Báo cáo 211/BC-UBND năm 2015 về tổng kết chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 211/BC-UBND
Ngày ban hành 24/08/2015
Ngày có hiệu lực 24/08/2015
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Tất Thành Cang
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 211/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 08 năm 2015

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ, CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011-2015 PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Thành phố và Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 về Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 2011- 2015. Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường và tinh thần năng động, sáng tạo và kinh nghiệm qua 30 năm đổi mới, với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của nhân dân, dám làm và chịu trách nhiệm với Trung ương, Chính phủ và nhân dân Thành phố; đã ban hành nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt, tập trung phỉ đạo và điều hành với quyết tâm cao nhất, khắc phục và vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội Thành phố nhằm đạt kết quả cao nhất.

Sau 05 năm triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 2011- 2015, cơ cấu kinh tế Thành phố đã chuyển dịch đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Thành phố, kết quả như sau:

PHẦN THỨ NHẤT

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ, CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. CÔNG TÁC TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Quán triệt chủ trương của Trung ương về tối cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế

Cuối những năm 1999, kinh tế cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng tài chính từ Thái Lan năm 1998. Xuất phát từ nguyên nhân đó, để đưa kinh tế Thành phố phát triển ổn định và bền vững hơn, từ những năm 2000, Lãnh đạo Thành phố đã có chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; tập trung vào những ngành có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao. Đây là chủ trương đúng đắn đã được Trung ương khẳng định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2002 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010. Nghị Quyết 20-NQ/TW đã đề ra cho Thành phố 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phương hướng, nhiệm vụ phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt là một trong những nhiệm vụ mà Thành phố cần tập trung triển khai thực hiện. Có thể xem đây là chủ trương khởi động tái cấu trúc kinh tế Thành phố theo hướng phát triển ổn định và bền vững hơn.

Quán triệt tinh thần Kết luận số 10-KL/TW ngày 01 tháng 11 năm 2011 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phát triển kinh tế bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19 tháng 2 năm 2013 của Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ triển khai trong 3 năm 2013 - 2015, nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt Đề cương Đề án Tái cấu trúc kinh tế Thành phố giai đoạn 2013-2020; ban hành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước, các quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của các Tổng công ty, công ty mẹ.

2. Công tác chỉ đạo, điều hành

Thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Thành phố và Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thanh phố đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 về Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 2011- 2015. Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Chuyên viên giúp việc thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

Thành phố đã khẩn trương xây dựng và ban hành các chương trình, đề án phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế Thành phố theo hướng dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Đến nay, Thành phố đã ban hành các quyết định phê duyệt các chương trình, đề án gồm: Chương trình phát triển công nghệ thông tin - truyền thông giai đoạn 2011 - 2015, trong đó đặc biệt có chương trình phát triển vi mạch điện tử đầu tiên và đang là duy nhất của cả nước; Đề án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 Khu công nghệ cao, Quy hoạch phát triển ngành cơ khí đến 2010, định hướng đến 2020; đề án đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài giai đoạn 2013 - 2018 (Phụ lục 1).

Tính đến tháng 6 năm 2015, trong tổng số 79 chương trình đề án, có 41 chương trình, đề án đã hoàn thành, 24 chương trình, đề án đang tiếp tục triển khai thực hiện[1], còn lại 14 chương trình, đề án không thực hiện[2] (6 chương trình, đề án ngành dịch vụ; 6 chương trình, đề án ngành công nghiệp và 2 chương trình, đề án ngành nông nghiệp) (Phụ lục 2). Nguyên nhân không thực hiện 14 chương trình, đề án do công tác dự báo của các Sở, ban ngành tại thời điểm 2010 cho giai đoạn 2011-2015 yếu kém, không phản ánh đứng xu hướng vận động của nền kinh tế dẫn tới không triển khai thực hiện được trọng thực tế.

Thành phố đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động quản lý và phát triển đô thị nhằm góp phần hỗ trợ cho quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đã công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013; đồng thời đã công bố Quy chế quản lý kiến trúc - quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh theo Đồ án Quy hoạch chung Thành phố đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định 1340/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2014 để làm cơ sở cho công tác cấp Giấy phép xây dựng trên toàn địa bàn; hàng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố tiến hành rà soát và phê duyệt danh mục lập các dự án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu trên địa bàn Thành phố (Năm 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 3978/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2015).

Thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh, Thành phố trong cả nước, nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố. Tính đến tháng 6 năm 2015, Thành phố đã ký kết Chương trịnh hợp tác kinh tế - xã hội với 36 tỉnh, Thành phố trong nước. Ngoài ra, Thành phố cũng đã ký kết hợp tác với 40 tỉnh, thành các nước bạn; tham dự các sự kiện đối ngoại (quốc khánh, hội nghị, hội thảo, lễ hội văn hóa...); qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh với thế giới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong năm 2015, để đảm bảo nền kinh tế cửa Thành phố phát triển và chuyển dịch theo đúng định hướng đã đề ra trong bối cảnh nước ta bắt đầu thực hiện các lộ trình, cam kết quốc tế, hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, Thành phố đã tổ chức đánh giá kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)" trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tập trung quyết liệt hoàn chỉnh, bổ sung, thay thế Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2011 và Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2013 về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của Thành phố.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN (Phụ lục 3,4,5)

1. Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ

Giai đoạn 2011-2015, cơ cấu kinh tế khu vực dịch vụ Thành phố đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Ngành dịch vụ tư vấn, khoa học và công nghệ có tốc độ tăng cao nhất, đạt mức bình quân 16,9%/năm; dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin tăng 16,5%/năm; y tế tăng 14,8%/năm; dịch vụ vận tải kho bãi tăng 13%/năm; thương mại và giáo dục đào tạo cùng đạt mức tăng trưởng 11,8%/năm. Các ngành còn lại có mức tăng vừa phải, riêng ngành bất động sản giảm bình quân 1,6%/năm do thị trường đóng băng trong thời gian dài, tuy nhiên năm 2014 ngành này có tăng trưởng khá đạt 9%, năm 2015 đạt mức tăng trưởng 8% nhờ sự hồi phục dần lên của thị trường. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 11,2%/năm.

Tỷ trọng của nhóm 9 ngành dịch vụ chủ yếu có giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng và là thế mạnh của Thành phố chuyển dịch theo hướng tăng dần và ngày càng tốt hơn. Tỷ trọng nhóm 9 ngành dịch vụ chủ yếu năm 2015 chiếm tỷ trọng 57,33% trong tổng GDP của Thành phố, cao hơn năm 2010 chiếm 46% và năm 2005 chiếm 45,3%. Trong đó, 3 nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại và vận tải kho bãi tiếp tục đạt tỷ trọng cao, chiếm 34,3% trong tổng GDP, cao hơn năm 2010 chiếm 31,2% GDP và năm 2005 là 24,8% GDP.

Thực hiện Chương trình kích cầu thông qua đầu tư[3], Thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cấp bù lãi vay cho 60 dự án trong khu vực dịch vụ với tổng mức đầu tư là 5.917,4 tỷ đồng, số vốn được hỗ trợ lai vay là 2.866,3 tỷ đồng, chiếm 59,42% tổng mức đầu tư các dự án. Bình quân một dự án có tổng mức đầu tư là 98,62 tỷ đồng.

Đến năm 2015, tỷ trọng ngành dịch vụ của Thành phố chiếm 59,9% (vượt chỉ tiêu đề ra là 57%) trong cơ cấu GDP của Thành phố cao hơn các giai đoạn trước là 56% năm 2010 và 50,5% năm 2005. Tỷ trọng lao động của khu vực dịch vụ tăng từ 56% năm 2005 lên 60,5% năm 2010 và tiếp tục tăng lên 65,1% năm 2015. Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực dịch vụ tăng từ 64% năm 2005 lên 67,5% năm 2010 và tiếp tục tăng lên 13,2% năm 2015.

1.1. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

So với giai đoạn 5 năm trước, giai đoạn 2011-2015, hệ thống ngân hàng đã có nhiều thay đổi tích cực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đây là kết quả quan trọng trong những năm kinh tế vĩ mô khó khăn và chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Kết quả này, phản ánh sự thành công của quá trình đổi mới theo Đề án tái cơ cấu nến kinh tế của Chính phủ và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã và đang được Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt trong thời gian qua[4]. Theo đó, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn từng bước đi vào ổn định, thanh khoản được bảo đảm, năng lực cạnh tranh tăng và chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng được nâng cao, cùng với hệ thống mạng lưới được sắp xếp hợp lý hơn, phân bố rộng khắp. Hoạt động thanh toán qua ngân hàng trên địa bàn giai đoạn này cũng phát triển mạnh thông qua các chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước[5] và việc tự đầu tư, ứng dụng công nghệ ngân hàng của các ngân hàng đã góp phần tạo thêm nhiều tiện ích và tiết kiệm thời gian cho khách hàng và nền kinh tế[6].

Ngoài ra, so với giai đoạn 2006-2010, huy động vốn và dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đảm bảo được nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế[7]. Đối với nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu giai đoạn này tăng cao hơn giai đoạn 2005-2010, cuối năm 2014 là 5,31%, (cuối năm 2005 là 1,98%) do quá trình tái cơ cấu cùng với việc áp dụng các chuẩn mực càng gần với quốc tế hơn trong lĩnh vực ngân hàng[8], sở hữu chéo gây tác động ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng bị loại bỏ, làm tiền đề cho việc tái cơ cấu nợ và xử lý nợ xấu bằng các biện pháp tích cực, hiệu quả theo Đề án xử lý nợ của Ngân hàng Nhà nước và Đề án tái cơ cấu của từng ngân hàng.

Trong giai đoạn này, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có nhiều hoạt động góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố thông qua việc tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế Thành phố trong việc cho vay các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn với lãi suất ưu đãi và cơ chế tín dụng được điều chỉnh tích cực như: cho vay kích cầu đầu tư, chương trình cho vay hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Thành phố, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, cho vay chương trình bình ổn thị trường và cho vay chương trình kết nối - tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp[9].

[...]