ.
d) Về công tác hậu cần, Văn phòng Chính phủ đã tổ
chức phục vụ các phiên họp, hội nghị của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ chuyên
nghiệp, hiệu quả; công tác lễ tân phục vụ hoạt động của lãnh đạo Chính phủ chu
đáo, trọng thị, tiết kiệm được lãnh đạo các cấp ghi nhận; bảo đảm an toàn tuyệt
đối, phục vụ tận tình chu đáo về phương tiện đi lại của lãnh đạo Chính phủ; tổ
chức vận hành Trung tâm dữ liệu và Hệ thống hạ tầng mạng, giám sát, bảo đảm an
toàn thông tin, an ninh mạng bảo đảm hệ thống luôn thông suốt, không để xảy ra
sự cố, cảnh báo kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin tại Văn
phòng Chính phủ; các đơn vị sự nghiệp chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất,
nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, chu
đáo, trọng thị công tác hậu cần cho hoạt động chung của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
2. Việc triển khai thực hiện
Nghị định của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Văn phòng Chính phủ
Văn phòng Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc quy định
tại Điều 39 và Điều 40 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được
sửa đổi, bổ sung năm 2019)
a) Trình Chính phủ ban hành Nghị định số
150/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn
phòng Chính phủ.
- Nghị định tiếp tục xác định vị trí của VPCP là cơ
quan ngang Bộ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xác định
rõ chức năng điều phối (điều hòa, phối hợp) hoạt động giữa các bộ, ngành, địa
phương trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.
- Về nhiệm vụ, quyền hạn: bổ sung nhiệm vụ tham mưu
tổng hợp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện báo cáo công tác, báo
cáo giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ
tịch nước và Nhân dân theo quy định tại Luật TCCP 2015; cập nhật, cụ thể hóa
nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên
quan đã được quy định tại Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
bổ sung mới các quy định về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản và xử lý đối với
các văn bản trái pháp luật theo thẩm quyền quy định của pháp luật để thực hiện
nhiệm vụ được giao cho VPCP tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật.
- Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ gồm 21 Vụ,
Cục, đơn vị, trong đó có 16 Vụ, 03 Cục và 01 đơn vị hành chính do Thủ tướng
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, 01 đơn vị
sự nghiệp công lập; tổ chức 11 phòng thuộc 04 Vụ và 19 phòng thuộc 03 Cục. Đặc
biệt, trong cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ không tổ chức các đơn vị:
Văn phòng, Thanh tra, Vụ Thi đua - Khen thưởng như các Bộ, cơ quan ngang Bộ
khác.
- Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ
ban hành Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 25/5/2016 về các đơn vị sự nghiệp công lập
thuộc Văn phòng Chính phủ. Tại Quyết định này, Văn phòng Chính phủ có 05 đơn vị
sự nghiệp công lập, bao gồm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Hội trường Thống Nhất;
Nhà khách La Thành; Trung tâm Hội nghị Quốc tế; Trung tâm Hội nghị 37 Hùng
Vương.
b) Trình Chính phủ ban hành Nghị định số
79/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn
phòng Chính phủ.
- Về vị trí, chức năng: Tiếp tục kế thừa vị trí, chức
năng đã được giao theo Nghị định hiện hành và các nhiệm kỳ trước. Bỏ chức năng “xây
dựng Chính phủ điện tử” do đã chuyển nhiệm vụ thường trực xây dựng Chính phủ
điện tử sang Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Về nhiệm vụ, quyền hạn: Nghị định cơ bản giữ 15
nhóm nhiệm vụ hiện hành. Cập nhật 01 nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi
số thuộc phạm vi quản lý của VPCP theo chương trình tổng thể cải cách hành
chính. Bổ sung nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ “kiểm tra” gắn với theo
dõi, đôn đốc tình hình, kết quả thực hiện chương trình công tác của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm sự đồng bộ với Quy chế làm việc của Chính phủ.
- Về cơ cấu tổ chức: VPCP có 20 đơn vị hành chính.
