Báo cáo 218/BC-UBND năm 2013 về tình hình thực hiện Quyết định 129/2007/QĐ-TTg Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 218/BC-UBND
Ngày ban hành 13/12/2013
Ngày có hiệu lực 13/12/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 218/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 12 năm 2013

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 129/2007/QĐ-TTG NGÀY 02 THÁNG 8 NĂM 2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY CHẾ VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

Thực hiện Công văn số 4009/BNV-VKH ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ Nội vụ về việc báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, Ủy ban nhân dân Thành phố H Chí Minh báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quy chế văn hóa công sở trên địa bàn Thành phố như sau:

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI

Thực hiện Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước (sau đây gọi tắt là Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg) Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các ngành, các cấp trên địa bàn Thành phố xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế văn hóa công sở tại cơ quan, đơn vị. Trong đó, có 08/33 cơ quan hành chính nhà nước khối sở - ngành và 8/24 Ủy ban nhân dân - huyện đã ban hành Quy chế văn hóa công sở. Các cơ quan, đơn vị còn lại không ban hành Quy chế văn hóa công sở riêng mà trực tiếp triển khai áp dụng Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, đa số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã có sự quan tâm theo dõi, kiểm tra, rút kinh nghiệm về tình hình triển khai Quy chế văn hóa công sở. Nhiều cơ quan, đơn vị còn phát động phong trào xây dựng công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong nội bộ cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát hành cẩm nang Văn hóa giao tiếp ứng xử hành chính công và cẩm nang Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức tích cực thực hiện văn hóa công sở (Quận 1, Quận 4, Quận 10, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm...).

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức

Nhìn chung, trang phục khi thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước của Thành phố đều gọn gàng, lịch sự. Trang phục chính thức được sử dụng trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể của nam cán bộ, công chức, viên chức là bộ comple, áo sơ mi, cravat và của nữ cán bộ, công chức, viên chức là áo dài truyền thống, bộ comple nữ.

Đa số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt việc đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 06/2008/QĐ-BNV ngày 22 tháng 12 năm 2008 của Bộ Nội vụ về việc quy định mẫu thẻ về việc quản lý, sử dụng thẻ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quan hệ giao tiếp với các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác, đặc biệt là cán bộ, công chức tiếp dân và cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao hơn khi thực thi nhiệm vụ được giao. Người dân cũng dễ giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, từ đó tránh được tình trạng cán bộ, công chức, viên chức quan liêu, gây khó khăn, nhũng nhiễu nhân dân.

2. Về giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức

Hằng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố và quận - huyện đều tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử nơi công sở và tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công tác cho cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, đa số cán bộ, công chức, viên chức đều nhận thức rõ quy định những việc phải làm và những việc không được làm theo quy định của pháp luật, có thái độ tôn trọng, lịch sự, nhã nhặn, không có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ. Khi tiếp công dân, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm chỉnh việc xưng tên, chức danh trước khi làm việc; lắng nghe dân trình bày nguyện vọng, ý kiến; giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể cho người dân về các quy định liên quan đến giải quyết công việc. Người dân được biết họ đang giải quyết công việc với ai, giữ chức vụ gì, ở cơ quan, đơn vị nào.

Trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp, đa số cán bộ, công chức, viên chức đều có thái độ thân thiện, trung thực, nêu cao tinh thần đoàn kết, phối hợp trong thực thi công vụ để hoàn thành nhiệm vụ chung. Trong các cuộc họp, hội nghị, cán bộ, công chức, viên chức đã có ý thức tắt chuông điện thoại di động để không làm ảnh hưởng đến hội nghị. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc, phát huy tinh thần tập thể trong cơ quan; tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ hàng tháng, hàng quý đnắm bắt tình hình hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Khi giao tiếp qua điện thoại, đa số cán bộ, công chức, viên chức đã chủ động xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc, có thái độ lịch sự, không ngắt điện thoại đột ngột.

Nhìn chung, cán bộ, công chức, viên chức đã chấp hành tương đối nghiêm túc quy định về kỷ luật lao động, đảm bảo thời gian làm việc, đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực giải quyết khẩn trương, kịp thời công việc; tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật.

3. Về bài trí công s

Việc treo Quốc huy, Quốc kỳ tại trụ sở, trong các buổi lễ, đón tiếp được thực hiện theo quy định chung về bài trí công sở. Việc treo Quốc kỳ, cờ Đảng, ảnh và tượng Bác Hồ, vị trí treo khẩu ngữ, băng rôn đảm bảo hợp lý, đúng quy định.

Biển tên cơ quan, đơn vị được đặt tại cổng chính của trụ sở, có ghi rõ tên gọi đy đủ của cơ quan, đơn vị, có niêm yết quy chế tiếp công dân theo quy định.

Phòng làm việc tại các cơ quan, đơn vị đều có biển tên ghi rõ tên phòng; tại bàn làm việc có biển ghi họ và tên, chức danh, chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Việc sắp xếp, trang trí phòng làm việc nhìn chung đều gọn gàng, khoa học, hợp lý. Tài liệu và phương tiện làm việc được sắp xếp ngăn nắp. Thực hiện nghiêm chỉnh việc không lập bàn thờ, thắp hương, đun nấu trong phòng làm việc. Cán bộ, công chức, viên chức không sử dụng thức uống có cồn trong công sở, trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Đa số các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, công chức, viên chức và của người đến giao dịch, làm việc, tổ chức phân công người trực giữ xe và không thu phí phương tiện giao thông.

III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

1. Những mặt làm được

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước đã mang lại những chuyển biến tích cực, giúp rèn luyện tư cách, tác phong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với nhân dân và đồng nghiệp khi giải quyết công việc. Nhiều mô hình hay, giải pháp tốt về thực hiện văn hóa công sở ở các cơ quan, đơn vị đang được nhân rộng. Cùng với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, việc thực hiện Quy chế văn hóa công sở đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ, nhằm thực hiện các mục tiêu, nội dung hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

2. Những mặt tồn tại, hạn chế

Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động xây dựng Quy chế văn hóa công sở tại cơ quan, đơn vị mình mà trực tiếp triển khai áp dụng Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa được đảm bảo thường xuyên do ý thức chấp hành của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao và thiếu sự quan tâm, giám sát, kiểm tra của lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Một số cơ quan, đơn vị thiếu biển chỉ dẫn lối đi, sơ đồ hướng dẫn các bộ phận giải quyết công việc. Việc treo quốc huy ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng quy định.

Một số cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong việc bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, công chức, viên chức và của người đến giao dịch, làm việc do hạn chế về diện tích trụ sở làm việc. Một số nơi cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp nhưng chưa được cấp kinh phí xây dựng, tu bổ nên gặp khó khăn trong việc thực hiện Quy chế văn hóa công sở.

Do áp lực công việc, năng lực chuyên môn còn hạn chế nên đôi c trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, một số cán bộ, công chức, viên chức còn có thái độ thiếu thân thiện, hướng dẫn chưa tận tình, cụ thể... vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thời gian làm việc chưa hợp lý, giải quyết công việc còn chậm so với tiến độ. Một số trường hợp có ý thức tiết kiệm chưa cao, còn hút thuốc lá tại công sở.

[...]