Báo cáo 05/BC-UBND về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh năm 2013; phương hướng, nhiệm vụ năm 2014 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 05/BC-UBND
Ngày ban hành 08/01/2014
Ngày có hiệu lực 08/01/2014
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 01 năm 2014

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI VÀ QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2013; PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2014

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH, NGÂN SÁCH NĂM 2013

Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Thành ủy; Nghị quyết số 28/2012/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013; Ủy ban nhân dân thành phố đã kịp thời ban hành các Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch về điều hành phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và ngân sách thành phố năm 2013, xây dựng các chương trình cụ thể và tổ chức thực hiện; đồng thời chỉ đạo các Sở, ban ngành, quận - huyện, các doanh nghiệp trực thuộc thành phố tập trung mọi nguồn lực quyết tâm vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự phấn đấu nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân thành phố; tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố năm 2013 đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

I.- Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và thực hiện Kết luận 72-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về các giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau khi kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI

1. Thành phố đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 1553/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2013 để thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ với 6 nhóm giải pháp cơ bản là : (1) Chỉ đạo giải quyết hàng tồn kho, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm; tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. (2) Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn để đầu tư phát triển hạ tầng, đảm bảo đúng mục đích. (3) Hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm. (4) Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. (5) Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. (6) Hỗ trợ vốn tín dụng và giải quyết nợ xấu.

2. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 5100/KH-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2012 về giải quyết một số vấn đề cấp bách cần khắc phục theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; tập trung chỉ đạo khắc phục trên 6 lĩnh vực: (1) Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị. (2) Tăng cường công tác phòng chống tội phạm và tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị trên địa bàn thành phố năm 2013. (3) Chỉ đạo chấn chỉnh và thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang… theo hướng tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. (4) Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. (5) Đẩy mạnh thực hiện rà soát và cải cách thủ tục hành chính. (6) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, quyền hạn người đứng đầu; mở rộng giám sát, trực tiếp đánh giá của người dân và doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức.

3. Thành lập 5 Tổ công tác do các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Hiệp hội doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, tác động vào thị trường nhà ở, tạo việc làm, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Chỉ đạo các sở, ngành, quận - huyện thường xuyên tổ chức gặp mặt, tiếp xúc để tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

4. Chỉ đạo đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách, giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Ủy ban nhân dân thành phố bằng nhiều hình thức, bảo đảm tính khách quan, trung thực, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Các nội dung thông tin trên báo phản ánh trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời về các chủ trương, chính sách; đặc biệt là về chủ trương hỗ trợ về thuế, chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá của các ngành chức năng.

5. Chỉ đạo các ngành, các cấp và các đơn vị tập trung thực hiện các chính sách giảm, gia hạn, giãn thuế cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh; đã tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn về chính sách thuế cho doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế giúp người nộp thuế hiểu được quyền và nghĩa vụ về thuế, không mắc những sai sót, tiết kiệm thời gian, an tâm điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh; thường xuyên hỗ trợ, giải đáp cho người nộp thuế về các vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

6. Tiếp tục Triển khai thực hiện Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của thành phố Hồ Chí Minh; đến nay, thành phố đã phê duyệt 93 dự án với tổng mức đầu tư là 6.748,442 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ là 3.302,975 tỷ đồng[1]. Vốn đầu tư bình quân của 01 dự án là 71,8 tỷ đồng. Lũy kế vốn hỗ trợ 83,6 tỷ đồng.

7. Thành phố đã sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 và triển khai thực hiện Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 - 2015. Năm 2013 đã có 1.495 phương án với 3.650 hộ gia đình được Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt phương án hỗ trợ lãi vay với tổng vốn đầu tư 1.558 tỷ đồng, tổng vốn vay 933,4 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2011 đến nay đã có 2.831 phương án với 10.298 hộ gia đình được Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt phương án hỗ trợ lãi vay với tổng vốn đầu tư 4.352,9 tỷ đồng, tổng vốn vay 2.531,3 tỷ đồng.

8. Tập trung chỉ đạo các Sở, ngành liên quan rà soát và báo cáo cụ thể các khu vực quy hoạch kéo dài thời gian thực hiện mà dư luận xã hội và người dân đã có phản ánh. Đã thành lập Tổ công tác xử lý các dự án chậm tiến độ và đang khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về chủ trương, biện pháp xử lý 1.295 dự án chậm triển khai; kiên quyết thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích đối với 136 dự án (diện tích gần 2.083 ha) do chưa hoặc chậm bồi thường giải tỏa (dưới 50 % diện tích đất dự án), nhằm chấm dứt tình trạng dự án triển khai kéo dài, để làm cơ sở giải quyết các quyền của người sử dụng đất. Đã ban hành Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2013 về ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Hệ số này đã giảm trung bình gần 2,5 lần so quy định tại Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2012; kịp thời giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân thành phố, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiến tới hoàn thành trong năm 2013 theo chỉ đạo của Thành ủy.

9. Thông qua Kế hoạch triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, kế hoạch phát triển 3.000 căn nhà ở xã hội năm 2013. Thường xuyên làm việc, hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình chuyển đổi dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới và chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư 02/2013/TT-BXD ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Bộ Xây dựng. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp như giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa phù hợp khả năng chi trả của thị trường; áp dụng phương thức bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua; chuyển sang nhà ở xã hội; sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng, thực hiện công khai, minh bạch, đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin cho khách hàng. Đã giảm hàng tồn kho bất động sản được 4.788 căn, đạt 33,04%.