Trong đó có 16 Vụ, 03 Cục, 01 tổ chức hành chính do Thủ tướng Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; tiếp tục bố trí 07 Phòng
trong 02 Vụ và 19 phòng thuộc 03 Cục có đủ tiêu chí, phù hợp với Nghị quyết số
18-NQ/TW, Nghị định 101/2020/NĐ-CP; nghiêm túc thực hiện giảm 01 đơn vị (sáp nhập
Trung tâm Tin học vào Cục Kiểm soát thủ tục hành chính); bỏ tất cả 06 Phòng thuộc
02 Vụ.
- Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ
ban hành Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về danh sách các đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc Văn phòng Chính phủ; theo đó Văn phòng Chính phủ đã
nghiêm túc sắp xếp, tổ chức lại còn 04 đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm:
Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Hội trường Thống Nhất; Nhà khách La Thành; Trung
tâm Hội nghị 37 Hùng Vương (sáp nhập Trung tâm Hội nghị Quốc tế vào Trung tâm Hội
nghị 37 Hùng Vương).
3. Thực hiện nhiệm vụ quản lý
nhà nước và việc phân cấp, phân quyền theo ngành, lĩnh vực được giao quản lý
a) Về Kiểm soát thủ tục hành chính
Văn phòng Chính phủ đã chủ động triển khai và hoàn
thành tốt công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một
cửa liên thông trong giải quyết TTHC với một số kết quả cụ thể như sau:
- Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành 05 nghị
định; ban hành theo thẩm quyền 04 thông tư để hoàn thiện thể chế về cải cách,
kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết
TTHC; làm tốt công tác thẩm tra TTHC tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật có quy định TTHC, bảo đảm chỉ duy trì những TTHC thật sự cần thiết, hợp
lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất.
- Đã chủ động tham mưu xây dựng, trình Chính phủ
ban hành 03 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 quyết định, 08 chỉ
thị, 02 công điện và nhiều văn bản khác để chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa
phương đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách, kiểm soát TTHC, gắn với xây dựng Chính
phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia.
- Văn phòng Chính phủ đã tham mưu việc rà soát cắt
giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC, giấy tờ công dân. Các bộ, ngành đã thực hiện
cắt giảm, đơn giản hóa 2.480 quy định kinh doanh tại 199 văn bản QPPL, 388
TTHC/1.086 TTHC được giao tại 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC,
giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; có 20/22 bộ, ngành và 60/63 địa
phương đã rà soát, công bố 3.824 TTHC nội bộ. Bên cạnh đó, đã đưa vào vận hành
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh có 941 tài khoản của các bộ,
ngành, cơ quan, 40 tài khoản của các Hiệp hội doanh nghiệp đăng ký tham gia;
các bộ, cơ quan đã cập nhật 17.817 quy định và công khai 15.766 quy định hiện
hành tại 2.165 văn bản QPPL; đã cập nhật 408 quy định dự kiến ban hành tại 76 dự
thảo văn bản QPPL và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 697 quy định kinh doanh;
đã tham vấn 193 quy định dự kiến ban hành tại 34 dự thảo văn bản quy phạm pháp
luật, 57 phương án cắt giảm, đơn giản hóa trên Cổng.
- Hằng năm, chủ động theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn,
kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC[1]
và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC[2];
chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách
TTHC góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh
nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công.
- Tổ chức quản lý, vận hành ổn định, an toàn Cơ sở
dữ liệu quốc gia về TTHC. Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC đã được các bộ,
ngành, địa phương, cập nhật, công khai 6.395 TTHC, trong đó 3.827 TTHC thực hiện
tại Bộ, cơ quan, 1.357 TTHC thực hiện tại địa phương và 1.714 TTHC thực hiện tại
các cơ quan ngành dọc trung ương đóng tại địa phương.
- Xây dựng và phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia
góp phần cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp ngày càng
tốt hơn. Quản lý, vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến
nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; trực tiếp tiếp
nhận, phân loại 4.639/11.709 phản ánh, kiến nghị về quy định, hành vi hành
chính của người dân thuộc phạm vi xem xét, xử lý; đã chuyển 3.692 phản ánh đến
các bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Để đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC, giảm tầng
nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho người
dân, doanh nghiệp, đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tham mưu
xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp đối với 699
TTHC trên 100 lĩnh vực; sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản quy phạm pháp luật để
thực thi các phương án phân cấp. Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã sửa đổi
29 văn bản QPPL để thực thi phương án phân cấp giải quyết 156/699 TTHC, đạt
22%.
b) Về công tác Công báo
Thực hiện quy định tại Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày
14/5/2016, Văn phòng Chính phủ đã ban hành 02 Thông tư hướng dẫn thực hiện quy
định về Công báo và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về Công báo.
Văn phòng Chính phủ đã tổ chức triển khai nhiệm vụ
quản lý, xuất bản Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm
đăng đầy đủ, chính xác các văn bản do cơ quan ban hành gửi đăng Công báo. Phối
hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt, đúng quy định việc xuất bản, phát
hành Công báo.
