Sáp nhập tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu theo Nghị quyết năm 1991 như thế nào?
Nội dung chính
- Sáp nhập tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu theo Nghị quyết năm 1991 ra sao?
- Kết luận 127 của Bộ Chính trị chốt đề án sáp nhập tỉnh phải hoàn thiện trước ngày nào?
- Quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương như thế nào?
Sáp nhập tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu theo Nghị quyết năm 1991 ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 1991 do Quốc hội ban hành:
6. Thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và 3 huyện Long Đất, Châu Thành, Xuyên Mộc của tỉnh Đồng Nai.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 đơn vị hành chính gồm thành phố Vũng Tàu và 4 huyện: Côn Đảo, Long Đất, Châu Thành, Xuyên Mộc, có diện tích tự nhiên 2.047,45km2 với số dân 587.499 người.
Tỉnh lỵ: Thành phố Vũng Tàu.
Như vậy, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết sáp nhập ba huyện của tỉnh Đồng Nai với Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo để thành lập thêm tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu năm 1991.
Sáp nhập tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu theo Nghị quyết năm 1991 ra sao? (Hình từ Internet)
Kết luận 127 của Bộ Chính trị chốt đề án sáp nhập tỉnh phải hoàn thiện trước ngày nào?
Ngày 28 tháng 02 năm 2025, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Căn cứ theo tiểu mục 1 Mục II Kết luận 127-KL/TW, Ban Bí thư chỉ đạo tiến độ thực hiện đề án bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh, xã như sau:
- Báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi xin ý kiến các cấp uỷ, tổ chức đảng chậm nhất ngày 09/3/2025.
- Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thiện đề án gửi xin ý kiến các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tô chức, ban đảng Trung ương chậm nhất ngày 12/3/2025.
- Tiếp thu ý kiến góp ý của các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương, hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27/3/2025.
- Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến các cơ quan, hoàn thiện đề án, tờ trình; trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước ngày 07/4/2025.
Theo đó, Kết luận 127 của Bộ Chính trị chốt đề án sáp nhập tỉnh phải hoàn thiện trước ngày 07/4/2025.
Quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025:
Quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương như sau:
(1) Chính quyền địa phương phối hợp và phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của chính quyền địa phương.
(2) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp; được mời tham dự phiên họp của Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan. Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp của Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan.
(3) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình của địa phương cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp.
(4) Chính quyền địa phương có trách nhiệm lắng nghe, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tham gia xây dựng chính quyền và ý kiến, kiến nghị của Nhân dân địa phương do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp và chuyển đến.