Báo cáo số 3642/BC-BNV về kết quả thực hiện công tác hướng dẫn xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh đối với tuyến biên giới Việt Nam – Lào, theo tinh thần Chỉ thị số 14/2005/CT-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 3642/BC-BNV
Ngày ban hành 17/12/2007
Ngày có hiệu lực 17/12/2007
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 3642/BC-BNV

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2007

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ VÀ XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ VỮNG MẠNH ĐỐI VỚI TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT NAM – LÀO, THEO TINH THẦN CHỈ THỊ SỐ 14/2005/CT-TTG NGÀY 14 THÁNG 4 NĂM 2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện Công văn số 145-CV/BCĐTB ngày 20 tháng 11 năm 2007 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc về việc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 14/2005/CT-TTg ngày 14/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam – Lào ổn định và phát triển toàn diện. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao Bộ Nội vụ xin báo cáo kết quả thực hiện một số nội dung liên quan trong giai đoạn 2005 đến nay, cụ thể như sau:

I. VỊ TRÍ VÀ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CỦA TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT – LÀO

Tuyến biên giới Việt – Lào là 1 trong 3 tuyến biên giới đất liền của Việt Nam rất trọng yếu trong vấn đề an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền đất nước, có vị trí rất quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế trong quan hệ hợp tác nhiều mặt nhằm đảm bảo phát triển ổn định và hữu nghị giữa nước ta với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Tuyến biên giới Việt – Lào có chiều dài khoảng 1.954 km, dọc theo tuyến có: 1.653 thôn, 148 xã, 34 huyện thuộc địa bàn 10 tỉnh: Điện Biên (23 xã), Sơn La (17 xã), Thanh Hóa (15 xã), Nghệ An (27 xã), Hà Tĩnh (8 xã), Quảng Bình (9 xã), Quảng Trị (18 xã), Thừa Thiên Huế (12 xã), Quảng Nam (12 xã) và Kon Tum (7 xã).

Dân số ở các xã thuộc tuyến biên giới Việt – Lào có khoảng 525.242 người chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 74%); trong đó: dân tộc Thái 137.398 người (chiếm 26,2%), dân tộc Mường 6.681 người (chiếm 1,27%), dân tộc Hmông 26.875 người (chiếm 5,11%), dân tộc Khơmú 20.165 người (chiếm 3,83%), dân tộc Mông 63.567 người (chiếm 12,10%), Dân tộc Lào 6.703 người (chiếm 1,28%), dân tộc Sinh Mun 12.010 người (chiếm 2,28%), dân tộc CơTu 14.849 người (chiếm 2,29%), dân tộc Giẻ Triêng 15.069 người (chiếm 2,90%), dân tộc Bru-Vân Kiều 29.977 người (chiếm 5,70%), dân tộc Pacô 20981 người (chiếm 4,00%) và các dân tộc khác là 32.051 người (chiếm 6,10%).

Đặc điểm cơ bản của tuyến biên giới Việt – Lào, chủ yếu là vùng núi dốc cao, địa hình phức tạp, chia cắt mạnh bởi núi cao và vực sâu, do vậy đã gây ra nhiều khó khăn cho việc quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ an ninh quốc phòng, trình độ dân trí thấp, hoạt động kinh tế còn mang tính tự cung tự cấp, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp 2,57 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 59,30%). Vì vậy tuyến biên giới này đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội của các địa phương (xem chi tiết phụ lục biểu số 1A).

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ LIÊN QUAN ĐẾN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BỘ NỘI VỤ TỪ NĂM 2005 ĐẾN NAY

1. Công tác xây dựng chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vùng biên giới, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ dân tộc ít người.

Trong thời gian vừa qua, song song với thực hiện chính sách dân tộc đối với vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức được Bộ Nội vụ rất coi trọng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có điều kiện thực hiện tốt công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, chính quyền cơ sở vững mạnh, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản như:

- Quyết định số 31/2006/QĐ-TTg ngày 06/2/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006-2010.

- Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg ngày 08/2/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2010.

- Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tỉnh biên giới Việt – Trung, Việt – Lào và Việt – Campuchia thời gian qua đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ là Trưởng, Phó phòng và cán bộ chuyên môn có năng lực tăng cường về các xã khó khăn, các xã biên giới đảm nhiệm các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã.

