Việc khóa sổ kế toán đối với ngân sách phải bảo đảm thực hiện theo các yêu cầu gì?

Việc khóa sổ kế toán đối với ngân sách phải bảo đảm thực hiện theo các yêu cầu gì? Được quy định trong văn bản nào?

Nội dung chính

    Việc khóa sổ kế toán đối với ngân sách phải bảo đảm thực hiện theo các yêu cầu gì?

    Theo quy định hiện hành tại Khoản 2 Điều 42 Nghị định 163/2016/NĐ-CP thì việc khóa sổ kế toán đối với ngân sách phải bảo đảm thực hiện theo các yêu cầu sau:

    a) Các khoản thu thuộc ngân sách các năm trước, nhưng nộp từ ngày 01 tháng 01 năm sau thì phải hạch toán và quyết toán vào thu ngân sách năm sau, trừ các khoản thu quy định tại khoản 4 Điều này;
    b) Hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách, các khoản dự toán chi, bao gồm cả các khoản bổ sung trong năm, chưa thực hiện hoặc chưa chi hết phải hủy bỏ, trừ các trường hợp được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Nghị định này;
    c) Các khoản đã tạm ứng trong dự toán được thanh toán đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán; nếu hết thời gian chỉnh lý quyết toán mà vẫn chưa đủ thủ tục thanh toán thì xử lý như sau:
    Trường hợp được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định tại Điều 43 của Nghị định này, thì chuyển sang năm sau thực hiện;
    Trường hợp không được chuyển sang năm sau, thì đơn vị nộp lại ngân sách nhà nước trước ngày 15 tháng 02 năm sau. Sau thời hạn này, đơn vị chưa nộp, Kho bạc Nhà nước thực hiện thu hồi số tạm ứng bằng cách trừ lĩnh vực chi tương ứng thuộc dự toán ngân sách năm sau của đơn vị, nếu dự toán năm sau không bố trí lĩnh vực chi đó hoặc có bố trí nhưng ít hơn số phải thu hồi, Kho bạc Nhà nước thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp để xử lý;
    d) Các khoản tạm thu, tạm giữ thực hiện xử lý theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp đến hết ngày 31 tháng 12 số dư trên tài khoản tạm thu, tạm giữ mà chưa được cấp có thẩm quyền quyết định xử lý, được chuyển sang năm sau để theo dõi và xử lý tiếp theo quy định của pháp luật;
    đ) Đối với các loại vật tư, hàng hóa tồn kho tại các đơn vị dự toán đến cuối ngày 31 tháng 12 thực hiện kiểm kê theo quy định hiện hành và xử lý như sau: Giá trị đã mua hàng hóa, vật tư tồn kho được quyết toán vào chi ngân sách năm trước theo quy định. Trường hợp sử dụng tiếp cho năm sau, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ, sử dụng và có báo cáo riêng. Trường hợp không còn sử dụng tiếp cho năm sau, đơn vị thành lập hội đồng thanh lý bán, nộp tiền vào ngân sách nhà nước; đối với đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng theo quy định của pháp luật;
    e) Số dư tài khoản tiền gửi các khoản ngân sách cấp của đơn vị dự toán mở tại Kho bạc Nhà nước đến cuối ngày 31 tháng 12 được tiếp tục thanh toán theo quy định trong thời gian chỉnh lý quyết toán. Đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán mà vẫn còn dư, thì phải nộp trả ngân sách nhà nước; trừ trường hợp được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định tại Điều 43 của Nghị định này. Số dư trên tài khoản tiền gửi không thuộc ngân sách nhà nước cấp, được chuyển sang năm sau sử dụng theo quy định của pháp luật.

    Việc khóa sổ kế toán đối với ngân sách phải bảo đảm thực hiện theo các yêu cầu được quy định tại Nghị định 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước.

    20