Báo cáo 525/BC-UBTVQH13 năm 2013 kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 525/BC-UBTVQH13
Ngày ban hành 14/10/2013
Ngày có hiệu lực 14/10/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Tòng Thị Phóng
Lĩnh vực Bảo hiểm,Thể thao - Y tế

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 525/BC-UBTVQH13

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2013

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM Y TẾ GIAI ĐOẠN 2009-2012

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội

Thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 20131, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát2 “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012”3. Đoàn giám sát (ĐGS) của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan; tổ chức Đoàn đi giám sát tại 9 tỉnh/thành phố4 (phụ lục số 1); yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố tổ chức giám sát tại địa phương5; nghe Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình về chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT); đồng thời, nghiên cứu thông tin, tư liệu qua các hoạt động có liên quan của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội để bổ sung cho báo cáo.

Được triển khai ở Việt Nam từ năm 1992, chính sách BHYT đã trải qua các mô hình: quản lý BHYT theo cấp tỉnh (1992-1997), Bộ Y tế quản lý (1998-2003) và quản lý tập trung tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam từ năm 2003 đến nay. Giai đoạn 1992-2008, BHYT Việt Nam được thực hiện theo các văn bản dưới luật của Chính phủ. Trên cơ sở thực tiễn gần 20 năm triển khai thực hiện chính sách BHYT, năm 2008 Quốc hội đã ban hành Luật BHYT.

Chính sách, pháp luật (CSPL) về BHYT bao gồm các chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng, Nhà nước thể hiện trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng6 (phụ lục số 2) được thể chế hóa trong Luật bảo hiểm y tế. Quan điểm của Đảng, Nhà nước khẳng định chính sách BHYT là một trong những trụ cột của an sinh xã hội, là cơ chế tài chính y tế quan trọng và là cơ chế chi trả trước được đa số các quốc gia trên thế giới áp dụng giúp người dân khi bị ốm đau không bị rơi vào cảnh nghèo đói và là định hướng phát triển trong chăm sóc sức khỏe người dân.

Sau đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát thực hiện CSPL về BHYT giai đoạn 2009-2012.

Phần thứ nhất.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM Y TẾ

1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật BHYT

Theo quy định của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/7/2009), có 16 điều giao cho Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan hướng dẫn thi hành. Đến nay, Chính phủ, Bộ Y tế và bộ ngành liên quan đã hướng dẫn thi hành 15 điều tại 2 Nghị định của Chính phủ, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 14 thông tư (trong đó có 5 thông tư liên bộ) do Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan ban hành (phụ lục số 3). Nhìn chung, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT bảo đảm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và có tính khả thi.

Cùng với Luật BHYT, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”, theo đó, năm 2015 dự kiến sẽ có 70% và đến năm 2020 dự kiến sẽ có 80% dân số tham gia BHYT.

Ngoài các văn bản hướng dẫn do Chính phủ và bộ ngành ban hành, BHXH Việt Nam đã ban hành 6 quyết định và khoảng 150 văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) theo thẩm quyền đã ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương, về cơ bản, nội dung các văn bản này phù hợp với pháp luật.

Qua 4 năm thực hiện, Luật BHYT được đánh giá là một trong những đạo luật được triển khai tương đối kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Tuy nhiên, tất cả các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT do Chính phủ và bộ ngành ban hành đều chậm tiến độ từ 1 tháng đến 40 tháng7, đến ngày 01/01/2010 mới triển khai đầy đủ các nội dung của Luật BHYT.

* Những tồn tại trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó là:

- Theo quy định của Luật BHYT, Bộ Y tế chưa ban hành Hướng dẫn về khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh được quỹ BHYT chi trả8.

- Theo Nghị định 62/2009/NĐ-CP còn 3 vấn đề giao cho các bộ, ngành chưa hướng dẫn, trong đó 2 vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế là Danh mục một số bệnh cần chữa trị dài ngày và sửa đổi quy định về xác định dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn được BHYT chi trả (hiện vẫn áp dụng văn bản quy định về vấn đề này từ trước khi có Luật BHYT); một vấn đề thuộc trách nhiệm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đó là xác định tiêu chí hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình làm cơ sở để Nhà nước hỗ trợ mua BHYT cho đối tượng này.

- Luật BHYT quy định quỹ BHYT chi thanh toán cho người bị tai nạn giao thông khi không vi phạm pháp luật (khoản 12, Điều 23). Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện9, tất cả các trường hợp tai nạn giao thông (cả vi phạm pháp luật lẫn không vi phạm pháp luật giao thông) đều được BHYT thanh toán với tổng chi phí khoảng 200 tỷ đồng trên cả nước (năm 2012).

- Luật BHYT quy định về nội dung hợp đồng KCB BHYT và giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu hợp đồng. Tuy nhiên, khi có phát sinh tranh chấp hợp đồng chưa xử lý được, chưa rõ tính pháp lý của hợp đồng và trách nhiệm của các bên trong trường hợp vi phạm hợp đồng.

- Bộ Y tế chưa hướng dẫn phân hạng bệnh viện tư nhân10, vì vậy BHXH gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT tại bệnh viện tư nhân11.

- Luật BHYT giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến CSPL về BHYT (Điều 6), nhưng Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 về lộ trình BHYT toàn dân lại giao BHXH Việt Nam là đầu mối chịu trách nhiệm chính trong tuyên truyền về chính sách BHYT.

2. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT

2.1. Kết quả thực hiện

Luật BHYT quy định 25 nhóm đối tượng tham gia BHYT và lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, theo đó, đến năm 2014, 3 nhóm cuối cùng phải tham gia BHYT đó là nhóm thân nhân người lao động, xã viên hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể.

Giai đoạn 2009-2012, tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,2% (2009) lên 66,8% (2012). Như vậy, sau 4 năm thực thi Luật, đã có thêm 8,6% dân số tham gia BHYT, tương đương 9,24 triệu người, bình quân tăng 2,8%/năm. Có 21 tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng trên 15%. Nhiều tỉnh cơ bản đã đạt được BHYT toàn dân (Bắc Kạn gần 100%, Lai Châu 99%, Hà Giang 96%, Lào Cai 95%, Hòa Bình 93%, Sơn La 92%, Tuyên Quang 88%, Lạng Sơn 85%, Thái Nguyên 80%, Kon Tum 85%) (phụ lục số 5). Đa số các tỉnh đạt gần 100% dân số tham gia BHYT là do mở rộng số đối tượng được ngân sách cấp mua BHYT12.

Phân tích tỷ lệ tham gia BHYT theo nhóm đối tượng cho thấy, nhóm làm công ăn lương, cán bộ công chức trong khu vực công, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, nhóm hưu trí, mất sức lao động, đối tượng bảo trợ xã hội do NSNN hoặc quỹ BHXH đóng tiền mua BHYT đều đạt ở mức rất cao (gần 100%).

Tỷ lệ nhóm tự nguyện, hộ cận nghèo tham gia BHYT đã tăng dần từ việc điều chỉnh chính sách nhưng còn ở mức thấp. Có khoảng 20 tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí từ ngân sách địa phương cho các đối tượng thuộc diện cận nghèo tham gia BHYT13, một số tỉnh hỗ trợ 100% số tiền mua cho hộ cận nghèo như Bình Dương, Ninh Thuận, Kiên Giang...

[...]