4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
a) Với tư cách là thành viên Chính phủ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thực hiện
đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Hiến pháp, Luật TCCP và các
văn bản pháp luật liên quan; thường xuyên chủ động, tích cực tham gia giải quyết
hiệu quả các công việc chung của tập thể Chính phủ; cùng tập thể Chính phủ quyết
định và chịu trách nhiệm đối với các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính
phủ theo quy định; trình các đề án, dự án, dự thảo, báo cáo của Chính phủ trước
cơ quan có thẩm quyền và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ khác do Thủ tướng
Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phân công, ủy quyền.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tham dự đầy
đủ các phiên họp, hội nghị của Chính phủ, cuộc họp Thường trực Chính phủ; thảo
luận, biểu quyết tại phiên họp Chính phủ; ghi rõ, đầy đủ ý kiến trong phiếu ghi
ý kiến thành viên Chính phủ và trả lời đúng thời hạn quy định.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ, cơ quan, địa
phương, tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết công việc được phân công
theo thẩm quyền hoặc để làm rõ, thống nhất những vấn đề còn có ý kiến khác nhau
giữa các bộ, cơ quan, địa phương trước khi trình Chính phủ, Thường trực Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.
b) Với tư cách là người đứng đầu cơ quan ngang bộ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã làm tốt
nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt công tác của Văn phòng Chính phủ; chỉ đạo
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch,
dự án đã được phê duyệt, cũng như các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ giao; chủ động quyết định theo thẩm quyền, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm 05 đồng chí Phó Chủ nhiệm,
bổ nhiệm lại 03 đồng chí Phó Chủ nhiệm đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, đúng
quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện khoản 5 và khoản 9 Điều 34
Luật TCCP sửa đổi, bổ sung năm 2019, từ năm 2016 đến nay, Bộ trưởng, Chủ
nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tuyển dụng 25 công chức; bổ nhiệm 647, bổ
nhiệm lại 374 vị trí lãnh đạo thuộc thẩm quyền; điều động 96 vị trí công tác; cử
biệt phái và tiếp nhận biệt phái 108 trường hợp; đánh giá đối với cấp trưởng
các đơn vị theo quy định tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP và Nghị định
48/2023/NĐ-CP; hằng năm chỉ đạo thực hiện quy hoạch, rà soát quy hoạch chức vụ
Lãnh đạo VPCP, Lãnh đạo cấp Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, lãnh đạo cấp Phòng thuộc
các đơn vị trực thuộc bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình
độ công chức, viên chức; ban hành 57 quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân; kỷ luật 17 công chức,
viên chức thuộc quyền quản lý. Thực hiện phân cấp quản lý cán bộ đối với các
đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trình
Thủ tướng Chính phủ quy định danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn
phòng Chính phủ bảo đảm tinh gọn; quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài sản,
phương tiện và tài chính, ngân sách nhà nước được giao; quyết định biện pháp tổ
chức phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; lãnh đạo, chỉ
đạo việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức
trong ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm được giao.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng,
Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung
ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị-xã
hội; giải trình về những vấn đề Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quan tâm;
trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, kiến nghị của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội về những vấn đề thuộc
trách nhiệm quản lý.
c) Trong mối quan hệ với các bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ và Chính quyền địa phương
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thực hiện
đúng nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối
quan hệ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chính quyền địa
phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ động hướng
dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan trong việc thực hiện Quy chế làm việc của
Chính phủ; công tác báo cáo, xây dựng Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ và các nhiệm vụ liên quan được phân công theo quy định của pháp
luật.
Hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với các bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành,
lĩnh vực được phân công; kiến nghị, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra UBND cấp tỉnh
thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công hoặc các
nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
II. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
1. Về tổ chức Chính phủ
Còn tình trạng chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giữa
các bộ, cơ quan ngang bộ; một số lĩnh vực có sự đan xen, giao thoa trong quản
lý giữa các bộ, ngành chưa được xử lý dứt điểm, chưa bảo đảm thực hiện nguyên tắc
một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Điều này dễ dẫn tới tình trạng kéo dài thời gian xử lý công việc do phải phối hợp
nhiều cơ quan trong quá trình xử lý, thậm chí có tình trạng đùn đẩy, né tránh
trách nhiệm trong thực thi công vụ.
