Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp, các bước nào cần phải thực hiện ngay để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả?

Những công việc cụ thể nào mà các chủ doanh nghiệp cần thực hiện ngay sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi và tuân thủ quy định pháp luật?

Nội dung chính

    Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp, các bước nào cần phải thực hiện ngay để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả?

    Theo như ghi nhận của chúng tôi thì có rất nhiều trường hợp giống như bạn. Cụ thể, khi mới bắt đầu tiến thân hoạt động kinh doanh, nhiều chủ doanh nghiệp còn loay hoay, không biết phải làm gì tiếp theo ngay sau khi nhận được kết quả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do không có kinh nghiệm, không biết, không tìm hiểu hoặc không có các kiến thức pháp lý cần thiết.

    Do đó, chúng tôi thông tin đến bạn và các chủ doanh nghiệp khác một số công việc cần phải làm ngay sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cụ thể là:

    1. Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

    Nơi thực hiện: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

    Chi phí: 100.000 đồng.

    2. Khắc con dấu

    - Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

    - Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

    Lưu ý: Theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp không có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng như trước đây.

    3. Mở tài khoản ngân hàng

    Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp và thông báo về việc sử dụng tài khoản ngân hàng với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính).

    4. Nộp tờ khai và thuế môn bài

    Thuế môn bài là khoản tiền mà doanh nghiệp phải nộp định kỳ hàng năm hoặc khi mới ra sản xuất, kinh doanh.

    Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức thu lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

    - Doanh nghiệp có vốn điều lệ > 10 tỷ đồng: Mức thu là 03 triệu đồng/năm;

    - Doanh nghiệp có vốn điều lệ < 10 tỷ đồng: Mức thu là 02 triệu đồng/năm.

    * Hạn nộp tiền thuế:

    Khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm.

    * Hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài

    Khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

    Lưu ý: Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12). (Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP).

    5. Treo biển hiệu công ty

    Doanh nghiệp bắt buộc phải làm biển hiệu công ty trong đó có ghi Tên doanh nghiệp; Mã số thuế; Địa chỉ trụ sở chính; Thông tin liên hệ (SĐT, Email, Fax, Website) và gắn tại trụ sở chính của công ty.

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    10
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