Báo cáo số 1776/BC-BNV về việc kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và xây dựng chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2009 của Chính phủ do Bộ Nội vụ ban hành.

Số hiệu 1776/BC-BNV
Ngày ban hành 12/06/2009
Ngày có hiệu lực 12/06/2009
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Nguyễn Duy Thăng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1776/BC-BNV

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2009

 

BÁO CÁO

KIỂM ĐIỂM SỰ CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC 6 THÁNG CUỐI NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo Quy chế làm việc của Chính phủ, trên cơ sở các nhiệm vụ Bộ Nội vụ được phân công thực hiện theo Chương trình công tác năm 2009 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ tại công văn số 3226/VPCP-TH ngày 20/5/2009 về việc kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và xây dựng chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2009 của Chính phủ, Bộ Nội vụ báo cáo như sau:

I. VỀ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ:

1. Công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội:

Trong 6 tháng đầu năm, nước ta tiếp tục chịu tác động rất lớn của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, tình hình dịch bệnh gia tăng, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các mặt.

Để tiếp tục thực hiện những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, thành lập các đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 đã được các Bộ, cơ quan quán triệt và thực hiện tốt. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã có bước tiến bộ và phát huy tác dụng tốt. Việc đăng tải thông tin về hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã được cập nhật kịp thời trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin của các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Hệ thống thư điện tử công vụ của Chính phủ đã được các thành viên Chính phủ, lãnh đạo bộ, địa phương sử dụng hiệu quả trong quan hệ công tác, trao đổi thông tin, báo cáo phục vụ cho hoạt động chỉ đạo điều hành.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 của Quốc hội khóa XII, trong 6 tháng đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chủ động triển khai thực hiện, kiên quyết không để nợ các văn bản luật, pháp lệnh. Một số văn bản là Chương trình dự bị hoặc Chương trình chuẩn bị nhưng các bộ, ngành vẫn chủ động xây dựng, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng. Công tác xây dựng Chương trình công tác năm 2009 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được lãnh đạo Chính phủ quan tâm hơn, các văn bản, đề án trong Chương trình công tác được các bộ, ngành đăng ký có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, thiết thực hơn. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành có Bản tóm tắt kế hoạch thực hiện các văn bản, đề án trong Chương trình công tác năm 2009 để theo dõi, đôn đốc việc thực thi. Do xác định được các công việc trong năm 2009, giao nhiệm vụ đúng với chức năng của các bộ, ngành, kiên quyết và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, trong 6 tháng đầu năm, tình trạng các bộ, ngành xin rút các văn bản ra khỏi Chương trình công tác và tình trạng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh cho các bộ, ngành giảm đáng kể so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các bộ, ngành xin lùi thời gian trình các văn bản, đề án gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu chủ động, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan liên quan.

2. Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ:

Trong 6 tháng đầu năm 2009, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có sự chỉ đạo sát sao và kịp thời đối với Bộ và ngành Nội vụ thông qua các văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo hoặc các cuộc họp, các buổi làm việc trực tiếp giữa lãnh đạo Chính phủ với Lãnh đạo Bộ để giải quyết những vấn đề có tính chất phức tạp, cấp bách của ngành Nội vụ.

Với nhiệm vụ thường trực cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tham mưu giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và các Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện cơ cấu Chính phủ khóa XII với tinh thần đổi mới; triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa 5 khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp quản lý giữa Trung ương với địa phương về các lĩnh vực tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý biên chế; triển khai chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp, dịch vụ công; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục cải cách chế độ công chức, công vụ …

II. VỀ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA LÃNH ĐẠO BỘ NỘI VỤ TRONG VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2009:

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo các mục tiêu và giải pháp đã đề ra trong 6 tháng đầu năm 2009:

Ngay từ đầu năm 2009, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng và thực hiện Chương trình công tác năm 2009 của Bộ, trong đó nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ chủ động thực hiện nhiệm vụ xây dựng các đề án, văn bản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ (trong kế hoạch và đột xuất ngoài kế hoạch), đảm bảo tiến độ và chất lượng, cụ thể như sau:

a) Về công tác xây dựng thể chế:

Trên cơ sở Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ thực hiện, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản, đề án, về cơ bản đáp ứng yêu cầu kế hoạch đặt ra. Nhiều dự án luật Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và trình Quốc hội, nhiều Nghị định do Bộ tham mưu đã được Chính phủ ban hành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung và trong lĩnh vực Nội vụ nói riêng. Các đề án, dự án luật quan trọng đã được lãnh đạo Bộ tập trung chỉ đạo và thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo kế hoạch như: dự án Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ, triển khai xây dựng Luật Viên chức. Đồng thời Bộ đã chủ trì xây dựng một số văn bản của Đảng và Nhà nước nhằm chỉ đạo triển khai việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Về cải cách hành chính:

Bộ Nội vụ đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh phân cấp; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo tích cực thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30), trong đó yêu cầu các bộ, ngành tiến hành rà soát, đơn giản hóa, cải cách các thủ tục hành chính hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành mình. Đây là đề án có ý nghĩa quan trọng trong chương trình cải cách hành chính của Chính phủ. Bộ Nội vụ đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang bước đầu triển khai giai đoạn 2 của Đề án theo kế hoạch.

c) Về quản lý công chức và công vụ:

Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy định chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện các quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức … theo các quy định hiện hành của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

d) Về chính sách tiền lương:

Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã, thị trấn thuộc 61 huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã, thị trấn thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; Quyết định về việc phân công triển khai thực hiện Kết luận số 40-KL/TW ngày 06/3/2009 của Bộ Chính trị về việc sửa đổi những bất hợp lý về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận, các đoàn thể và lực lượng vũ trang.

đ) Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:

Trong 6 tháng đầu năm, công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm được giao; đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; tổng hợp kiểm tra đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách, chế độ và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các bộ, ngành địa phương thực hiện theo đúng kế hoạch; chỉ đạo hướng dẫn các địa phương biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung các bộ tài liệu tiếng dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên; kiểm tra công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức tại một số bộ, ngành và địa phương;

e) Về chính quyền địa phương:

Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan đã hoàn thành việc chuẩn bị và triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các văn bản pháp luật liên quan đã được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện thí điểm; các bộ, ngành Trung ương đã quán triệt, hướng dẫn các địa phương những nội dung cần thiết; công tác tuyên truyền được chú trọng đã giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước; các địa phương thực hiện thí điểm đã chủ động triển khai khá đồng bộ, toàn diện các nội dung, kế hoạch đề ra và bước đầu đạt được kết quả tích cực.

[...]