Việc chuyển nhượng đất không hợp pháp do cán bộ cố tình lợi dụng quyền hạn của mình thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Nội dung chính
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý đất đai gồm những cơ quan nào?
Theo quy định tại Điều 21 Luật Đất đai 2024 có nêu nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương các cấp như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương các cấp:
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước.
2. Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Luật này.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đất đai.
4. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai.
5. Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định của Luật này.
Ở đơn vị hành chính cấp huyện không thành lập đơn vị hành chính cấp xã thì Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã quy định của Luật này.
Bên cạnh đó tại Điều 22 Luật Đất đai 2024 có quy định về cơ quan có chức năng quản lý đất đai và công chức làm công tác địa chính ở cấp xã như sau:
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai và công chức làm công tác địa chính ở cấp xã:
1. Hệ thống cơ quan có chức năng quản lý đất đai được tổ chức thống nhất ở trung ương và địa phương.
2. Cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở cấp tỉnh và ở cấp huyện.
4. Tổ chức dịch vụ công về đất đai, bao gồm tổ chức đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức dịch vụ công khác được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã có công chức làm công tác địa chính theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Công chức làm công tác địa chính có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất đai tại địa phương.
Theo đó, qua 2 căn cứ pháp lý vừa nêu trên thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý đất đai bao gồm 8 cơ quan sau đây:
(1) Chính phủ: Thực hiện quản lý nhà nước về đất đai trên toàn quốc.
(2) Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của luật.
(3) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về đất đai.
(4) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Có trách nhiệm giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai theo phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
(5) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Quản lý đất đai tại cấp tỉnh và thực hiện các nhiệm vụ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý quy hoạch.
(6) Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện: Thực hiện quản lý đất đai tại cấp huyện, xử lý các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất và các giao dịch liên quan.
(7) Ủy ban nhân dân cấp xã: Quản lý đất đai tại cấp xã, bao gồm công tác đăng ký đất đai và giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai ở địa phương.
(8) Công chức làm công tác địa chính cấp xã: Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất đai tại địa phương.
Việc chuyển nhượng đất không hợp pháp do cán bộ cố tình lợi dụng quyền hạn của mình thì sẽ bị xử lý như thế nào? (Hình từ internet)
Cán bộ, người có thẩm quyền quản lý đất đai bị xử phạt khi thực hiện hành vi vi phạm nào trong lĩnh vực đất đai?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 240 Luật Đất đai 2024 có quy định như sau:
Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ:
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:
a) Lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;
b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất;
c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.
2. Chính phủ quy định chi tiết các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ mà bị xử lý kỷ luật quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, các hành vi vi phạm của cán bộ, người có thẩm quyền quản lý đất đai theo Điều 240 Luật Đất đai 2024 bao gồm:
- Lợi dụng chức vụ: Làm trái quy định pháp luật trong các lĩnh vực như quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Thiếu trách nhiệm: Để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và quyền lợi của người sử dụng đất.
- Vi phạm quy trình: Bao gồm việc không thực hiện đúng quy định về lấy ý kiến, công bố thông tin, và trình tự, thủ tục hành chính.
Các hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Bên cạnh đó, xét về trường hợp cán bộ lợi dụng quyền hạn của mình vào việc chuyển nhượng đất không hợp pháp cũng là 1 hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai. Cụ thể tại điểm d khoản 8 Điều 109 Nghị định 102/2024/NĐ-CP có quy định về hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:
Hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai:
...
8. Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý bao gồm các hành vi sau:
...
d) Cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái quy định của pháp luật;
...
Như vậy, việc cán bộ lợi dụng quyền hạn để cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng đất không hợp pháp là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.
Trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi lợi dụng quyền hạn của mình cho việc chuyển nhượng đất không hợp pháp của cán bộ có thẩm quyền thì được quy định ra sao?
Căn cứ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm s khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Như vậy,trường hợp cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện chuyển nhượng đất không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các mức hình phạt như sau:
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm nếu gây thiệt hại tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Phạt tù từ 5 đến 10 năm nếu có tổ chức, phạm tội nhiều lần, hoặc gây thiệt hại tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
- Phạt tù từ 10 đến 15 năm nếu gây thiệt hại tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm và bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.