Quyết định 312/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 312/QĐ-TTg
Ngày ban hành 02/03/2010
Ngày có hiệu lực 02/03/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ  
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 312/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI ĐỒNG BỘ CÁC HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003 và Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

Đổi mới và áp dụng đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất, thông suốt và hiệu quả phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế nhằm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các thông tin thống kê đáp ứng nhu cầu phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các Bộ, ngành và địa phương và của các tổ chức, cá nhân.

II. PHƯƠNG HƯỚNG ĐỔI MỚI

1. Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê phải bảo đảm thực hiện đúng 6 nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê đã được quy định trong Luật Thống kê là: (i) Bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời trong hoạt động thống kê; (ii) Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; (iii) Thống nhất về chỉ tiêu, biểu mẫu, phương pháp tính, bảng phân loại, đơn vị đo lường, niên độ thống kê và bảo đảm tính so sánh quốc tế; (iv) Không trùng lặp, chồng chéo giữa các cuộc điều tra thống kê, các chế độ báo cáo thống kê; (v) Công khai về phương pháp thống kê, công bố thông tin thống kê; (vi) Bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin thống kê Nhà nước đã công bố công khai; những thông tin thống kê về từng tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng cho mục đích tổng hợp thống kê.

2. Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, bao gồm: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Hệ thống chỉ tiêu thống kê của các Bộ, ngành và Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã, hình thành tổng thể các hệ thống chỉ tiêu thống kê thống nhất. Việc đổi mới các hệ thống chỉ tiêu thống kê phải được thực hiện cùng với việc đổi mới toàn diện các hoạt động thống kê. Kết quả của việc đổi mới này phải trở thành một trong các căn cứ quan trọng để xây dựng Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2015.

3. Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê phải tiến hành trên cơ sở tiếp tục phát huy vai trò của Hệ thống thống kê tập trung; tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây gọi chung là thống kê Bộ, ngành); nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn thông tin thống kê do các tổ chức thống kê cơ sở thu thập, tổng hợp, nhằm hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất, thông suốt và hiệu quả.

4. Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, đồng thời tạo ra sự chủ động hội nhập ngày càng sâu, rộng của thống kê Việt Nam với thống kê quốc tế. Trên cơ sở lộ trình triển khai phù hợp, bảo đảm tính khả thi cao của các hệ thống chỉ tiêu thống kê mới.

5. Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê phải gắn liền với đổi mới các hoạt động thống kê; đồng thời phải hoàn thiện bộ máy tổ chức, bảo đảm nguồn nhân lực, môi trường pháp lý, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện khác để triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả các nội dung đổi mới.

III. NỘI DUNG ĐỔI MỚI

1. Đổi mới, bổ sung, hoàn thiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 305/2005/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2005 với 274 chỉ tiêu thống kê thuộc 24 nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội đã phát huy vai trò chủ đạo trong tổng thể các hệ thống chỉ tiêu thống kê của nước ta trong thời gian qua, tuy nhiên cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, so với yêu cầu của quá trình xây dựng và phát triển của đất nước nên cần phải được đổi mới, hoàn thiện với các nội dung sau:

a) Xác định, bổ sung thêm các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả của sự phát triển, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các chỉ tiêu bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

b) Tiêu thức phân tổ của các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải bảo đảm yêu cầu thông tin chi tiết phân theo ngành kinh tế, thành phần kinh tế (trong thời gian trước mắt tạm thời phân theo loại hình kinh tế như: kinh tế nhà nước; kinh tế ngoài nhà nước; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài), vùng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với các chỉ tiêu xã hội phải đổi mới để tăng thêm phân tổ theo giới tính, dân tộc, thành thị, nông thôn với các tiêu thức chất lượng cụ thể, rõ hơn.

c) Phân công trách nhiệm thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý của bộ, ngành và chức năng, nhiệm vụ của Hệ thống thống kê tập trung, tránh trùng lặp, chồng chéo, nhằm phản ánh đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước.

2. Xây dựng và ban hành đầy đủ Hệ thống chỉ tiêu thống kê của các Bộ, ngành

Căn cứ vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương ban hành các hệ thống chỉ tiêu thống kê phục vụ yêu cầu quản lý, sử dụng thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Hệ thống chỉ tiêu thống kê của mỗi Bộ, ngành phải bảo đảm tính đồng bộ cao với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và các hệ thống chỉ tiêu thống kê khác; đồng thời phải là một trong những nguồn cung cấp thông tin đầu vào quan trọng của Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân khác.

3. Xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê của Bộ, ngành. Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã phải là một trong những nguồn cung cấp thông tin đầu vào quan trọng của Hệ thống, chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê của Bộ, ngành; đáp ứng yêu cầu thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương; đồng thời phục vụ nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác.

4. Xây dựng hệ thống khái niệm, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê

Căn cứ các Hệ thống chỉ tiêu thống kê được cấp có thẩm quyền ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các Bộ, ngành tiến hành chuẩn hóa khái niệm, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê theo đúng chuẩn mực thống kê và phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế để thống nhất áp dụng, bảo đảm tính so sánh của số liệu thống kê theo thời gian và không gian.

5. Hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin đầu vào của các hệ thống chỉ tiêu thống kê

Hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin, kết hợp hài hòa và có hiệu quả báo cáo thống kê, điều tra thống kê với khai thác nguồn thông tin đa dạng và phong phú của các hồ sơ đăng ký hành chính. Theo đó, rà soát và xây dựng hoàn chỉnh Chế độ báo cáo thống kê cơ sở; Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành; Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chương trình điều tra thống kê quốc gia; Chế độ báo cáo thống kê của các bộ, ngành; tổ chức hệ thống các cơ sở dữ liệu thống kê khai thác từ hồ sơ đăng ký hành chính.

[...]