2. Về nhiệm vụ, quyền hạn, chế
độ làm việc của Chính phủ và nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ
a) Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Chính
phủ
- Điều 7 Luật TCCP quy định
Chính phủ trình các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội để quản lý, điều hành trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc
phòng, an ninh và đối ngoại... Như vậy, Chính phủ vừa làm nhiệm vụ xây dựng
chính sách pháp luật, đồng thời triển khai các biện pháp quản lý xã hội theo
pháp luật. Thiết kế nhiệm vụ như trên có thể dẫn tới thiếu khách quan, toàn diện;
quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ trong trình dự án Luật, Pháp
lệnh (cho đến khi dự án Luật, Pháp lệnh được ban hành) chưa rõ ràng.
- Khoản 3 Điều 22 Luật TCCP quy
định Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến điều ước quốc tế thuộc
thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ
tịch nước và nhân danh Chính phủ. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh lặp
lại nhiều lần trình Chính phủ những nội dung về điều ước quốc tế có tính chất
tương tự, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 29/11/2016 phân
công Thủ tướng Chính phủ ký thay mặt Chính phủ thực hiện một số công việc về điều
ước quốc tế. Nghị quyết này đã giải quyết, tháo gỡ nhiều thủ tục đối ngoại
trong thời gian qua. Bên cạnh đó, theo Điều 9 Luật Thỏa thuận quốc
tế năm 2020, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xử lý các Thỏa thuận quốc tế
nhân danh Chính phủ nhưng chưa phân công cho Thủ tướng Chính phủ xử lý các Thỏa
thuận quốc tế nhân danh Nhà nước (trình Chủ tịch nước). Do vậy, cần thiết có
đánh giá để xem xét việc Chính phủ tiếp tục ủy quyền cho Thủ tướng Chính phủ xử
lý các Thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.
- Khoản 3 Điều 23 Luật TCCP quy
định: Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành
phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là cấp huyện). Hiện nay,
ngoài việc quy định về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh, cấp huyện nêu trên, Chính phủ còn quy định về hoạt động của các
cơ quan này.
- Khoản 4 Điều 23 Luật TCCP quy
định: Chính phủ quản lý biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước
và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến
địa phương. Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 70-QĐ/TW về quản
lý thống nhất biên chế hệ thống chính trị, theo đó Ban Tổ chức Trung ương là cơ
quan có thẩm quyền quản lý, giao biên chế khối địa phương (bao gồm cả công chức
và viên chức).
- Hiện nay chưa có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của
Chính phủ trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri về hoạt động chỉ
đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị liên quan đến việc
sửa đổi, bổ sung, ban hành Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, quyết định của
Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, cơ
quan ngang bộ và kiến nghị nêu trong Báo cáo tổng hợp của Đoàn Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020
quy định về việc lấy ý kiến thành viên Chính phủ khác với quy định của Luật
TCCP năm 2015. Các vấn đề của Chính phủ đều phải được thông qua Phiên họp Chính
phủ thay vì có thể gửi văn bản xin ý kiến Thành viên Chính phủ sẽ gây khó khăn
cho công tác chỉ đạo, điều hành.
- Về phân công, phối hợp giữa các thành viên Chính
phủ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoạt động với tư cách thành viên
Chính phủ chủ yếu hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc thuộc bộ,
ngành mình nên cần dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động thảo luận chung của tập
thể Chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ.
- Vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước
giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành và với chính quyền địa
phương, trên một số ngành, lĩnh vực chưa hợp lý (còn mang tính đồng đều giữa
các địa phương, chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và khả năng
quản lý, điều hành của từng cấp, từng ngành).
b) Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ
Nội dung cho thôi chức vụ đối với nguyên lãnh đạo
các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch
UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa được quy định trong các văn
bản quy phạm pháp luật nói chung cũng như Luật TCCP nói riêng.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ
trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Văn phòng Chính phủ
- Công tác văn thư, lưu trữ gắn liền với hoạt động
quản lý nhà nước, là nhiệm vụ chung của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền,
trách nhiệm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng
đầu các bộ, cơ quan ngang bộ đều phải tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ
này. Tuy nhiên, Điều 34 Luật TCCP chưa quy định trách nhiệm
của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc chỉ đạo thực hiện công
tác văn thư, lưu trữ tại Bộ, cơ quan ngang bộ.
