Báo cáo 23/BC-BTP năm 2024 tổng kết thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 23/BC-BTP
Ngày ban hành 12/01/2024
Ngày có hiệu lực 12/01/2024
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Mai Lương Khôi
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/BC-BTP

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2024

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 26/CT-TTG NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH VÀ THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH

Thực hiện Văn bản số 6996/VPCP-V.I ngày 17/10/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, theo đó Chính phủ giao Bộ Tư pháp tổ chức tổng kết Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (TTHC) và thi hành án hành chính (THAHC), Bộ Tư pháp đã có các văn bản[1] gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị báo cáo kết quả tổng kết Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến hết ngày 05/10/2023, có 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 16 bộ, ngành báo cáo kết quả tổng[2]. Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp báo cáo kết quả việc thực hiện Chỉ thị số 26/CT- TTg như sau:

I. TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 26/CT-TTg

1. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg

1.1. Việc chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện Chỉ thị/CT-TTg

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã triển khai với nhiều hình thức phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Tổ chức quán triệt tinh thần, nội dung cơ bản của Luật TTHC nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác thuộc bộ, ngành trong việc ban hành các quyết định hành chính (QĐHC) và thực hiện các hành vi hành chính (HVHC) nhằm hạn chế tối đa các vụ việc có thể bị khởi kiện ra Tòa án; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật TTHC năm 2015 và các văn bản pháp luật khác về THAHC đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khác thuộc Bộ, ngành mình chấp hành nghiêm túc pháp luật TTHC và THAHC; thi hành kịp thời, nghiêm túc bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật; định kỳ tổng hợp, đánh giá kết quả THAHC của bộ, ngành mình báo cáo Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ về công tác THAHC.

Về phía Bộ Tư pháp, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về THAHC, Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm đến việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị. Cụ thể, Bộ Tư pháp thực hiện nhiều giải pháp để triển khai thực hiện như: (1) Nghiên cứu hoàn thiện thể chế về công tác THAHC áp dụng trong Hệ thống THADS và liên ngành[3]; (2) Ban hành các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quan tâm, tăng cường chỉ đạo đối với công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC; (3) Ban hành Chương trình trọng tâm công tác THADS, theo dõi THAHC hàng năm[4], Kế hoạch công tác THAHC hàng năm trong đó tập trung chỉ đạo Hệ thống thi hành án dân sự (THADS) theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi do Tòa án chuyển giao; (4) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức đăng tải công khai thông tin người phải thi hành án không chấp hành án hành chính theo quy định; (5) Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác THAHC; (6) Tổ chức sơ kết 05 năm thi hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ và tổ chức tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC năm 2015 liên quan đến trách nhiệm của bộ, ngành Tư pháp theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC); (7) Xây dựng các chuyên đề về công tác THAHC tại các hội nghị sơ, tổng kết công tác tư pháp hàng năm, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về THAHC cũng như trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về các nội dung liên quan đến công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC...

Về phía các địa phương, trên cơ sở tiếp tục quán triệt, triển khai thi hành có hiệu quả các quy định của Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng, nhiều Tỉnh ủy/Thành ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy/Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật TTHC năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn trong việc ban hành QĐHC và thực hiện HVHC, gắn với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan đơn vị trên địa bàn; chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức khác ở địa phương chấp hành nghiêm pháp luật về TTHC và THAHC; nghiêm túc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, không để tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; giao Cục THADS hoặc Sở Tư pháp làm đầu mối, tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác THAHC trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với VKSND tỉnh, TAND tỉnh, các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã trực thuộc thực hiện việc tổng hợp, đánh giá số liệu xét xử, số liệu theo dõi THAHC và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong THAHC; định kỳ 6 tháng, một năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp về công tác THAHC tại địa phương mình.

1.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 26/CT-TTg

Sau khi Chỉ thị số 26/CT-TTg được ban hành, các bộ, ngành đã tích cực, chủ động tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg đến cán bộ, công chức thuộc lĩnh vực quản lý. Hình thức phổ biến chủ yếu được thực hiện thông qua hội nghị triển khai, tập huấn, hội nghị trực tuyến hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Tại các địa phương, cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Bản tin Tư pháp; thực hiện “Ngày pháp luật”; các buổi sinh hoạt đoàn thể, câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật ở cấp xã và nhà văn hóa khu dân cư; in ấn phát hành tờ rơi; tổ chức các buổi tuyên truyền các quy định của Luật TTHC năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong nhân dân. Một số UBND tỉnh, thành phố đã quan tâm ban hành kế hoạch riêng để phổ biến, giáo dục pháp luật về TTHC và THAHC. Một số Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố tổ chức quán triệt các nội dung của Luật TTHC năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế tại các sở, ban, ngành; phối hợp với Phòng Tư pháp trên địa bàn tổ chức in ấn, phát hành đề cương tuyên truyền Luật TTHC năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành gửi đến các cơ quan, ban, ngành và một số thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn.

