Báo cáo 23/BC-UBND năm 2014 kết quả thực hiện công tác người cao tuổi năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 23/BC-UBND
Ngày ban hành 06/02/2014
Ngày có hiệu lực 06/02/2014
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hứa Ngọc Thuận
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 02 năm 2014

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC NGƯỜI CAO TUỔI NĂM 2013 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2014

Căn cứ Công văn số 81/CV-UBQGNCT ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam về việc báo cáo tổng kết công tác người cao tuổi; Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo tổng kết công tác người cao tuổi năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014 như sau:

Phần thứ nhất.

KẾT QUẢ CÔNG TÁC NGƯỜI CAO TUỔI NĂM 2013

I. TÌNH HÌNH CHUNG CỦA THÀNH PHỐ

1. Tình hình chung:

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, luôn đi đầu trong việc thực hiện các chính sách xã hội, trong đó công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi luôn được chú trọng. Bên cạnh việc thực hiện các chính sách nhà nước về trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thành phố còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi (đặc biệt đối với người cao tuổi độc thân, cô đơn không nơi nương tựa, tàn tật, người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, người từ đủ 80 tuổi trở lên) về vật chất, tinh thần và sức khỏe, coi việc trợ giúp người cao tuổi là đạo lý, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích là 2.095,6 km², với dân số hiện nay là 7.750.000 người (số liệu thống kê tháng 12 năm 2012 của Cục Thống kê thành phố) trên 2 triệu hộ gia đình.

Số hộ nghèo thành phố là 13.040 hộ chiếm tỷ lệ 0,71% tổng số hộ dân thành phố. Trong đó hộ nghèo có người cao tuổi là 2.731 hộ chiếm tỷ lệ 20,94% tổng số hộ nghèo thành phố.

2. Thực trạng người cao tuổi:

Tổng số người cao tuổi thành phố năm 2013 là 469.353 người, chiếm tỷ lệ 6,06% dân số.

Tổng số hội viên người cao tuổi là 403.440 người (trong đó hội viên Hội người cao tuổi dưới 60 tuổi là 13.432 người).

II. KẾT QUẢ CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Công tác chỉ đạo:

Từ khi Luật người cao tuổi có hiệu lực đến nay, c ông tác triển khai Luật Người cao tuổi và các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Người cao tuổi được Đảng bộ và chính quyền thành phố quan tâm chỉ đạo; trong thời gian qua Ủy ban nhân dân Thành phố, các Sở, ngành, quận-huyện, các tổ chức và đơn vị liên quan đã ban hành theo thẩm quyền hệ thống các văn bản chỉ đạo cụ thể như: triển khai thực hiện Nghị định số 06/NĐ-CP về việc thực hiện Luật Người cao tuổi; thành lập Ban công tác người cao tuổi Thành phố và ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Ban công tác người cao tuổi Thành phố; quy định chế độ trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn Thành phố ... trong đó có người cao tuổi; quy định về thời điểm chúc thọ, mừng thọ và định mức quà tặng cho người cao tuổi;... nhất là chính sách bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, miễn giảm giá vé giao thông, phí dịch vụ trong một số loại hình văn hóa, thể thao, du lịch về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu hỗ trợ trực tiếp người cao tuổi.

Đánh giá cao những cống hiến của người cao tuổi, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức mọi tầng lớp nhân dân chăm sóc người cao tuổi; đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để vận động xã hội, huy động mọi nguồn lực chăm sóc người cao tuổi. Theo đó, thường xuyên tổ chức khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại các cơ sở y tế; vận động các cá nhân và tổ chức xã hội, nhận phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, chúc thọ, mừng thọ, động viên tinh thần người cao tuổi; tổ chức các mô hình câu lạc bộ, hội thi thơ ca, thể dục thể thao dưỡng sinh... phù hợp với người cao tuổi tại phường, xã, thị trấn, khu phố, tổ dân phố, ấp; đặc biệt quan tâm chăm sóc người cao tuổi thuộc diện neo đơn, nghèo, tàn tật sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội.

Về tổ chức Hội Người cao tuổi: Thành phố có Ban đại diện Hội người cao tuổi Thành phố; cấp quận huyện đã thành lập 24 Ban đại diện hội người cao tuổi; cấp phường, xã, thị trấn: 322 phường, xã, thị trấn đã xây dựng Ban chấp hành Hội và các tổ chức chi hội, tổ hội. Tổng số hội viên người cao tuổi là 403.440/469.353 người cao tuổi Thành phố, chiếm tỷ lệ 85,96%.

2. Kết quả thực hiện công tác người cao tuổi năm 2013:

a) Công tác tuyên truyền:

Công tác tuyên truyền, triển khai Luật người cao tuổi và các văn bản hướng dẫn được Thành phố quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện, đã thực hiện lồng ghép bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền thực tiếp, nói chuyện chuyên đề nhân ngày người cao tuổi Việt Nam (ngày 06/6), ngày quốc tế người cao tuổi (ngày 01/10), Tết Nguyên đán ... hoặc thông qua các chuyên đề “ Vui khỏe - có ích”, nêu gương “ Ông Bà mẫu mực - con cháu thảo hiền”, “Tuổi cao - Gương sáng”....

Bên cạnh đó, các cơ quan báo, đài truyền hình Thành phố đã tích cực tuyên truyền chính sách, pháp luật và các mô hình thực hiện cơ chế, chính sách đối với người cao tuổi, từ đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của xã hội về hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi; đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để vận động xã hội, huy động mọi nguồn lực chăm sóc người cao tuổi.

b) Về chăm sóc sức khỏe:

Toàn Thành phố có 06 bệnh viện có Khoa Lão để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện Phong Bến Sắn. Hầu hết bệnh viện tuyến quận- huyện, khu vực đều có các giường điều trị ưu tiên giành cho người cao tuổi nội trú. Thực hiện chế độ ưu tiên khám chữa bệnh cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên theo quy định. Tuyến y tế cơ sở thực hiện việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi được củng cố và tăng cường cơ sở vật chất.

Việc cấp và khám chữa bệnh cho người cao tuổi bằng thẻ bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Hầu hết người c ao tuổi thuộc diện hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, người cao tuổi thuộc hộ nghèo… đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Hiện nay đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 105.000 người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Số người cao tuổi được khám định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại phường-xã-thị trấn nơi cư trú là 68.672 người. Số lượng người cao tuổi được truyền thông giáo dục sức khỏe là 144.815 người.

Ngoài ra, Hội người cao tuổi các cấp phối hợp Sở Y tế Thành phố hưởng ứng chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” của Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam triển khai cho quận-huyện, phường-xã-thị trấn, đã có 63.335 người cao tuổi thực hiện khám mắt, trong đó có 5744 người được chữa mắt miễn phí.

c) Về chăm sóc đời sống vật chất:

[...]