10. Triển khai thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã tác động tích cực đến quá trình ổn định thị trường tiền tệ. Chủ động triển khai các biện pháp tích cực kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh với các ngân hàng để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Huy động vốn trên địa bàn thành phố năm 2013 vẫn đạt tăng trưởng khá, tiền gửi huy động bằng VNĐ chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 83,6% và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng vốn huy động ngoại tệ. Nguồn vốn tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chiếm khoảng 84% tổng dư nợ; dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên[2] đạt 126.412 tỷ đồng, tăng 48,2% so cuối năm 2012.

Phối hợp triển khai và theo dõi nắm bắt tình hình thực hiện các quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hoạt động ngân hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21 tháng 01 năm 2013, báo cáo khó khăn vướng mắc về tình hình thực hiện thông tư này trên địa bàn; tiếp tục chủ động theo dõi nắm bắt diễn biến tình hình nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Phối hợp thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đề án xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước; chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, đảm bảo thị trường tiền tệ trên địa bàn hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.

II. Kết quả chủ yếu về kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh

1. Kinh tế thành phố tiếp tục vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi tốc độ tăng trưởng ổn định hợp lý

1.1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố cả năm ước đạt 764.561 tỷ đồng, tăng 9,3%[3] cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%). Trong bối cảnh khó khăn chung, mức tăng trưởng của từng quý đã tăng dần (GDP quý I tăng 7,6%, quý II tăng 8,1%, quý III tăng 10,3%, quý IV tăng 10,7)[4], cho thấy tăng trưởng kinh tế của thành phố đã có dấu hiệu phục hồi. GDP bình quân đầu người ước đạt 4.520 USD/người (vượt kế hoạch đề ra là 4.000 USD/người).

Khu vực dịch vụ đạt 446.151 tỷ đồng, chiếm 58,4% tổng GDP, tăng 10,7% (cùng kỳ tăng 10,3%); khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 310.641 tỷ đồng, chiếm 40,6% tổng GDP, tăng 7,4% (cùng kỳ tăng 7,6%); khu vực nông nghiệp đạt 7.769 tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng GDP, tăng 5,6% (cùng kỳ tăng 6%).

1.2. Thương mại - Dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm ước đạt 606.978,9 tỷ đồng, tăng 12,6% (cùng kỳ tăng 17%). Trong đó, ngành thương nghiệp tăng 11,7% (cùng kỳ tăng 17,1%), khách sạn nhà hàng tăng 15,9% (cùng kỳ tăng 14,7%), du lịch lữ hành tăng 24,6% (cùng kỳ tăng 19,7%). Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, lượng hàng hóa và dịch vụ tiêu thụ năm 2013 ước tăng 8,6% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,5%).

b) Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 26.575,1 triệu USD, giảm 6% (cùng kỳ tăng 6,2%). Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19.399,4 triệu USD, giảm 2,5% (cùng kỳ tăng 2,9%). Nguyên nhân xuất khẩu giảm là do dầu thô giảm mạnh cả về lượng, lẫn về giá, làm kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 01 tỷ USD. Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng nguồn cung cầu thế giới và do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh trong nước nên giá và lượng của một số mặt hàng xuất khẩu (nhất là nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản) giảm mạnh so cùng kỳ 2012. Cụ thể: mặt hàng gạo lượng giảm 48,1%, giá giảm 6,2%; cao su lượng giảm 9,7%, giá giảm 14,6%; cà phê lượng giảm 20,2%, giá giảm 3,3%; thủy sản giảm 12,2%.... làm giảm hơn 1.400 triệu USD, chiếm 7,7% kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25.872,9 triệu USD, tăng 14,9% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4%), chủ yếu là nhập nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như: sữa và các sản phẩm sữa, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, dược phẩm, chất dẻo.

c) Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường:

+ Tiếp tục thực hiện 04 Chương trình bình ổn thị trường[5] theo hướng mở rộng quy mô thực hiện, đi vào chiều sâu, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Chương trình tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các Bộ, ngành trung ương, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hàng hóa tham gia Chương trình bình ổn thị trường với lượng cung dồi dào, chất lượng đảm bảo và giá cả theo giá đã đăng ký; qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt thị trường, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Chương trình đã thu hút nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia, trong đó gồm các doanh nghiệp phân phối chuyên nghiệp có thương hiệu và hệ thống phân phối rộng khắp, góp phần phát triển nhanh mạng lưới bán hàng của Chương trình. Đến tháng 12 năm 2013, tổng số điểm bán của 4 Chương trình bình ổn thị trường triển khai trên địa bàn thành phố là 7.665 điểm (tăng 732 điểm so thời điểm tháng 4 năm 2013 khi bắt đầu Chương trình năm 2013 - 2014).

+ Thực hiện Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: thông qua 5 nhóm giải pháp gồm (1) Thông tin, tuyên truyền, vận động; (2) Kết nối doanh nghiệp với thị trường; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; (4) Triển khai chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt; và (5) Kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường đã được triển khai đồng loạt trong năm với nhiều hoạt động thiết thực. Đến nay, trong một số hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn thành phố, hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, từ 80% đến 90%.

[...]