Kế hoạch 53/KH-UBND năm 2011 thực hiện Chương trình hành động 04-CTr/TU xây dựng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn vững mạnh, làm cơ sở để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương đến năm 2015 do tỉnh Phú Yên ban hành
Số hiệu | 53/KH-UBND |
Ngày ban hành | 22/07/2011 |
Ngày có hiệu lực | 22/07/2011 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Phú Yên |
Người ký | Phạm Đình Cự |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/KH-UBND |
Phú Yên, ngày 22 tháng 07 năm 2011 |
Thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Tỉnh ủy về xây dựng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn vững mạnh, làm cơ sở để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương đến năm 2015; UBND tỉnh đề ra kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn vững mạnh giai đoạn 2011-2015 như sau:
1. Mục tiêu
- Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn; Hội đồng nhân dân (trừ các phường thí điểm không tổ chức HĐND) thật sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; chính quyền cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy tốt vai trò của mình trong tổ chức và hoạt động.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng dân chủ, giữ gìn kỷ cương, phát huy sự đồng thuận trong xã hội và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
2. Yêu cầu
- Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này phải gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) “Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”; Đề án về một số giải pháp củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở 03 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân giai đoạn 2010-2015 theo Quyết định số 253/QĐ-TTg, ngày 05 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ đối với Tây nguyên; Nghị quyết số 153/2010/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2010 của HĐND tỉnh về chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác ở cấp xã và Nghị quyết số 173/2010/NQ-HĐND ngày 24 tháng 12 năm 2010 của HĐND tỉnh về chính sách giải quyết nghỉ chờ nghỉ hưu, nghỉ hưởng chế độ một lần đối với cán bộ, công chức cấp xã.
- Việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở là nhiệm vụ hết sức quan trọng, các cấp các ngành cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, phù hợp với thực tế ở từng địa phương, thường xuyên kiểm tra đề ra biện pháp thực hiện kịp thời có hiệu quả.
Để xây dựng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn vững mạnh trong giai đoạn 2011-2015; cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau.
1. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã
Việc tuyển dụng công chức cấp xã phải đảm bảo có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh được bố trí, tuyệt đối không được tuyển những người chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ vào làm công chức cấp xã.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, khu phố. Phấn đấu từ nay đến năm 2015, toàn tỉnh có 431 cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ; 907 cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị đạt chuẩn theo quy định; 100% cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn có trình độ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ và trung cấp lý luận chính trị trở lên; trong đó cán bộ chủ chốt ở đô thị và đồng bằng có trình độ đại học trở lên đạt 70% và ở miền núi đạt 40%; công chức cấp xã có trình độ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ và sơ cấp chính trị trở lên đạt 100%. Phấn đấu đến năm 2015, bộ máy cán bộ mỗi xã, thị trấn có 1 - 2 kỹ sư nông nghiệp hoặc thủy sản, mỗi phường có 1 - 2 kỹ sư xây dựng, quản lý đô thị hoặc kinh tế.
2. Về chế độ chính sách cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, buôn, khu phố
Căn cứ Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ và tình hình thực tế của Tỉnh, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét bổ sung chính sách, tăng mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, buôn, khu phố từ 25 đến 30% so với mức phụ cấp hiện nay; từng bước nghiên cứu triển khai thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho những người hoạt động không chuyên trách; đề xuất chế độ phụ cấp cho Cấp ủy Chi bộ thôn, buôn, khu phố; tăng phụ cấp cho trưởng các đoàn thể ở thôn, buôn, khu phố 30% so với mức phụ cấp hiện nay; nghiên cứu đề xuất mức phụ cấp cho cán bộ cốt cán ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Tăng cường đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị làm việc cho xã, phường, thị trấn
Tiến hành kiểm tra rà soát thực trạng trụ sở làm việc của UBND các xã, phường, thị trấn, trụ sở thôn, buôn, khu phố trong toàn tỉnh, tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc các xã, phường, thị trấn đảm bảo kiên cố, đủ điều kiện làm việc, nhất là trụ sở các xã, phường được chia tách, thành lập mới trong những năm gần đây. Các địa phương cần có kế hoạch xây dựng mỗi thôn, buôn, khu phố đều có trụ sở để sinh hoạt, hội họp, đồng thời đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc. Đảng ủy, các bộ phận chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân và Khối vận được trang bị máy vi tính để làm việc; nối mạng vi tính đến xã và mạng điện thoại cố định đến trụ sở thôn, buôn, khu phố.
Đối với những xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn, cấp trên cần tăng kinh phí đầu tư, giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.
4. Xây dựng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn gắn với việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 16/11/2010 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, phấn đấu đến năm 2015 có 25% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
5. Xây dựng gia đình và khu dân cư văn hóa: phấn đấu hàng năm có trên 90% gia đình văn hóa; trên 80% thôn, buôn, khu phố văn hóa. Đến năm 2015, có trên 30% xã, phường, thị trấn văn hóa.
6. Đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp quần chúng, coi trọng và mở rộng các hoạt động tự quản của nhân dân dưới nhiều hình thức phong phú tại địa bàn thôn, buôn, khu phố để các tầng lớp nhân dân được tham gia các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua hoạt động các đoàn thể chú trọng xây dựng lực lượng cốt cán trong các tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số.
1. Giao Sở Nội vụ:
- Chủ trì phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, các ngành chức năng liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị - hành chính, quản lý Nhà nước và kỹ năng xử lý công việc theo từng chức danh cán bộ, công chức ở cơ sở, đảm bảo đến năm 2015 cán bộ chuyên trách và công chức xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị và quản lý Nhà nước theo đúng quy định của Trung ương, hoàn thành tốt các chỉ tiêu về đào tạo cán bộ, công chức cấp xã đề ra trong Kế hoạch này.
- Phối hợp với UBND các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân kiểm tra, rà soát tham mưu kịp thời UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án về một số giải pháp củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở 03 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân giai đoạn 2010-2015 theo Quyết định số 253/QĐ-TTg, ngày 05/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ đối với Tây nguyên.