Báo cáo 225/BC-UBTVQH12 năm 2009 về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 225/BC-UBTVQH12
Ngày ban hành 18/05/2009
Ngày có hiệu lực 18/05/2009
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Đức Kiên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 225/BC-UBTVQH12

Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2009

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT

VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH, AN TOÀN THỰC PHẨM

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009, theo đó Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm” tại kỳ họp thứ 5. Triển khai thực hiện Nghị quyết này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 715 NQ/UBTVQH12 ngày 22/12/2008 về việc thành lập Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội với nhiệm vụ thực hiện giám sát chuyên đề nêu trên, báo cáo kết quả giám sát với Uỷ ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo Chính phủ, các bộ có liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo, các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết 715 NQ/UBTVQH12, Đoàn giám sát đã làm việc tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TW ([1]); làm việc với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP); xem xét báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về VSATTP của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 61 báo cáo giám sát của các Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 3/4/2009, Đoàn giám sát đã họp để xem xét, thảo luận thông qua dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Ngày 20/4/2009, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP. Sau phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội.

Sau đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”.

Phần I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP TỪ 2004 – 2008

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH, AN TOÀN THỰC PHẨM

1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

1.1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

- Trong 5 năm từ 2004 đến 2008, các quy định liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP đã được ban hành trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác nhau như pháp luật về VSATTP, pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y… Số văn bản QPPL có liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP do các cơ quan Trung ương ban hành là 337, do các cơ quan địa phương ban hành là 930 (Xem Phụ lục I.a và I.b).

Nhìn chung, các văn bản QPPL đã ban hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP, nâng cao chất lượng hàng hóa thực phẩm; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ([2]), bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện còn bộc lộ một số bất cập, cụ thể là:

- Số văn bản QPPL có liên quan đến quản lý chất lượng VSATTP là quá nhiều([3]). Theo thống kê sơ bộ còn có 48 văn bản có sự chồng chéo, mâu thuẫn, một số nội dung quy định không phù hợp với điều kiện thực tế, cần sửa đổi, bổ sung ([4])...; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP còn chưa đồng bộ giữa các văn bản với cùng một hành vi vi phạm([5]) (Xem Phụ lục II).

- Một số lĩnh vực quản lý còn thiếu quy định cụ thể như quy định về quản lý thực phẩm chức năng, về lấy mẫu và lưu mẫu thực phẩm, về phân công trách nhiệm phối hợp của thanh tra chuyên ngành về VSATTP..; tiến độ ban hành văn bản dưới luật còn chậm([6]).

1.2. Việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP

Hiện tại, trên thị trường có hàng chục ngàn loại thực phẩm, tuy nhiên, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng VSATTP còn thiếu và lạc hậu. Tính đến tháng 2/2009 mới có 406 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến VSATTP được ban hành cho sản phẩm thực phẩm (tỷ lệ tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 63%) ([7]).

Theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2007 thì việc quản lý chất lượng VSATTP phải theo quy chuẩn kỹ thuật và phải công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Nghị định 127/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/8/2007 hướng dẫn thi hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã quy định rõ “việc chuyển đổi các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành bắt buộc áp dụng thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) phải hoàn thành trước ngày 31/12/2008 nhưng theo Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2008 không có QCKTQG nào về VSATTP được thẩm định để ban hành. Việc thiếu QCKTQG trong quản lý VSATTP cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

2. Việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, UBND cấp tỉnh

Triển khai thực hiện pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, Chính phủ, các bộ, UBND các tỉnh đã quan tâm, tích cực chỉ đạo việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản QPPL về quản lý chất lượng VSATTP. Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh VSATTP; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 43/2006/QĐ-TTg về “Kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm an toàn thực phẩm cho đến năm 2010” và Chỉ thị 06/2007/CT-TTg về triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm VSATTP. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt “Kế hoạch hành động bảo đảm chất lượng VSATTP” làm căn cứ cho hoạt động quản lý chất lượng VSATTP của địa phương. Bên cạnh đó, để tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 48/2005/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP ở Trung ương. Các ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP cũng được thành lập ở UBND các cấp. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành cũng được tăng cường khi có dịch bệnh như phòng chống dịch cúm gia cầm, phòng chống dịch tiêu chảy cấp... (Xem Phụ lục I). Do vậy đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và nhận thức của xã hội về bảo đảm chất lượng VSATTP.

3. Tổ chức bộ máy, năng lực thực thi pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP

3.1. Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP

Hiện tại, việc quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP được phân công, phân cấp cho các bộ và địa phương theo pháp luật về VSATTP.

Ở Trung ương, có 5 bộ chịu trách nhiệm chính trong chuỗi cung cấp thực phẩm, trong đó Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về VSATTP. Tại mỗi bộ có đơn vị đầu mối là cục hoặc vụ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của bộ([8]). Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP trung ương được thành lập để chỉ đạo việc phối hợp hoạt động giữa các bộ trong các vấn đề liên ngành về VSATTP.

Ở địa phương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP trong phạm vi địa phương. Tham mưu giúp UBND tỉnh là Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - PTNT, các sở, ban, ngành hữu quan khác. Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp (được thành lập tới cấp xã) có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp hoạt động liên ngành tại địa phương. Từ tháng 8/2008 đến nay, triển khai thực hiện Nghị định 79/2008/NĐ-CP đã có 17 tỉnh, thành phố trực thuộc TW thành lập Chi cục quản lý chất lượng VSATTP trực thuộc Sở Y tế hoặc Khoa VSATTP tại Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh; 16 tỉnh, thành phố trực thuộc TW thành lập Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, 41 tỉnh, thành phố đã thành lập Phòng quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp - PTNT (Xem Phụ lục III.a).

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2008 cả nước có 128 cơ quan chuyên ngành tham gia thực hiện các hoạt động liên quan đến chất lượng VSATTP. Về nhân lực, ở cấp tỉnh, tham gia công tác VSATTP gồm có cán bộ nghiệp vụ quản lý kiêm nhiệm 0,5 người/tỉnh, thanh tra 0,5 người/tỉnh, khoa VSATTP 2,9 người/tỉnh, khoa xét nghiệm 3,2 người/tỉnh. Ở cấp huyện, không kiêm nhiệm quản lý 0,3 người/huyện, kiêm nhiệm y tế dự phòng 0,9 người/huyện ([9]). Cấp xã chỉ có từ 0,5-1 người được phân công giúp UBND xã về công tác VSATTP.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, nhân lực tham gia công tác quản lý chất lượng VSATTP tăng dần hàng năm. Năm 2008, ở cấp tỉnh ước cả nước số người tham gia quản lý chất lượng VSATTP là 1.970 người (trung bình là 31,3 người/tỉnh). Ở cấp huyện ước cả nước số người tham gia quản lý chất lượng VSATTP là 1.949 người (trung bình là 3,0 người/huyện) ([10]). Ở cấp xã, ước cả nước số người tham gia quản lý chất lượng VSATTP là 11.516 người (trung bình là 1,05 người/xã)([11]) nhưng chưa được trả lương vì hiện tại cấp xã/phường không được giao chức năng quản lý về VSATTP. Như vậy, tính đến năm 2008 ước cả nước có 15.435 người tham gia vào công tác quản lý chất lượng VSATTP (Xem phụ lục III.b).

[...]