Báo cáo 262/BC-UBND về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, ngân sách thành phố Hồ Chí Minh năm 2014; phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội, ngân sách năm 2015

Số hiệu 262/BC-UBND
Ngày ban hành 31/12/2014
Ngày có hiệu lực 31/12/2014
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 262/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ NĂM 2014; PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NĂM 2015

PHẦN THỨ NHẤT

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NĂM 2014

Thực hiện Nghị quyết số 53/2013/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Kết luận số 151-KL/TU ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Hội nghị lần thứ 16 Thành ủy khóa IX; Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố về dự toán và phân bổ ngân sách Thành phố năm 2014, Nghị quyết số 38/2013/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014; Ủy ban nhân dân Thành phố đã xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2014, ban hành các Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch về điều hành tổ chức thực hiện. Với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và sự chung sức của các tầng lớp nhân dân, Thành phố đã đạt được một số kết quả quan trọng như sau:

I. Kinh tế phục hồi ổn định, sản xuất kinh doanh tăng trưởng khá, hoạt động văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, ngân sách đạt và vượt kế hoạch, các chính sách an sinh xã hội thực hiện có hiệu quả theo Nghị quyết 01 của Chính phủ và Kết luận 151 của Thành ủy.

1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2014 đạt 852.523 tỷ đồng, tăng 9,6% (cùng kỳ tăng 9,3%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ chiếm tỷ trọng 59,6% trong GDP, công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 39,4%, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 1%. GDP bình quân đầu người đạt 5.131 đô-la Mỹ, tăng 12,89% (năm 2013 là 4.545 đô-la Mỹ).

2. Thương mại - Dịch vụ, xuất - nhập khẩu

a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 655.365,5 tỷ đồng, tăng 12,5% (cùng kỳ tăng 10,7%); nếu loại trừ yếu tố biến động giá thì tăng 8,04% (cùng kỳ tăng 8,6%). Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,9%, nếu loại trừ yếu tố biến động giá thì tăng 11,9% so cùng kỳ. Như vậy sức mua thị trường thành phố năm 2014 (kể cả doanh thu và lượng hàng hóa dịch vụ tiêu thụ) vẫn duy trì mức tăng trưởng khá.

b) Kim ngạch xuất khẩu ước cả năm 2014 đạt 32,083 tỷ đô-la Mỹ, tăng 8,8% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 6%). Nếu loại trừ trị giá dầu thô, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 24,903 tỷ đô-la Mỹ, tăng 11,9% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 2,5%). Nếu loại trừ kim ngạch tái xuất vàng (trong năm 2013), kim ngạch xuất khẩu của Thành phố tăng 14,65%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng cao so cùng kỳ: gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu giảm so cùng kỳ: máy vi tính và sản phẩm điện tử (do một số doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao tạm ngưng sản xuất), sắn và các sản phẩm từ sắn (do giá giảm), cao su (do nguồn cung thế giới tăng cao và giá giảm). Cơ cấu thị trường xuất khẩu: Khu vực châu Á chiếm tỷ trọng 57,49%; châu Âu 17,94%; châu Mỹ 21,26%; châu Phi và châu Đại Dương 3,31%.

Kim ngạch nhập khẩu ước cả năm 2014 đạt 30,690 tỷ đô-la Mỹ, tăng 7,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,9%). Mặt hàng hàng nhập khẩu tăng so cùng kỳ: máy móc thiết bị và phụ tùng; vải các loại; sắt thép các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da và giày; chất dẻo nguyên liệu; điện thoại các loại và linh kiện. Mặt hàng hàng nhập khẩu giảm so cùng kỳ: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phân bón các loại; đá quý, kim loại quý; bánh, kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc. Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu: Nhóm hàng cần thiết nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao 75,97%; Nhóm hàng cần thiết nhập khẩu nhưng phải kiểm soát chiếm tỷ trọng 17,8%; Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu chiếm nhỏ nhất 6,22%.

Nhìn chung năm 2014, chất lượng xuất khẩu tiếp tục được nâng lên và phát triển theo hướng bền vững thể hiện ở những lĩnh vực như sau: những năm trước mức tăng kim ngạch xuất khẩu thường do doanh nghiệp FDI thì nay doanh nghiệp trong nước đã có sự tăng trưởng khá tăng 8,5% (cùng kỳ năm trước giảm 8%); cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu chuyển biến tích cực nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm mức cao 69,4%; thị trường xuất nhập khẩu phát triển phù hợp với sự chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố, theo hướng đa dạng, hạn chế tình trạng lệ thuộc vào một thị trường, xuất khẩu tăng mạnh ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, tăng chậm ở thị trường Trung Quốc tăng 4,1% (cùng kỳ năm trước tăng 32,1%); Các nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu đang chuyển đổi thị trường nhập khẩu: vải nguyên liệu đang tăng cường nhập khẩu Hàn Quốc; Nhật Bản, Malaysia, giảm nhập khẩu từ Trung Quốc (giảm 16,1%)…; nguyên phụ liệu dệt may, da, giày chuyển hướng thị trường nhập khẩu sang Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Ý, giảm nhập khẩu từ Trung Quốc (giảm 17%)….

c) Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường:

- Tiếp tục thực hiện 04 Chương trình bình ổn thị trường theo hướng mở rộng quy mô thực hiện, đi vào chiều sâu, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định, lượng hàng hóa dồi dào, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ. Doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư; hiện đại hóa, liên kết sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường các mặt hàng thiết yếu. Tính đến ngày 01/11/2014, trên địa bàn Thành phố có 8.939 điểm bán, tăng 8.691 điểm bán so năm 2008 và tăng 736 điểm bán so thời điểm tháng 4/2014 khi bắt đầu triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015[1]. Thành phố đưa vào sử dụng Biểu trưng (Logo) của Chương trình bình ổn thị trường để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của hàng hóa sản xuất trong nước.

- Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ; qua 3 năm thực hiện đã ký kết 867 hợp đồng, trong đó năm 2014 đã ký được 430 hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp Thành phố với các doanh nghiệp tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, doanh thu 2 chiều đạt gần 20.000 tỷ đồng. Chương trình đã góp phần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và phân phối, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và thông qua hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa đã giúp cho hàng Việt mở rộng thị phần, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định cung - cầu trên thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

- Chương trình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai sâu rộng; tạo chuyển biến tích cực trong xã hội về việc sử dụng hàng Việt Nam, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng uy tín thương hiệu; đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất thông qua chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định 33, 38/QĐ-UBND của Thành phố[2]. Trong bối cảnh hội nhập phải cạnh tranh gay gắt, hàng Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống phân phối của Thành phố.[3] Tại thời điểm khảo sát tháng 8/2014, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các chợ truyền thống đạt bình quân 80%, tại siêu thị, cửa hàng thuộc hệ thống thương mại đạt bình quân 90%. Các hoạt động quảng bá, kết nối doanh nghiệp và xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực từ Thành phố đến các tỉnh, thành trong nước.

Thành phố đã tập trung chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra kiểm soát chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng; đã kiểm tra 17.769 vụ, tăng 15,71% so cùng kỳ; phát hiện 11.797 vụ vi phạm, tăng 17% so cùng kỳ; thu nộp ngân sách 91,070 tỷ đồng, tăng 29,49% so cùng kỳ.

d) Tín dụng - Ngân hàng: Tổng vốn huy động đến đầu tháng 12 là 1.289.700 tỷ đồng, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2013; trong đó vốn huy động VNĐ chiếm 84,3%, tăng 14,8%; vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 15,7%, tăng 12%. Tổng dư nợ tín dụng đến đầu tháng 12 là 1.037.900 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ năm 2013; trong đó, dư nợ tín dụng bằng VNĐ là 872.600 tỷ đồng, tăng 11,5%; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ là 165.300 tỷ đồng, tăng 11,2%. Dư nợ tín dụng trung dài hạn tăng 25,8% so cùng kỳ năm 2013; dư nợ tín dụng ngắn hạn giảm 0,5% so cùng kỳ năm 2013. Dư nợ cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên[4] bao gồm cả ngắn, trung dài hạn và cho vay bằng ngoại tệ đạt 587.000 tỷ đồng, chiếm 58% tổng dư nợ; trong đó cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 134.185 tỷ đồng[5], tăng 6,3% so cuối năm 2013; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 67% tổng dư nợ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên.

Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2014 chiếm 6,66% tổng dư nợ, tăng 1,97% (cuối năm 2013 là 4,69%), nguyên nhân nợ xấu tăng là do từ ngày 01/6/2014 các tổ chức tín dụng bắt đầu thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và thực hiện các điều kiện cơ cấu lại nợ theo Thông tư 09/2014/TT-NHNN và Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước. Lượng kiều hối đạt 5 tỷ đô-la Mỹ, tăng 4,2%[6]. Thành phố đã phối hợp với Ngân hàng nhà nước giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn nhằm đảm bảo ổn định, an toàn hệ thống.

- Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: các ngân hàng đã thực hiện ký kết với tổng số tiền 38.996 tỷ đồng cho 1.089 doanh nghiệp (vượt mức kế hoạch giao năm 2014 là 20.000 tỷ đồng), tăng 3 lần so thực hiện năm 2013; dự kiến cả năm thực hiện 40.000 tỷ đồng. Đây là điểm sáng, thể hiện sự chủ động của Thành phố nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn.

