Thứ 4, Ngày 06/11/2024

Báo cáo 63/BC-CP năm 2022 bổ sung, làm rõ nội dung về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo do Chính phủ ban hành

Số hiệu 63/BC-CP
Ngày ban hành 09/03/2022
Ngày có hiệu lực 09/03/2022
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Thể
Lĩnh vực Đầu tư,Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/BC-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2022

 

BÁO CÁO

BỔ SUNG, LÀM RÕ MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ TỔNG THỂ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 66/2013/QH13 ĐẾN NĂM 2020 - 2021 VÀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN TIẾP THEO

Kính gửi: Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tiếp theo Báo cáo số 529/BC-CP ngày 23/11/2021 của Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020 - 2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; tiếp thu các ý kiến tại Báo cáo giám sát chuyên đề số 391/BC-UBKHCNMT15 ngày 17/01/2022 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội về Dự án đường Hồ Chí Minh và ý kiến các thành viên dự phiên họp thẩm tra ngày 03/3/2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chính phủ xin báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung trong việc thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh như sau:

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Quy hoạch đường Hồ Chí Minh, các quy hoạch phụ trợ và tác động của đường Hồ Chí Minh đối với phát triển kinh tế - xã hội các địa phương

1.1. Công tác quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo và được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức lập, trình duyệt theo quy định từ quy hoạch phát triển tổng thể1, quy hoạch chi tiết2, quy hoạch hệ thống đường ngang3 nối đường Hồ Chí Minh với các tuyến đường bộ quốc gia theo trục dọc Bắc - Nam4, các cửa khẩu quốc tế, cảng biển, cảng hàng không, các trung tâm kinh tế, chính trị; đồng thời để tăng cường hiệu quả đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã quy hoạch các trạm dịch vụ, trạm dừng nghỉ trên tuyến đường Hồ Chí Minh5.

Các quy hoạch được phê duyệt đều đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển GTVT và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các quy hoạch này từng bước được đầu tư để hình thành mạng lưới giao thông đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, tạo thuận lợi trong việc ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố an ninh quốc phòng; là cơ sở quan trọng để thực hiện đầu tư và giao địa phương quản lý quỹ đất.

Thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 của Chính phủ, toàn bộ nội dung quy hoạch tuyến đường Hồ Chí Minh đã được tích hợp vào quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20506. Nội dung quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam nói chung, trong đó có quy hoạch đường Hồ Chí Minh nói riêng đã được công bố công khai theo quy định của Luật Quy hoạch7 để các địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân được biết, tham gia đầu tư và giám sát thực hiện quy hoạch, bảo đảm tính công khai, minh bạch của quy hoạch tuyến đường Hồ Chí Minh.

1.2. Các quy hoạch, chương trình phụ trợ gắn với đường Hồ Chí Minh

Nhằm gắn kết GTVT với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tại Quyết định 194/QĐ-TTg ngày 15/02/2012, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ nghiên cứu các quy hoạch có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ trong xây dựng và khai thác, phát huy hiệu quả đường Hồ Chí Minh, cụ thể:

- Bộ Xây dựng đã lập, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1)8, trong đó định hướng phát triển đường Hồ Chí Minh là hành lang giao thông, hạ tầng kỹ thuật phía Tây đất nước; là trục phát triển kinh tế và các đô thị (5 vùng đô thị thuộc 16 tỉnh, thành phố từ Hà Nội đến Bình Dương), điểm dân cư nông thôn. Đến nay, dọc theo đường Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều trung tâm đô thị, hỗ trợ phân bố lại dân cư9.

- Bộ Công thương đã lập, phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh10, với khoảng 650 cửa hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của các phương tiện lưu thông trên tuyến, nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội các địa phương dọc tuyến; phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh11 để phát huy lợi thế về tài nguyên, phát triển các khu công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện, kim, dệt may, da giầy,... từng bước hình thành các nhà máy, khu công nghiệp12 hỗ trợ các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng công nghiệp - thương mại, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập người dân.

- Bộ Quốc phòng đã lập, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn13. Hiện nay dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều chuỗi du lịch là các cụm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh14 để phát triển kinh tế kết hợp với phát triển dịch vụ, du lịch và gìn giữ niềm tự hào về truyền thống anh hùng dân tộc.

- Nhằm huy động sức mạnh của tuổi trẻ vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội đất nước, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giáo dục và rèn luyện thanh niên, từ năm 2000, Chính phủ đã chỉ đạo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng các làng Thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh15, trồng mới 1.400 ha rừng, bảo vệ 10.000 ha rừng, tăng độ che phủ rừng lên 52%, trồng hàng trăm ha cây công nghiệp (mía, chè, cao su) và cây ăn quả góp phần phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới.

