Báo cáo 109/BC-UBD năm 2014 tình hình triển khai các hành động chính sách VDPF 2013, chủ đề “Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người” do Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 109/BC-UBDT
Ngày ban hành 23/10/2014
Ngày có hiệu lực 23/10/2014
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Sơn Phước Hoan
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/BC-UBDT

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2014

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC HÀNH ĐỘNG CHÍNH SÁCH VDPF 2013, CHỦ ĐỀ: “GIẢM NGHÈO VÀ GIẢM NGHÈO Ở NHÓM DÂN TỘC ÍT NGƯỜI”

Phúc đáp Công văn số 6192/BKHĐT-KTĐN ngày 15 tháng 9 năm 2014 về chuẩn bị cuộc họp đánh giá thực hiện hành động chính sách VDPF 2013, Ủy ban Dân tộc báo cáo tình hình triển khai các hành động chính sách VDPF 2013 với chủ đề “Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người” như sau:

I. TỔNG QUAN

1. Thực trạng

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2014 tiếp tục được hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội. Một số vùng đã có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm nhanh 3-4%/năm, cao hơn tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội có bước phát triển tích cực: dân trí được nâng lên, văn hóa được bảo tồn, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được như trên, vùng dân tộc và miền núi còn nhiều khó khăn, bức xúc. Tỷ lệ hộ nghèo cao, giảm nghèo chưa bền vững; cơ sở hạ tầng thấp kém. Hiện còn 2.068 xã ĐBKK và hơn 18.000 thôn ĐBKK có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 45%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Tây Bắc năm 2013 là: 25,86%, miền núi Đông Bắc 14,81%; Tây Nguyên 12,56%; các tỉnh Bắc Trung bộ 12,22%. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã, thôn ĐBKK còn nhiều bất cập. Kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Một bộ phận đồng bào dân tộc vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc sau những đợt thiên tai.

Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi thấp: Còn tới 17,2% người dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên không biết chữ. Số người trong độ tuổi lao động của vùng chưa qua đào tạo chiếm tới 89,5%; riêng dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo chiếm 94,2% (cao nhất là dân tộc Mông 98,7%, Khmer 97,7%, Thái 94,6%, Mường 93,3%); chất lượng đào tạo nghề thấp. Một số chính sách ưu đãi về giáo dục cho vùng dân tộc và miền núi (chế độ cử tuyển, dự bị đại học, trường dân tộc nội trú, chế độ ưu đãi giáo viên, cán bộ các trường chuyên biệt...) đã thu được những kết quả nhất định, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nguồn cán bộ cho sự phát triển bền vững của vùng dân tộc và miền núi.

Chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số thấp, tuổi thọ bình quân của 16 dân tộc thiểu số rất ít người từ 50-55 tuổi trong khi tuổi thọ bình quân cả nước là 72,8 tuổi. Đội ngũ cán bộ y tế vùng dân tộc và miền núi vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cán bộ người DTTS. Trang thiết bị y tế thiếu và lạc hậu, phần lớn người nghèo vùng dân tộc và miền núi không tiếp cận được dịch vụ y tế có chất lượng tốt.

Tình trạng du canh du cư, di cư tự do, chặt phá rừng, khiếu kiện tranh chấp đất đai, hoạt động tôn giáo trái pháp luật có nơi diễn biến phức tạp, tạo ra một số vụ việc nổi cộm ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ... tiềm ẩn những yếu tố bất ổn.

Văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục.

Hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu kém, đội ngũ cán bộ đạt chuẩn còn rất thấp, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ người DTTS hoặc có cán bộ dân tộc nhưng chưa được đào tạo. Tỷ lệ cán bộ là người DTTS trong chính quyền các cấp còn thấp, trong đó: công chức người dân tộc thiểu số ở Trung ương chiếm 5,02%, viên chức chiếm 1,81%; công chức cấp tỉnh chiếm 14,83%, viên chức chiếm 11,54%.

2. Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế:

- Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở địa bàn vùng núi cao, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra thiên tai; cơ sở hạ tầng yếu kém, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

- Xuất phát điểm về kinh tế-xã hội của vùng dân tộc và miền núi thấp so với mặt bằng chung.

- Công tác dân tộc là công tác đa ngành đa lĩnh vực, mô hình tổ chức quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ khi thành lập đến nay (1946) đã trải qua rất nhiều mô hình tổ chức với chức năng nhiệm vụ khác nhau, thiếu sự ổn định. Mặt khác công tác dân tộc và tổ chức làm công tác dân tộc của các nước trên thế giới cũng khác nhau tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, vì vậy việc học tập kinh nghiệm công tác dân tộc ở nước khác và vận dụng vào Việt Nam rất hạn chế.

- Nước ta mặc dù đã có gần 30 năm đổi mới, nhưng thể chế quản lý nhà nước nói chung và hệ thống chính sách dân tộc nói riêng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và tiếp tục đổi mới.