- Theo Luật TCCP, Văn phòng Chính phủ có chức năng
tham mưu tổng hợp, khó khăn đặt ra trong quá trình thực hiện chức năng này là:
Văn phòng Chính phủ không phải là cơ quan quản lý nhà nước ở tất cả các ngành,
lĩnh vực, không thể nắm được toàn diện, sâu sắc các vấn đề liên quan đến nội
dung cần tham mưu; công tác tham mưu tổng hợp chủ yếu dựa vào các báo cáo liên
quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước do các bộ, ngành cung cấp (đặc biệt là thông
tin, số liệu, nội dung chuyên môn sâu thuộc các lĩnh vực như: tài chính, tài
nguyên môi trường, thanh tra, khiếu nại, tố cáo...) và kinh nghiệm tích lũy được
của lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay hồ sơ trình
của nhiều bộ, ngành chất lượng có lúc chưa cao; chậm cho ý kiến tham gia đối với
những vấn đề thuộc lĩnh vực được giao quản lý; nhiều ý kiến còn chung chung,
chưa rõ quan điểm... Những khó khăn này ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, chất
lượng công tác tham mưu tổng hợp của Văn phòng Chính phủ.
- Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu tổng hợp,
giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, do đó cần thể hiện rõ được chức năng
điều phối (điều hòa, phối hợp) hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương trong
quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Thực tế thời gian qua,
Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt chức năng này. Vì vậy, trong quá trình chờ
sửa Luật TCCP, tại Nghị định số 79/2022/NĐ-CP, Chính phủ quy định Văn phòng
Chính phủ có chức năng “điều phối” giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức
các hoạt động chung của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của
Chính phủ và hệ thông hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, bảo đảm thống
nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia.
III. ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT
TCCP
1. Về tổ chức Chính phủ
Để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính
phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ quản
lý đa ngành, đa lĩnh vực, đề nghị nghiên cứu giảm số lượng các bộ, cơ quan
ngang bộ để phù hợp với xu hướng cải cách hành chính trên thế giới; bên cạnh
các bộ quản lý đơn ngành, các bộ quản lý đa ngành, có các cơ quan thuộc Chính
phủ hoạt động như những đơn vị sự nghiệp công (không có nhiệm vụ quản lý nhà nước).
Việc giảm đầu mối bộ sẽ giúp tinh gọn bộ máy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
của các bộ tham mưu ban hành ít chồng chéo, thông thoáng, hiệu lực, hiệu quả
hơn.
2. Về nhiệm vụ, quyền hạn, chế
độ làm việc của Chính phủ và nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ
a) Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Chính
phủ
- Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất,
thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Luật TCCP cần bổ
sung các quy định nhằm tăng cường phân quyền hơn nữa cho Chính phủ trong việc
quyết định chính sách, cơ chế thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế
và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chức năng, thẩm quyền của Chính phủ trong mối
quan hệ với Quốc hội và các cơ quan tư pháp.
- Đề nghị quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của
Chính phủ trong việc trình dự án Luật, Pháp lệnh (từ khâu đề xuất xây dựng đến
khi dự án Luật, Pháp lệnh được ban hành); bổ sung thẩm quyền của Chính phủ
trong giải thích pháp luật, hướng dẫn thi hành luật; phân định rõ thẩm quyền của
Chính phủ với thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong ban hành văn bản quy phạm
pháp luật (trong đó có ủy quyền ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật), trong
việc quyết định áp dụng thí điểm (phạm vi thí điểm).
- Đề nghị bổ sung 01 khoản (sau khoản
3) Điều 22 Luật TCCP về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong đối ngoại
và hội nhập quốc tế với nội dung: “Chính phủ xem xét, ủy quyền cho Thủ tướng
Chính phủ thay mặt Chính phủ thực hiện một số công việc về điều ước quốc tế và
Thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước. Chính phủ quy định chi tiết điều này”.
Bổ sung khoản này nhằm luật hóa, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm cho hoạt động đối
ngoại được triển khai thông suốt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Đề nghị bổ sung nhiệm vụ của Chính phủ trong việc
quy định về hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp
huyện để bảo đảm đầy đủ thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định về tổ chức
và hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; thống nhất
với Điều 9 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
- Đề nghị sửa đổi khoản 4 Điều 23
theo hướng: Chính phủ quản lý biên chế công chức bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, trong các
cơ quan hành chính nhà nước và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp
công lập ở trung ương, để đồng bộ với quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ
Chính trị.