Như vậy, quy hoạch đường Hồ Chí Minh, kết hợp với các quy hoạch khác được phê duyệt, triển khai đã tạo điều kiện cho các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dọc tuyến, tạo không gian phân bố, sắp xếp lại hệ thống đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại các địa phương có tuyến đường đi qua, hỗ trợ các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng công nghiệp - thương mại. Để góp phần đẩy nhanh việc triển khai đầu tư xây dựng các đoạn tuyến còn lại, Chính phủ sẽ chỉ đạo các địa phương có tuyến đi qua thực hiện kiểm tra, rà soát và điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho phù hợp. Thực hiện Luật Quy hoạch, trong quá trình nghiên cứu lập các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cập nhật quy hoạch đường Hồ Chí Minh vào các quy hoạch nêu trên để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, bền vững giữa các quy hoạch.

2. Công tác GPMB, cắm mốc giới theo quy hoạch, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ

2.1. Công tác giải phóng mặt bằng:

Được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương; sự chia sẻ, ủng hộ của nhân dân các địa phương; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Bộ GTVT với các địa phương nên công tác GPMB cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai các dự án thành phần; cá biệt vẫn có một số địa phương mặt bằng bàn giao chậm, không liên tục ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Từ kinh nghiệm thực tế trong công tác GPMB giai đoạn trước, giai đoạn 2010 đến nay, công tác GPMB các dự án thành phần triển khai đã cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, công tác GPMB tại một số địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án như: (i) hạng mục xây dựng cầu 110 thuộc Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1667+570 - Km1738+148, tỉnh Đắk Lắk sau hơn 02 năm địa phương không thể GPMB dẫn đến hết thời gian bố trí vốn không triển khai được và phải dừng thi công; (ii) Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan thực hiện theo hình thức BT gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nên đoạn từ Hòa Liên - Túy Loan (dài khoảng 11km) đã phải chuyển đổi từ hình thức BT sang đầu tư công.

2.2. Công tác cắm mốc tim tuyến và xác định hành lang đường bộ: Công tác này được triển khai cho các đoạn tuyến chưa lập dự án hoặc hướng tuyến quy hoạch không đi trùng hướng tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, tổng chiều dài khoảng 800 km; phạm vi hành lang đường bộ được công bố theo quy mô quy hoạch đường cao tốc. Đến hết năm 2017, Bộ GTVT đã bàn giao toàn bộ 800 km cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ theo quy hoạch cho các địa phương.

Công tác cắm mốc lộ giới theo quy hoạch chi tiết chậm 2 năm16 so với yêu cầu của Quốc hội là do quá trình thực hiện cần nghiên cứu điều chỉnh cục bộ hướng tuyến quy hoạch chi tiết được duyệt để đảm bảo khớp nối với các dự án đã và đang triển khai; giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiệu hữu (khu đông dân cư, trường học, di tích văn hóa, di tích lịch sử, hồ đập, nghĩa trang, đường điện cao thế, công trình hạ tầng kỹ thuật,…); đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật trong quá trình triển khai tiếp theo.

2.3. Công tác quản lý hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh: Chính phủ xác định vai trò quan trọng của công tác quản lý hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh để quản lý quỹ đất, thuận lợi khi đầu tư đường Hồ Chí Minh theo quy mô hoàn chỉnh (cao tốc từ 4 đến 6 làn xe). Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn tuyến đường.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân địa phương lấn chiếm và xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang an toàn giao thông, tự ý đấu nối trái phép vào tuyến đường Hồ Chí Minh tại một số vị trí. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với các cấp chính quyền địa phương xử lý các trường hợp vi phạm; kết hợp với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do công tác quản lý hành lang phức tạp, phạm vi trải rộng qua địa bàn nhiều tỉnh, xử lý các vi phạm hành lang do lịch sử để lại chưa kịp thời, ý thức chấp hành của một số người dân thấp; một số địa phương cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác này.

3. Kết quả thực hiện dự án

Dự án được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị Quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 đến năm 2020, hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km17. Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. Trong đó:

- Khu vực phía Bắc từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài khoảng 273 km, đã hoàn thành 134 km18, đã bố trí vốn và đang triển khai 23 km19, chưa triển khai 2 dự án thành phần (DATP) với tổng chiều dài khoảng 116 km/TMĐT 6.974 tỷ đồng20.

[...]