Tỉnh Thái Bình có bao nhiêu khu bảo tồn thiên nhiên?
Nội dung chính
Tỉnh Thái Bình có bao nhiêu khu bảo tồn thiên nhiên?
Hiện nay, Việt Nam có 11 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Tỉnh Thái Bình tự hào sở hữu hai khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, đó là Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy.
Khái quát của khu bảo tồn thiên nhiên tỉnh Thái Bình?
(1) Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải
Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải được thành lập với tổng diện tích khoảng 14.200 ha, nằm trên địa bàn các xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh. Khu bảo tồn bao gồm các khu vực rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập mặn, trong đó có 9.000 ha thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, 3.500 ha phục hồi sinh thái và khoảng 1.700 ha vùng đệm. Đây là một phần quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Khu bảo tồn là môi trường sống của hơn 200 loài chim, trong đó có gần 160 loài chim di cư và hơn 50 loài chim nước, bao gồm nhiều loài quý hiếm như cò thìa, rẽ mỏ thìa, choắt chân vàng lớn và cò trắng Trung Quốc, đều nằm trong danh sách cần bảo tồn. Khu bảo tồn cũng có hơn 100 loài cá, trong đó một số loài có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá đối vằn, cá bớp, cá lác, cá nhệch và cá thủ vàng.
Về thực vật, khu bảo tồn có hơn 100 loài cây, trong đó 43 loài có thể dùng làm thuốc. Khu vực này còn là nơi sinh sống của khoảng 113 loài côn trùng và 37 loài lưỡng cư, bò sát, trong đó có 4 loài thuộc diện quý hiếm, cần được bảo vệ và ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Ngoài ra, khu bảo tồn còn có hai cồn cát lớn, Cồn Vành với diện tích 2.000 ha và Cồn Thủ với diện tích 50 ha, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái địa phương.
(2) Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy được thành lập với mục tiêu bảo tồn giá trị sinh học của vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy, đặc biệt là các loài chim di cư trú đông đang bị đe dọa toàn cầu và có mặt trong sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Đồng thời, khu bảo tồn cũng khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ hệ sinh thái ven biển.
Khu bảo tồn có diện tích 6.560 ha, trải dài trên các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thái Đô, Thái Thượng và thị trấn Diêm Điền. Khu vực này được phân thành ba khu chính: khu bảo vệ nghiêm ngặt (1.500 ha), khu phục hồi sinh thái (4.800 ha) và khu dịch vụ - hành chính (260 ha). Đây là nơi sinh sống của hơn 1.000 loài động vật, trong đó có các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều và vùng cửa sông. Khu bảo tồn còn có Cồn Đen, một cồn cát dài khoảng 3 km thuộc xã Thái Đô.
Vùng rừng ngập mặn trong khu bảo tồn là nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế như tôm, cua và sò, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khu vực này phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, hai khu bảo tồn Tiền Hải và Thái Thụy còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, mang đến cơ hội tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu thế giới tự nhiên.
Tỉnh Thái Bình đã quy hoạch và phát triển các khu du lịch sinh thái, như Cồn Vành (huyện Tiền Hải) và Cồn Đen (huyện Thái Thụy).
Tỉnh Thái Bình có bao nhiêu khu bảo tồn thiên nhiên? (hình từ internet)
Nội dung của dự án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên bao gồm những gì?
Theo Điều 21 Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định nội dung của dự án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên được pháp luật quy định như sau:
- Mục đích bảo tồn đa dạng sinh học; việc đáp ứng các tiêu chí chủ yếu để xác lập khu bảo tồn.
- Thực trạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loài hoang dã khác, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên.
- Diện tích đất, mặt nước; hiện trạng sử dụng đất, mặt nước; số lượng dân cư sống tại nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
- Trích lục bản đồ, vị trí địa lý, diện tích dự kiến thành lập khu bảo tồn.
- Vị trí địa lý, diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính; ranh giới từng phân khu; phương án ổn định cuộc sống hoặc di dời hộ gia đình, cá nhân ra khỏi nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn.
- Kế hoạch quản lý khu bảo tồn.
- Tổ chức quản lý khu bảo tồn.
- Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới vùng đệm của nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn.
- Tổ chức thực hiện dự án thành lập khu bảo tồn.