Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Việc thuận tình ly hôn, quyền nuôi con khi ly hôn được thực hiện theo thủ tục như thế nào?

Việc thuận tình ly hôn, quyền nuôi con khi ly hôn được thực hiện theo thủ tục như thế nào? Việc nộp hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn được nộp tại đâu?

Nội dung chính

    Việc thuận tình ly hôn, quyền nuôi con khi ly hôn được thực hiện theo thủ tục như thế nào?

    Tại Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thuận tình ly hôn như sau: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

    Căn cứ chương XXVIII Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thủ tục giải quyết thuận tình ly hôn như sau:

    + Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng (trong trường hợp vợ hoặc chồng ở nước ngoài thì nộp đơn tại TAND cấp tỉnh).

    + Bước 2: Sau khi nhận đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ thụ lý giải quyết và sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng lệ phí Toà án cho người đã nộp đơn;

    + Bước 3: Căn cứ thông báo của Toà án, đương sự nộp tiền tạm ứng lệ phí tại Chi cục thi hành án dân sự cấp quận/huyện và nộp lại biên lai nộp tiền cho Tòa án (Nếu TAND cấp tỉnh giải quyết thì nộp tại Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh).

    + Bước 4: Tòa án mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

    + Bước 5: Toà án ra quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn.

    Thời gian giải quyết thuận tình ly hôn thông thường sẽ từ 20 ngày đến 40 ngày.

    Hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn gồm có:

     + Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn (bản chính hoặc bản trích lục trong trường hợp mất bản chính);

    + Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

    + Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);

    + Sổ hộ khẩu gia đinh (bản sao có chứng thực);

    + Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: GCNQSDĐ (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao);

    + Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

    Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

    + Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

    + Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

    + Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

    Như vậy, trong trường hợp của bạn, con bạn mới 12 tháng tuổi thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

    3