- Nhận thức về công tác dân tộc, vị trí, vai trò của vùng dân tộc và miền núi trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước ở một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương chưa sâu sắc, chưa thực sự coi công tác dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

- Về nội dung chính sách: Có chính sách còn trùng lắp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng như: Chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm hiện nay có nhiều chính sách với các mức vay và lãi suất cho vay khác nhau; Nội dung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất có nhiều chương trình, chính sách khác nhau cùng thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi như: Chương trình 135 và Chương trình 30a. Nội dung chính sách chưa đồng bộ, chưa được kết nối thống nhất để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra, như: Người dân được hỗ trợ sản xuất, làm ra sản phẩm nhưng khó khăn về thị trường tiêu thụ. Nhiều chính sách đào tạo nghề do các Bộ, ngành quản lý nhưng lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề còn rất ít; việc bố trí việc làm và xuất khẩu lao động còn hạn chế. Học sinh được cử tuyển nhưng khó tìm việc làm sau khi ra trường. Cùng địa bàn và đối tượng thụ hưởng nhưng định mức thực hiện một số chính sách còn khác nhau cụ thể như: chính sách hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, xuất khẩu lao động... Chưa có chính sách khuyến khích đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững, còn một số chính sách nặng về cho không.

- Về cơ chế thực hiện chính sách: Việc xây dựng các chính sách còn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, chính sách thường có mục tiêu lớn nhưng thời gian và nguồn lực thực hiện không tương xứng. Việc phân công quản lý, chỉ đạo một số chính sách còn chồng chéo. Chương trình 135 với đối tượng là cấp xã, thôn được giao cho Ủy ban Dân tộc chỉ đạo thực hiện, Chương trình 30a đối tượng là cấp huyện trên cùng một địa bàn nhưng phân công Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo, tạo sự chồng chéo trong quản lý, khó thực hiện. Cơ chế quản lý, thực hiện, thanh quyết toán của từng chương trình, chính sách đều riêng biệt nên khó khăn trong quá trình tổ chức lồng ghép thực hiện. Văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện một số chính sách chưa kịp thời hoặc chậm được sửa đổi, bổ sung. Thiếu cơ chế khuyến khích các Bộ ngành, địa phương thực hiện tốt, chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp triển khai chậm, kém hiệu quả.

- Về nguồn lực: Việc cân đối, bố trí vốn cho các chính sách chưa được chủ động, chưa đảm bảo cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt. Tính riêng kinh phí được cấp để thực hiện các chương trình chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý giai đoạn 2006 - 2010 chỉ đạt 67,45%; Giai đoạn 2011 - 2014 mới đạt 40,7% kế hoạch vốn được phê duyệt, cụ thể như: năm 2014, vốn thực hiện chính sách đất ở, đất sản xuất theo Quyết định 755 được cấp 201 tỷ đồng đạt 5,7%; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư theo Quyết định 33 được cấp 325 tỷ đồng, đạt 48,12%, chính sách cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn theo Quyết định 54 chưa được cấp vốn. Phần lớn các chính sách đều mang tính hỗ trợ, định mức, suất đầu tư thấp, vốn cấp không đủ, không kịp thời, thiếu đồng bộ giữa vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp và vốn vay gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện (như Quyết định 33, 755). Vốn đối ứng của địa phương thực hiện các chính sách chưa được đảm bảo theo quy định.

- Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng chính sách và phân bổ nguồn lực của một số chính sách chưa chặt chẽ: thủ tục còn rườm rà, thời gian xây dựng chính sách kéo dài, mất nhiều thời gian, có chính sách thiếu sự đồng thuận của một số Bộ, ngành nên chậm hoặc không được ban hành. Việc lồng ghép nguồn lực đối với một số chính sách không khả thi như Quyết định 755.

II. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC HÀNH ĐỘNG CHÍNH SÁCH

1. Tổng quan kết quả triển khai hành động chính sách

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Công văn số 3561/VPCP-QHQT ngày 19/5/2014 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện 17 hành động chính sách trong 4 khuyến nghị thuộc 2 lĩnh vực của chủ đề “Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người” tại Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển 2013. Sau gần một năm triển khai thực hiện, với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, đến nay có 10 hành động chính sách đã có kết quả cụ thể, 07 chính sách đã triển khai thực hiện nhưng chưa có kết quả cụ thể. Trong các khuyến nghị, khuyến nghị thứ nhất “Giải quyết tình trạng chính sách phân tán, thiếu điều phối, thiếu khuôn khổ chính sách bao trùm và lồng ghép mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số” được triển khai tích cực nhất và có kết quả tốt nhất, 6/6 hành động chính sách đều được triển khai và đều có kết quả cụ thể. Kết quả thực hiện Khuyến nghị thứ hai “Tăng cường sự tham gia của dân tộc thiểu số trong hoạch định và thực hiện chính sách” thấp nhất, có 4 hành động chính sách thì có tới 3 hành động chính sách chưa có kết quả cụ thể.

2. Kết quả triển khai đối với từng hành động chính sách cụ thể

(Chi tiết có biểu kèm theo)

3. Thuận lợi, khó khăn vướng mắc

[...]