Báo cáo 128/BC-CP năm 2021 tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 128/BC-CP
Ngày ban hành 19/04/2021
Ngày có hiệu lực 19/04/2021
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký ***
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/BC-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2021

 

BÁO CÁO

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2011 - 2020. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, trên cơ sở tổng kết những kết quả đạt được, nhận định thẳng thắn tồn tại, hạn chế của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 (gọi tắt là Chương trình tổng thể).

Quá trình thực hiện cải cách hành chính thời gian qua, gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước ta. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo); các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể nhằm đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời, chỉ ra những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là các bộ, ngành) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các tỉnh), Chính phủ báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 như sau:

Sau khi Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 được ban hành, các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới chính quyền địa phương các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã đề ra các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch cải cách hành chính một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với Chương trình tổng thể và thực tiễn của các bộ, ngành, các tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã tăng cường kết nối, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính. Ban Chỉ đạo đã kịp thời giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác cải cách hành chính.

Bộ Nội vụ, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã tăng cường công tác tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện cải cách hành chính một cách đồng bộ, thống nhất; đồng thời, ban hành và tổ chức thực hiện một số công cụ mới để theo dõi, đánh giá công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành và địa phương, như Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) được Bộ Nội vụ triển khai đánh giá từ năm 2012 đến nay, đã có sự lan tỏa trong hệ thống, tạo chuyển biến tích cực trong tổ chức triển khai cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, trên cơ sở Đề án của Bộ Nội vụ, đã có trên 50 tỉnh, thành phố đã ban hành Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm của các sở, ngành, địa phương; có 4 bộ đã ban hành Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; qua đó tạo thành hệ thống đánh giá đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) đã được Bộ Nội vụ triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2017. Trên cơ sở đó, đến nay đã có trên 40 tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành đã tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý. Bộ Y tế đã ban hành và triển khai Đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công lập; tổ chức thực hiện đo lường sự hài lòng thường xuyên tại tất cả các bệnh viện công lập trên toàn quốc từ bệnh viện tuyến huyện trở lên; kết quả mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đạt mục tiêu của Chính phủ giao với kết quả trung bình trên 85% vào năm 2020. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và triển khai Đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công lập. Từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 23.000 dịch vụ đã được khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức tại 57/63 tỉnh, thành phố, với tổng số hơn 1,2 triệu mẫu phiếu khảo sát. Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2177/QĐ-BTP ngày 26 tháng 10 năm 2020 về Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp.

Ban Chỉ đạo đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao, bảo đảm tiến độ theo quy định của Chính phủ; đã tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị và trực tiếp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhằm kịp thời tháo gỡ những rào cản, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương; đã tổng hợp những mô hình, sáng kiến về cải cách hành chính để nghiên cứu, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của cải cách hành chính tới cộng đồng xã hội.

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành một số lượng lớn các văn bản chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính. Trung bình mỗi năm các bộ, ngành đã ban hành khoảng 1.846 văn bản; các tỉnh, thành phố ban hành khoảng 1.916 văn bản (Biểu đồ 1). Việc xây dựng và ban hành Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của các bộ, ngành và địa phương đã đi vào nề nếp, có chất lượng hơn.

Biểu đồ 1: Số lượng văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến cải cách hành chính; các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến cải cách hành chính, trung bình mỗi năm, mỗi tỉnh có hơn 16 mô hình, sáng kiến. Một số mô hình tốt, như: Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện xây dựng và ban hành Chỉ số KPIs lĩnh vực quản lý và Chỉ số KPIs đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức thuộc bộ; Bộ Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối các nhà thuốc tới Bộ Y tế, thông qua đó có thể quản lý chặt chẽ về chất lượng thuốc, giá thuốc và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; Bộ Công Thương xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm trực tuyến quản lý thông tin khoa học công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Tổng cục Thống kê; xây dựng quy trình theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính tại cơ quan bộ; Bộ Xây dựng nghiên cứu, đưa vào sử dụng phần mềm quản lý năng lực hoạt động xây dựng, áp dụng rộng rãi trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại các tỉnh có một số điển hình, như: Mô hình Văn phòng Phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận; mô hình chuyển giao dịch vụ hành chính công sang Bưu điện của tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hà Tĩnh…; giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác thông tin trong giao dịch điện tử của Đảng ủy các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân (UBND) Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế; mô hình Tổng đài dịch vụ công qua đầu số 1022 của một số địa phương, như: Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh... Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã có các sáng kiến, như: Nhắn tin thông báo cho người dân về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, ngày nhận chế độ chính sách, quy định về thủ tục hành chính; xây dựng kênh tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube); giải quyết thủ tục hành chính lưu động ngày Thứ bảy vì dân; mô hình Hẹn giờ hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính tại nhà người dân; mô hình “cà phê doanh nhân”… Nhìn chung, đa số các mô hình, sáng kiến cải cách hành chính đã được triển khai, nhân rộng trong phạm vi của từng tỉnh, ngoài ra, cũng có nhiều mô hình, sáng kiến đã được các tỉnh tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình.

Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Từ năm 2016 đến nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã kiểm tra cải cách hành chính hoặc kết hợp nội dung cải cách hành chính tại 3 bộ, 18 tỉnh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra công vụ tại 11 bộ, 22 tỉnh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Trưởng ban Chỉ đạo kiểm tra cải cách hành chính tại 7 bộ, 12 tỉnh. Bộ Nội vụ và các thành viên Ban Chỉ đạo tại một số bộ, ngành cũng tổ chức các đoàn kiểm tra cải cách hành chính theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Từ năm 2011 đến tháng 3 năm 2020, các bộ, ngành đã kiểm tra khoảng 3.484 cơ quan, đơn vị, trung bình 348 cơ quan, đơn vị một năm. Trong đó, năm 2014, các bộ, ngành đã kiểm tra với số lượng các cơ quan, đơn vị lớn nhất là 466 cơ quan, đơn vị. Tại các địa phương, đã có hơn 19.800 cơ quan, đơn vị được kiểm tra trong cả giai đoạn 2011 - 2020. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, số lượng các cơ quan, đơn vị được kiểm tra cũng tăng lên qua từng năm, trong đó, năm 2019 có số lượng đơn vị được kiểm tra nhiều nhất với số lượng 2.950 (Biểu đồ 2). Công tác kiểm tra đã có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động, kỷ luật, kỷ cương của người đứng đầu, đội ngũ công chức, viên chức trong triển khai cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương và từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong cải cách hành chính đã được xử lý kịp thời sau kiểm tra.

Biểu đồ 2: Số lượng cơ quan, đơn vị được kiểm tra CCHC

III. THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN

Công tác phổ biến, quán triệt Chương trình tổng thể đã được các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như tổ chức học tập Chương trình tổng thể, thi tìm hiểu các nội dung của Chương trình tổng thể, trao đổi trong các buổi sinh hoạt chi bộ, giao ban nghiệp vụ chuyên môn; đưa nội dung Chương trình tổng thể vào đề thi tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, góp phần thống nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức đối với việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đã tích cực giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình tổng thể. Chuyên mục cải cách hành chính của Đài Truyền hình Việt Nam đã nhận được sự quan tâm theo dõi, góp ý của xã hội, người dân và các cơ quan nhà nước.

Công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính đã được các bộ, ngành và địa phương quan tâm thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, như: Tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, hội nghị tập huấn chuyên đề cải cách hành chính, hội nghị trực tuyến; tuyên truyền thông qua các loại hình báo chí và các hình thức phổ biến khác đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp nhận thức được mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình tổng thể để cùng tham gia thực hiện, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay để phát huy hiệu quả của công tác cải cách hành chính. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2015, công tác tuyên truyền cải cách hành chính tại các bộ, ngành đạt trên 2.800 đợt, địa phương đạt 4.100 đợt. Giai đoạn 2015 - 2020, các bộ, ngành đã tổ chức khoảng 391 số lớp tập huấn chuyên đề cải cách hành chính. Các địa phương cũng đã tổ chức khoảng hơn 1.580 lớp tập huấn chuyên đề cải cách hành chính; phát hành hơn 35.800 bản tin chuyên đề cải cách hành chính trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình.

1. Mặt tích cực đạt được

- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, tạo động lực cải cách mạnh mẽ và lan tỏa trong toàn hệ thống, tạo được niềm tin cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Các thể chế, văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm của việc đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính.

- Từ năm 2012 đến nay, việc đổi mới công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính dựa trên kết quả và tác động của cải cách hành chính đã được triển khai một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Việc công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được tiến hành hàng năm, trở thành một công cụ tốt trong quản lý cải cách hành chính, được nhân rộng trong hệ thống cơ quan hành chính các cấp. Việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính hàng năm (SIPAS) đã trở thành thước đo đánh giá khách quan chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

2. Tồn tại, hạn chế

- Chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục ở một số bộ, ngành và một số địa phương. Một số bộ, ngành, địa phương triển khai còn hình thức, không hiệu quả.

- Công tác kiểm tra cải cách hành chính nhiều lúc chưa hiệu quả, còn hình thức. Việc thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính ở một số bộ, ngành, một số địa phương chưa thật sự tạo ra sức lan tỏa tới người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng xã hội nhận thức về cải cách hành chính, kết quả, tác động của cải cách hành chính. Việc nhân rộng những mô hình, sáng kiến, cách làm hay về cải cách hành chính còn hạn chế.

1. Kết quả chủ yếu đã đạt được

a) Đánh giá chung về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp năm 2013

Công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đặc biệt là những luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 được các cơ quan nhà nước trong cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Sau hơn 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại Danh mục, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 70 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật([1]); còn 20 dự án luật, pháp lệnh nằm trong Danh mục nhưng chưa được ban hành([2]). Kết quả xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 cùng với kết quả thực hiện những chủ trương của Đảng đối với công tác hoàn thiện pháp luật thời gian qua là nền tảng, một trong những trọng tâm của cải cách thể chế tại Chương trình tổng thể.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