Báo cáo 36/BC-CP thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2009 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 36/BC-CP
Ngày ban hành 20/04/2010
Ngày có hiệu lực 20/04/2010
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 36/BC-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2010

 

BÁO CÁO

VIỆC THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2009

Kính gửi: Quốc hội

Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành được hơn 2 năm, thời gian chưa nhiều để triển khai thực hiện những quy định của Luật, mặt khác, nhận thức về vấn đề bình đẳng giới còn nhiều hạn chế song việc thực hiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới được triển khai bước đầu khá đồng bộ ở hầu hết các ngành, các cấp, tạo ra được tiền đề tích cực cho các năm tiếp theo.

Thực hiện Điều 25 Luật Bình đẳng giới, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2009 với những nội dung cụ thể như sau:

Phần 1.

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2009

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI

1. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới

So với năm 2008, trong năm 2009, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới đã hoàn thành theo quy định tại Chỉ thị số 10/2007/CT-TTg ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới. Cho tới thời điểm này, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới là: Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngày 01 tháng 12 năm 2009, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (kèm theo Nghị quyết số 57/NQ-CP). Chương trình hành động đã quy định những nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan ở Trung ương và địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết trên.

Thực hiện Điều 20 của Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 191/2009/TT-BTC ngày 01 tháng 10 năm 2009 hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Việc ban hành Thông tư đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của Luật Bình đẳng giới trong việc bảo đảm nguồn lực tài chính cho hoạt động bình đẳng giới.

Nhằm từng bước kiện toàn về hoạt động, tổ chức của các Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc về tổ chức bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2009 về việc thành lập, kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; ngày 03 tháng 12 năm 2009, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 4598/LĐTBXH-BĐG về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1855/QĐ-TTg nêu trên.

Trong năm vừa qua, nhiều Bộ ngành, địa phương đã và đang tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11-NQ/TW như Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các tỉnh Hà Nam, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Nguyên, An Giang …

2. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được coi là phương pháp tiếp cận hiệu quả nhất để đạt được bình đẳng giới. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng, tạo tiền đề pháp lý để thực thi bình đẳng giới trên thực tế. Trong giai đoạn hiện nay, do sự hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới của cán bộ làm công tác tham mưu hoạch định chính sách dẫn đến việc triển khai trên thực tế còn nhiều khó khăn, lúng túng và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, với những nỗ lực ban đầu, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai và đạt một số kết quả sau:

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức. Theo quy định tại Điều 5 của Luật, một trong năm nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức đó là thực hiện bình đẳng giới. Ngoài ra, Điều 18 của Luật quy định về những việc cán bộ, công chức không được làm, liên quan đến đạo đức công vụ, trong đó có việc không được phân biệt đối xử vì lý do dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

Căn cứ Nghị định số 48/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 299/QĐ-LĐTBXH, trong đó giao các đơn vị chức năng nghiên cứu xây dựng, trình ban hành các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ, hỗ trợ dạy nghề cho lao động nữ khu vực nông thôn; trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ trong một số nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại; triển khai nghiên cứu và đề xuất việc ban hành chính sách khuyến khích các cơ quan, tổ chức hỗ trợ lao động nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi, tạo điều kiện cho lao động nam nghỉ hưởng nguyên lương và phụ cấp khi vợ sinh con …. Những nội dung này sẽ được lồng ghép trong quá trình xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Nghị định số 01/2009/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2009 quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với người đang làm công tác cơ yếu, Chính phủ quy định: thiết bị vệ sinh nhà ở tập thể và nhà làm việc công cộng được trang cấp theo quy mô quân số, đối với đơn vị cơ yếu có nữ thì phải bố trí cho nam, nữ riêng.

Ngày 30 tháng 6 năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại Điều 5 của Nghị định này, Chính phủ đã quy định rõ việc ưu tiên chương trình trợ giúp của Nhà nước cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và có sử dụng nhiều lao động nữ.

Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, Chính phủ đã quy định: phạt tiền ở mức cao đối với các hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp, lợi dụng việc đăng ký kết hôn nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm tình dục, bóc lột sức lao động.

Nghị định số 65/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2003 quy định về tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ đã có những quy định dành riêng cho nữ quân nhân.