- Quyết định số 106/2007/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Một số giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc giai đoạn 2007-2010”.

Trên cơ sở mục tiêu trên các tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các Đề án đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức trên địa bàn; trong đó chú trọng công tác đào tạo công chức xã, phường, thị trấn giai đoạn 2001-2005; xây dựng và thực hiện Đề án đào tạo cán bộ nguồn là người dân tộc ít người giai đoạn 2002-2010.

- Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc ít người tại chỗ các tỉnh đã đặc biệt ưu tiên kể cả trong đào tạo, bồi dưỡng và trong bố trí sử sụng con em các dân tộc ít người về học ở các trường dân tộc nội trú của tỉnh, của huyện, được lựa chọn cử đi học các lớp cử tuyển theo chính sách của Nhà nước; được ưu tiên trong thi tuyển và xét tuyển vào các cơ quan nhà nước.

- Trong chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc ở địa phương, ngoài việc được hưởng các chế độ chính sách ưu tiên như một công chức bình thường như được hưởng nguyên lương, còn được hỗ trợ 70%-100% kinh phí đào tạo toàn khóa học, kinh phí tàu xe đi lại, kinh phí mua tài liệu, kinh phí hỗ trợ khi bảo vệ luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa, các khoản kinh phí tham quan trong khóa học và được bố trí sắp xếp công việc phù hợp với chuyên môn. Sau khi đào tạo thì cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số ở địa phương còn được hưởng như đối với cán bộ, công chức xã tham gia các lớp bồi dưỡng thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo, kinh phí ăn ở.

Các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới Việt – Lào, trong thời gian qua đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ từ tỉnh, huyện về công tác tại các xã khó khăn, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào thoát nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.

2. Công tác điều chỉnh địa giới hành chính

- Về công tác điều chỉnh địa giới hành chính đối với các địa phương thuộc tuyến biên giới Việt – Lào: từ năm 2005 đến nay, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu để trình Chính phủ ban hành một số Nghị định về điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu quản lý đối với các địa phương như sau:

- Về điều chỉnh địa giới hành chính: công tác điều chỉnh địa giới hành chính đối với các địa phương thuộc tuyến biên giới Việt – Lào trong thời gian qua đã làm tăng thêm 3 đơn vị hành chính cấp huyện, 17 đơn vị hành chính cấp xã và nâng cấp 01 thị xã thành thành phố trực thuộc tỉnh; trong đó: tỉnh Điện Biên tăng 8 đơn vị hành chính cấp xã; tỉnh Thanh Hóa tăng 01 thị trấn; tỉnh Nghệ An tăng 01 thị xã, 01 thị trấn và 01 xã; tỉnh Hà Tĩnh tăng thêm 01 huyện, 01 phường và năng cấp thị xã Hà Tỉnh thành thành phố Hà Tĩnh trực thuộc tỉnh; tỉnh Thừa Thiên – Huế tăng thêm 02 đơn vị hành chính cấp xã; tỉnh Kon Tum tăng thêm 01 xã.

- Về quy hoạch phát triển đô thị và địa giới hành chính:

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, trong năm 2005 Bộ Nội vụ đã chủ động hướng dẫn 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến năm 2020, với mục tiêu: xây dựng một hệ thống đơn vị hành chính các cấp của Việt Nam ổn định lâu dài, phù hợp với khả năng quản lý của chính quyền và thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của nhân dân, có đủ khả năng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm các điều kiện an ninh, quốc phòng. Bộ Nội vụ đã hoàn chỉnh Đề án và chuẩn bị trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ.

3. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, chính quyền cơ sở vững mạnh

3.1. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Trong những năm qua, Bộ Nội vụ trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành các văn bản liên quan đến công tác xây dựng chính quyền các cấp nói chung và chính chính quyền cơ sở nói riêng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện công tác xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, một số kết quả đã đạt được như sau:

Triển khai thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa IX), hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, cùng với việc ban hành Pháp lệnh cán bộ, công chức sửa đổi (năm 2003), Luật Tổ chức HĐND và UBND. Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp với các Bộ, Ban ngành liên quan tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và đã trình Chính phủ ban hành các văn bản như sau:

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