đ) Thị trường chứng khoán, ngoại hối và vàng: Đến cuối tháng 11/2014, có 304 cổ phiếu và 2 chứng chỉ quỹ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán; giá trị thị trường của các chứng khoán niêm yết là 1.020.047,49 tỷ đồng, tăng 21,1% so cuối năm 2013. Khối lượng giao dịch bình quân phiên có 134,93 triệu chứng khoán được chuyển nhượng với giá trị 2.369,09 tỷ đồng. Trong năm 2014, chỉ số VN-Index đạt mức thấp nhất vào ngày 02/01 với 504,51 điểm và đạt mức cao nhất vào ngày 03/9 với 640,75 điểm. Tình hình tỷ giá ngoại hối tương đối ổn định, tỷ giá Việt Nam đồng và giá vàng trong nước không biến động lớn.

e) Hoạt động Du lịch: là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, với tốc độ tăng trưởng khá, tổng doanh thu ước đạt 89.405 tỷ đồng, tăng 7,4% so cùng kỳ; lượng khách quốc tế đạt 4,4 triệu lượt, tăng 7% so cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt 17,6 triệu lượt người, tăng 13% so cùng kỳ. Thành phố đã tập trung xây dựng sản phẩm mới gắn liền với nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng môi trường thân thiện, an toàn; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố xây dựng các chuyến du lịch nhằm đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch, nâng chất các sự kiện mang tầm vóc quốc tế và tính chuyên nghiệp; tiếp tục nâng chất lượng các điểm bán hàng, khách sạn, dịch vụ đạt chuẩn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, trong đó chú trọng giới thiệu đến du khách sản phẩm du lịch đường sông. Đã công bố quyết định thành lập Sở Du lịch, đổi tên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành Sở Văn hóa và Thể thao.

g) Vận tải hàng hóa - hành khách: Tổng doanh thu vận tải hàng hóa và hành khách năm 2014 đạt 63.780,2 tỷ đồng, tăng 16,3% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó: doanh thu vận tải hàng hóa thông qua cảng biển ước 15,650 tỷ đồng (tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2013); doanh thu vận tải hàng hóa qua đường bộ ước 24,713 tỷ đồng (tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2013). Có 593 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng và trong năm đã đăng ký mới 287.394 phương tiện giao thông cơ giới (29.134 ôtô, 258.260 xe gắn máy); nâng tổng số đang quản lý 6.849.285 chiếc (578.138 ôtô, 6.271.147 xe gắn máy), tăng 6,48% so cùng kỳ.

Đã tập trung chấn chỉnh hoạt động xe buýt và xử lý một số sai phạm. Đã khánh thành cảng Tân cảng - Hiệp Phước và hoàn thành việc nạo vét luồng sông Soài Rạp giai đoạn 2 (- 9,5m), có khả năng tiếp nhận tàu từ 50.000 đến 55.000 DWT, rút ngắn gần 20 km, tiết kiệm 01 giờ đồng và nhiều chi phí khác, góp phần phát triển kinh tế cảng của Thành phố. Sản lượng hàng hóa qua các cảng trên địa bàn Thành phố đạt 100,9 triệu tấn, tăng 14,23% so năm 2013.

h) Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin: Tổng số thuê bao điện thoại cố định và di động đạt 15,8 triệu thuê bao, giảm 6% điện thoại cố định và lượng sim rác. Mật độ điện thoại đạt 166 máy/100 dân. Có 3.952 cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet công cộng (giảm 2%). Truy cập Internet qua hệ thống cáp ước đạt 1,3 triệu, trong đó truy cập qua hệ thống cáp quang tăng 74%, qua hệ thống cáp đồng truyền hình tăng 29%. Doanh thu năm 2014 của lĩnh vực bưu chính, viễn thông ước 34.460 tỷ đồng (tăng 2% so cùng kỳ), trong đó bưu chính ước 4.555 tỷ đồng và viễn thông ước 29.905 tỷ đồng. Doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin ước 139.407,5 tỷ đồng (tăng 25% so cùng kỳ), trong đó phần cứng ước 115.708 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 83% toàn ngành công nghệ thông tin), phần mềm và nội dung số ước 23.699,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 17% toàn ngành công nghệ thông tin).

Đã hoàn thành trên 80% kế hoạch về chỉnh trang thu gom mạng cáp (24 dự án, 48,5km); ngầm hóa cáp viễn thông 19 công trình. Đã triển khai phương án kết nối các tổng đài khẩn cấp 113, 114 và 115 trên địa bàn nhằm thống nhất tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.

Triển khai mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng nền tảng mở cho mô hình chính quyền điện tử, phát triển ứng dụng công nghệ nguồn mở cho 22 quận-huyện; chuyển giao đào tạo cho 28 tỉnh, thành. Xây dựng trục tích hợp liên thông kết nối văn bản toàn Thành phố; tổ chức triển khai thành công hệ thống Đăng ký kinh doanh tại nhà và ISO điện tử tại Thành phố phục vụ người dân, doanh nghiệp; triển khai hệ thống quản lý cấp phép lao động nước ngoài trực tuyến, hệ thống quản lý cấp phép đầu tư nước ngoài trực tuyến. Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả khả quan, đặc biệt sản phẩm bộ thu thập dữ liệu tự động từ xa của Chương trình vi mạch đã thắng thầu phân phối cho Tổng Công ty Điện lực Thành phố năm 2015 khoảng 40.000 bộ, tiết kiệm cho ngân sách 25 tỷ đồng.

3. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2014 giảm 0,36% so tháng 11/2014. Cả năm chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,65% so tháng 12/2013, thấp hơn so cùng kỳ (năm 2013 tăng 5,2%), đã góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

[...]