Tại Nghị định số 66/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, Chính phủ quy định: về chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của học sinh thì học sinh nữ được cấp thêm mỗi tháng một khoản tiền tương đương với 3 kg gạo tẻ loại thường tính theo giá thị trường của từng địa phương để mua những đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân; về chế độ khám bệnh, chữa bệnh cho học sinh và việc tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng, đối với phụ nữ có thai thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Tại Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2009 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy, Chính phủ đã quy định: không áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện đối với nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi; đối với phụ nữ có thai thì được tạm đình chỉ thi hành quyết định cho đến khi con đủ ba mươi sáu tháng tuổi. Nếu trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới ba mươi sáu tháng tuổi nếu là người sau cai nghiện được hoãn thi hành quyết định; về giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại Trung tâm thì đối với phụ nữ có thai được tạm đình chỉ thi hành quyết định cho đến khi con đủ ba mươi sáu tháng tuổi. Trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, rèn luyện, lao động được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 48/2009/NĐ-CP về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1501/QĐ-BNV ngày 30 tháng 10 năm 2009 phê duyệt các đề án triển khai thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 3 đề án gồm: Đề án Tỷ lệ nữ trong cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đáp ứng mục tiêu bình đẳng giới; Đề án Hướng dẫn tổ chức thực hiện quy định về quy hoạch tạo nguồn cán bộ nữ, quy định tỷ lệ nữ được bổ nhiệm vào các chức danh trong cơ quan nhà nước; Khảo sát; rà soát kiến nghị về tuổi bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ; lồng ghép kiến thức về giới và bình đẳng giới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Căn cứ vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch, đồng thời để triển khai thực hiện việc hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đối với các cấp, các ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, trong đó có mục riêng về “thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ” với các chỉ tiêu cụ thể (như tỷ lệ nữ đại biểu của các cơ quan dân cử, tỷ lệ hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên cả vợ và chồng …); hầu hết các chỉ tiêu về việc làm, giáo dục và y tế đã được phân theo giới tính (như tỷ lệ lao động nữ trong tổng số lao động có việc làm mới; tỷ lệ học sinh nam/nữ trong tổng số học sinh các cấp học; tỷ lệ phụ nữ mù chữ ở độ tuổi dưới 40; tỷ lệ tử vong bà mẹ …). Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành nghiên cứu về cơ sở lý luận và phương pháp lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào công tác lập kế hoạch, nhằm tạo tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ này trong những năm tiếp theo.

Trong quá trình xây dựng Quy chế thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã đưa nội dung đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và các tiêu chí để đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các báo cáo thẩm định. Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng tài liệu hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý và tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng tài liệu này cho cán bộ thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý.

Các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố đã và đang thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sắp xếp, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương. Trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật chuyên ngành, các cơ quan chức năng đã và đang nghiên cứu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào dự thảo văn bản, như: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã và đang nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, trong đó những vấn đề quy định riêng đối với lao động nữ đang được xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới; Bộ Tư pháp triển khai xây dựng dự án Luật phòng chống buôn bán người, trong đó có quy định bảo đảm quyền con người của phụ nữ và trẻ em; Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa vào dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em các quy định xử phạt đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, phân biệt đối xử đối với phụ nữ mang thai, ép buộc phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai, phân biệt đối xử với trẻ em gái…; Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu để trình ban hành chính sách hỗ trợ nhằm tăng nhanh tỷ lệ phụ nữ được đào tạo sau đại học; Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong; Ủy ban Dân tộc nghiên cứu để trình ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Bộ Tài chính nghiên cứu để trình thành lập Quỹ giải thưởng tài năng nữ …. Trong quá trình xây dựng các Chiến lược của ngành cho giai đoạn 2011 – 2020, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, các chương trình, đề án, các cơ quan đã và đang nghiên cứu để đưa vào dự thảo các quy định để đảm bảo bình đẳng giới (như Chiến lược an sinh xã hội, Chiến lược đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình, Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, Đề án phát triển các dịch vụ hỗ trợ gia đình và cải thiện môi trường sống, Đề án phát triển dịch vụ gia đình và cộng đồng …). Đặc biệt, một số địa phương đã chỉ đạo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước ở cơ sở, góp phần tích cực xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu và tư tưởng trọng nam hơn nữ.

[...]