- Đề nghị bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ
trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri về hoạt động chỉ đạo điều
hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi,
bổ sung, ban hành Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng
Chính phủ; kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, cơ quan ngang
bộ và kiến nghị nêu trong Báo cáo tổng hợp của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 44:
Trong trường hợp Chính phủ không họp hoặc theo quy định của Luật khác, Chính phủ
phải họp để xem xét, quyết định nhưng không tổ chức họp theo quy định tại khoản
1 Điều này, Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công phụ
trách lĩnh vực quyết định gửi lấy ý kiến Thành viên Chính phủ bằng văn bản.
- Đề nghị bổ sung các quy định phân định rành mạch
hơn nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, đáp ứng
yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ
Đề nghị bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng
Chính phủ: xóa tư cách chức vụ với nguyên Thứ trưởng của các bộ, cơ quan ngang
bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, nguyên Chủ tịch UBND, nguyên Phó Chủ tịch
UBND cấp tỉnh; trình Quốc hội phê chuẩn việc xóa tư cách chức vụ nguyên Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
3. Về nhiệm vụ, quyền hạn của
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
và Văn phòng Chính phủ
- Hiện nay, theo khoản 1 Điều 14
Quy chế làm việc của Chính phủ, đối với nội dung đề án, dự án, dự thảo văn
bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách
nhiệm về toàn bộ nội dung, ký tắt các dự thảo văn bản trình thuộc thẩm quyền
ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị nghiên cứu bổ sung nội
dung trên vào Điều 34 Luật TCCP. Đồng thời, bổ sung trách
nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với tiến độ và nội dung
các văn bản phối hợp, thẩm tra, thẩm định thuộc chức năng, nhiệm vụ và ngành, lĩnh
vực được giao quản lý.
- Đề nghị bổ sung Điều 34 nhiệm
vụ: Tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác văn thư, lưu trữ tại cơ quan theo quy định
của pháp luật.
- Đề nghị bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị
của cử tri; phối hợp với cơ quan chủ trì để trả lời các vấn đề cử tri kiến nghị
thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan mình.
- Tại Thông báo số 381/TB-VPCP ngày 15/9/2023 thông
báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với cán bộ, công
chức, viên chức Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Văn phòng
Chính phủ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ,
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ theo hướng Chính phủ
giao thẩm quyền cho Văn phòng Chính phủ cao hơn, toàn diện hơn; bổ sung thêm chức
năng giám sát, kiểm tra theo phân cấp của Chính phủ phù hợp với quy định của
pháp luật”. Vì vậy, đề nghị bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn
phòng Chính phủ tại Điều 41 phù hợp với ý kiến chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại văn bản nêu trên.
- Đề nghị quy định rõ chức năng tham mưu tổng hợp
là tham mưu độc lập, khách quan, trên cơ sở đề xuất của các bộ quản lý ngành,
lĩnh vực.
- Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn chung của Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là người thường
xuyên, trực tiếp tiếp thu, lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ,
là người đứng đầu cơ quan có vai trò điều phối chung các bộ, ngành... theo ủy
quyền của Thủ tướng. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho phù hợp với vị trí, vai trò hiện
có.
Trên đây là nội dung cáo tổng kết, đánh giá thực hiện
Luật TCCP năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) của Văn phòng Chính gửi Bộ
Nội vụ để tổng hợp, báo cáo./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- VPCP: BTCN, các PCN, Các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, TCCB (3b), KL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Cao Huy
|
[1] Như: hằng năm, trình ban hành trên 300 văn bản
tham gia ý kiến, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương; tổ chức triển
khai các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho hàng trăm lượt cán bộ, công chức có
liên quan thuộc các bộ, ngành, địa phương; chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội
nghị, hội thảo, các cuộc họp liên quan bảo đảm an toàn, hiệu quả;.. .Định kỳ,
xây dựng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết
số 68/NQ-CP, báo cáo công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC tháng, quý, năm.
[2] Đến nay, 91% Bộ phận Một cửa (BPMC) các cấp
đã triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; 15 bộ, ngành và 63 địa
phương đã hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC với CSDL quốc
gia về dân cư; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến 9 tháng đầu năm 2023 đã tăng 1,5 lần ở cấp
bộ, 1,8 lần ở địa phương (so với cùng kỳ năm trước); 08 bộ, ngành và 29 địa
phương thực hiện giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính với gần
địa giới hành chính với gần 7 triệu hồ sơ; 11.956 BPMC các cấp được kiện toàn.
Nhiều địa phương đã bố trí quầy tiếp nhận hồ sơ riêng cho người già, đối tượng
chính sách... ; việc đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực đã giúp nâng
cao chất lượng giải quyết TTHC.