Uỷ thác thi hành án khi có căn cứ được thực hiện khi nào?
Nội dung chính
Uỷ thác thi hành án khi có căn cứ được thực hiện khi nào?
Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định: “Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh”.
Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án dân sự, theo đó phân biệt trách nhiệm của Chấp hành viện phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với trường hợp chủ động ra quyết định thi hành và trường hợp xác minh theo yêu cầu của người được thi hành án; đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự 2008 không trùng với quy định về căn cứ uỷ thác thi hành án dân sự tại Điều 55 Luật Thi hành án dân sự 2008.
Điều 55 Luật Thi hành án dân sự 2008 có quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. Trường hợp người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở ở nhiều địa phương thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ thác thi hành án từng phần cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ. Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên quan đến tài sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản; nếu không xác định được nơi có tài sản hoặc nơi có tài sản trùng với nơi làm việc, cư trú, có trụ sở của người phải thi hành án thì ủy thác đến nơi làm việc, cư trú hoặc nơi có trụ sở của người đó. Trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án. Việc ủy thác phải thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ ủy thác. Trường hợp cần thiết phải ủy thác việc thi hành quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc uỷ thác phải thực hiện ngay sau khi có căn cứ uỷ thác.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp bạn hỏi do thông tin nêu ra chưa thực sự đầy đủ nên chúng tôi không khẳng định đúng sai. Tuy nhiên, chúng tôi nêu ra hai tình huống:
1. Trong trường hợp Nguyễn Văn A tuy có địa chỉ cư trú tại huyện B, tỉnh Đắc Lắc nhưng thực tế sống hoặc có tài sản tại Lạng Sơn thì cơ quan thi hành án phải có biên bản xác minh điều kiện thi hành án ở Lạng Sơn trước khi uỷ thác thi hành án.
2. Trường hợp có căn cứ xác định Nguyễn Văn A có địa chỉ cư trú tại huyện B, tỉnh Đắc Lắc (ví dụ bản án của Toà án đã xác định) và không sống, không có tài sản tại Lạng Sơn thì cơ quan thi hành án uỷ thác thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Đắc Lắc là cần thiết và không có quy định nào bắt buộc cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn phải có biên bản xác minh điều kiện thi hành án tại huyện B, tỉnh Đắc Lắc trước khi uỷ thác thi hành án, nên không vi phạm khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự 2008.