Trách nhiệm thẩm định thiết kế kỹ thuật trong trường hợp thiết kế ba bước thuộc về ai?
Nội dung chính
Thiết kế ba bước trong thiết kế xây dựng bao gồm gì?
Căn cứ Điều 78 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 về quy định chung về thiết kế xây dựng như sau:
Quy định chung về thiết kế xây dựng
1. Thiết kế xây dựng gồm:
a) Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;
b) Thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;
c) Các thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design, sau đây gọi là thiết kế FEED), thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế.
2. Thiết kế xây dựng được thực hiện theo trình tự một bước hoặc nhiều bước như sau:
a) Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công;
b) Thiết kế hai bước bao gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công;
c) Thiết kế ba bước bao gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công;
d) Thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế.
...
Như vậy, thiết kế ba bước trong thiết kế xây dựng bao gồm:
- Thiết kế cơ sở: Đây là bước thiết kế ban đầu, thường nằm trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Thiết kế cơ sở giúp xác định sơ bộ phương án thiết kế và các yếu tố quan trọng như quy mô công trình, công nghệ, kỹ thuật, và mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng.
- Thiết kế kỹ thuật: Sau thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp đã đưa ra trước đó, làm rõ thêm các thông số kỹ thuật và phương pháp thực hiện nhằm chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn thi công.
- Thiết kế bản vẽ thi công: Đây là bước cuối cùng, trong đó các chi tiết của công trình được cụ thể hóa thành bản vẽ và tài liệu để thực hiện thi công. Thiết kế bản vẽ thi công chứa tất cả các thông số, hướng dẫn và quy định cần thiết để nhà thầu có thể xây dựng công trình một cách chính xác.
Trách nhiệm thẩm định thiết kế kỹ thuật trong trường hợp thiết kế ba bước thuộc về ai? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm thẩm định thiết kế kỹ thuật trong trường hợp thiết kế ba bước thuộc về ai?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 82 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở quy định như sau:
Thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
2. Chủ đầu tư thẩm định các nội dung quy định tại Điều 83 của Luật này đối với bước thiết kế sau:
a) Thiết kế FEED trong trường hợp thực hiện hình thức hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (Engineering - Procurement - Construction, sau đây gọi là hợp đồng EPC);
b) Thiết kế kỹ thuật trong trường hợp thiết kế ba bước;
c) Thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp thiết kế hai bước;
d) Bước thiết kế khác ngay sau bước thiết kế cơ sở trong trường hợp thực hiện thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế.
...
Theo đó, trách nhiệm thẩm định thiết kế kỹ thuật trong trường hợp thiết kế ba bước thuộc về chủ đầu tư.
Chủ đầu tư trong việc thiết kế xây dựng có quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ Điều 85 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc thiết kế xây dựng quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc thiết kế xây dựng
1. Chủ đầu tư có các quyền sau:
a) Tự thực hiện thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng;
b) Lựa chọn nhà thầu thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng trong trường hợp không tự thực hiện thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;
c) Đàm phán, ký kết hợp đồng thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; giám sát và yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết; đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan;
d) Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và của pháp luật có liên quan.
2. Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:
a) Lựa chọn nhà thầu thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng;
b) Xác định nhiệm vụ thiết kế xây dựng;
c) Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho nhà thầu thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;
d) Thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết; bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng thiết kế xây dựng đã ký kết;
đ) Thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;
e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định đầu tư về kết quả công việc do mình thực hiện;
g) Lưu trữ hồ sơ thiết kế xây dựng;
h) Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và của pháp luật có liên quan.
Như vậy, chủ đầu tư trong việc thiết kế xây dựng có các quyền và nghĩa vụ cụ thể theo quy định nêu trên.