Đối với Hệ thống THADS cũng đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 26/CT-TTg như: (1) quán triệt, triển khai các quy định về THAHC, theo dõi THAHC đến toàn thể công chức, Chấp hành viên thông qua các văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị riêng hoặc lồng ghép vào các hội nghị tổng kết, sơ kết, họp giao ban theo định kỳ; (2) phân công 01 lãnh đạo Cục phụ trách nghiệp vụ chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác theo dõi THAHC; (3) tham mưu hoặc phối hợp với Sở Tư pháp, Văn phòng UBND cùng cấp và cơ quan khác có liên quan tham mưu UBND cùng cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị về tăng cường công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC trên địa bàn; (4) phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng các kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTHC và THAHC đã giúp cán bộ, công chức và nhân dân nhận thức đầy đủ hơn các quy định của pháp luật về TTHC và THAHC, từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

1.3. Công tác đôn đốc, hướng dẫn trong quá trình triển khai thi hành Chỉ thị số 26/CT-TTg

Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện công tác đôn đốc, chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật TTHC trong giải quyết vụ án hành chính và thi hành các bản án, quyết định về vụ án hành chính của Toà án; chỉ đạo việc tham mưu giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các bản án thuộc trách nhiệm thi hành của địa phương. Một số địa phương, Lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp nghe cơ quan THADS và UBND, Chủ tịch UBND là bên phải thi hành bản án hành chính báo cáo tình hình theo dõi và kết quả thi hành các bản án hành chính để kịp thời chỉ đạo tổ chức thi hành bản án hoặc thành lập Tổ giúp việc nghiên cứu, tham mưu, giúp Lãnh đạo UBND tỉnh trong quá trình tham gia tố tụng và tham mưu, kiểm tra, đôn đốc tổ chức thi hành các bản án hành chính trên địa bàn, trong đó chú trọng tham mưu, đề xuất phương án để tổ chức thi hành các bản án có khó khăn, vướng mắc[5].

1.4. Công tác phối hợp liên ngành trong việc triển khai thi hành Chỉ thị số 26/CT-TTg

Để triển khai thực hiện Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg, ở Trung ương, Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 26/CT-TTg nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về THAHC.

Ở địa phương, công tác phối hợp giữa UBND tỉnh với TAND, VKSND cùng cấp cũng đã được nhiều địa phương triển khai thực hiện thông qua các hình thức như: (1) Xây dựng quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh với TAND trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu chứng cứ trong giải quyết các vụ án hành chính; (2) Đề nghị VKSND tỉnh chỉ đạo VKSND cấp huyện tăng cường kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong giải quyết và THAHC; xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị, kháng nghị theo thủ tục luật định đối với các bản án, quyết định của Toà án.

Ngoài ra, UBND nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác phối hợp như: (1) Chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan THADS và các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTHC và THAHC; tham mưu xây dựng kế hoạch, báo cáo về công tác THAHC định kỳ và đột xuất; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các bản án, quyết định về vụ án hành chính; (2) Chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS và các sở, ban ngành để phối hợp tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức thi hành các bản án hành chính hoặc phối hợp nghiên cứu, đề xuất hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết các vụ việc quá trình tổ chức thi hành án có khó khăn, vướng mắc.

2. Kết quả thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg

2.1. Kết quả chung của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Kết quả công tác chấp hành pháp luật TTHC; thực hiện kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác chấp hành pháp luật TTHC, THAHC; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC ở bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg và kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác chấp hành Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác chấp hành pháp luật TTHC, THAHC; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC ở bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý.

Đối với các bộ, ngành Trung ương các quyết định hành chính (QĐHC) bị khởi kiện không nhiều, tập trung ở một số cơ quan trực thuộc bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Nhìn chung, các bộ, ngành đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm pháp luật về TTHC và THAHC, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ mình trong việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của bộ, ngành mình.

Về phía UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có văn bản chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ như: (1) Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật TTHC, Nghị định 71/2016/NĐ-CP, Chỉ thị 26/CT-TTg, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật TTHC; (2) Có các giải pháp khắc phục triệt để các sai sót, vi phạm trong việc ban hành QĐHC, thực hiện HVHC trong thời gian qua; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại hành chính nhằm hạn chế phát sinh các khiếu kiện hành chính; (3) Chấn chỉnh tình trạng không thực hiện nghiêm túc Điều 60 Luật TTHC, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định của pháp luật; (4) Tổ chức thi hành kịp thời, nghiêm túc, dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

b) Kết quả chấp hành Điều 55, 60 và Điều 78 Luật TTHC năm 2015 về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến QĐHC, HVHC bị khởi kiện:

Theo báo cáo của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong giai đoạn kể từ khi Luật TTHC năm 2015 ban hành đến nay, số trường hợp người đứng đầu (hoặc người đại diện) không tham gia phiên đối thoại là 8.370/19.784 phiên đối thoại; số vụ việc không tham gia phiên tòa là 8116/18.052 vụ án hành chính. Nhiều địa phương, người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã thực hiện khá nghiêm túc quy định này như Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế, Hà Giang, Bến Tre, Hà Tĩnh.. .còn lại hầu hết các vụ việc, quá trình tham gia tố tụng các cơ quan hành chính nhà nước đều cử người đại diện tham gia với tư cách người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự theo quy định tại Điều 61 Luật TTHC năm 2015.

[...]