Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực như thế nào từ 05/02/2025?

Chuyên viên pháp lý: Đỗ Hữu Hòa
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực như thế nào từ 05/02/2025? Nguyên tắc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn là gì?

Nội dung chính

    Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực như thế nào từ 05/02/2025?

    Ngày 20/12/2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 13/2024/TT-BXD về quy trình, quy định kỹ thuật kiểm kê khí thải nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành xây dựng, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/02/2025.

    Trong đó, căn cứ quy định tại Điều 7 Thông tư 13/2024/TT-BXD, xác định phạm vi kiểm kê khí nhà cấp cấp lĩnh vực được xác định như sau:

    (1) Kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực cho các hoạt động sau:

    Quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, vôi, kính xây dựng và vật liệu xây dựng khác);

    Tiêu thụ năng lượng trong xây dựng (sản xuất vật liệu xây dựng và toà nhà).

    (2) Nguồn phát thải khí nhà kính từ quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng bao gồm phát thải từ quá trình nung nguyên liệu có chứa gốc cacbonat (-CO3).

    (3) Nguồn phát thải từ tiêu thụ năng lượng trong xây dựng bao gồm phát thải từ sử dụng nhiên liệu cho quá trình đốt nhiên liệu và sử dụng điện.

    (4) Thời gian thu thập số liệu hoạt động: từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của kỳ kiểm kê.

    (5) Loại khí nhà kính được kiểm kê: CO2, CH4, N2O.

    Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực như thế nào từ 05/02/2025?

    Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực như thế nào từ 05/02/2025? (Hình từ Internet)

    Nguyên tắc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn là gì?

    Căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, nguyên tắc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn như sau:

    (1) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định, điều ước quốc tế có liên quan với mục đích phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững.

    (2) Quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải tuân theo nguyên tắc trách nhiệm, thống nhất, công bằng, minh bạch; mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh theo ưu tiên phát triển quốc gia và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    (3) Hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon đảm bảo công khai, hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường các-bon. Các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường các-bon trên cơ sở tự nguyện.

    (4) Nhập khẩu, xuất khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát chỉ được thực hiện với các nước là thành viên của Nghị định thư Montreal theo lộ trình thời gian do Nghị định thư quy định.

    Nhà nước có những chính sách gì về bảo vệ môi trường?

    Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nhà nước có những chính sách về bảo vệ môi trường như sau:

    (1) Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

    (2) Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.

    (3) Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

    (4) Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.

    (5) Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.

    (6) Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

    (7) Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

    (8) Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

    (9) Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

    (10) Thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư.

    (11) Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

    22
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