Quy trình bầu cử Chủ tịch nước tại Việt Nam diễn ra như thế nào theo quy định pháp luật?

Pháp luật quy định cơ quan nào có thẩm quyền bầu Chủ tịch nước và Quy trình bầu cử Chủ tịch nước tại Việt Nam diễn ra như thế nào theo quy định pháp luật?

Nội dung chính

    Pháp luật quy định cơ quan nào có thẩm quyền bầu Chủ tịch nước và Quy trình bầu cử Chủ tịch nước tại Việt Nam diễn ra như thế nào theo quy định pháp luật?

    Theo quy định tại Điều 86 Hiến pháp Việt Nam năm 2013: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”.

    Điều 87 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.

    Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước”.

    Quy trình bầu chủ tịch nước được quy định tại Điều 31 Nghị quyết 102/2015/QH13 ngày 24/11/2015 về việc ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội, cụ thể như sau:

    1. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
    2. Ngoài danh sách do Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.
    3. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.
    4. Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.
    5. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.
    6. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.
    7. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
    8. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.
    9. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
    10. Chủ tịch nước tuyên thệ.

    Khoản 3 Điều 27 Nghị quyết 102/2015/QH13 nêu trêu quy định Ban kiểm phiếu xác định kết quả biểu quyết bằng bỏ phiếu kín theo nguyên tắc sau đây: “Trường hợp biểu quyết bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước, người được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành so với tổng số đại biểu Quốc hội và được nhiều phiếu tán thành hơn thì trúng cử.

    Trường hợp cùng bầu một chức danh mà nhiều người được số phiếu tán thành ngang nhau và đạt quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành so với tổng số đại biểu Quốc hội thì Quốc hội biểu quyết lại việc bầu chức danh này trong số những người được số phiếu hợp lệ tán thành ngang nhau. Trong số những người được đưa ra biểu quyết lại, người được số phiếu tán thành nhiều hơn là người trúng cử; nếu biểu quyết lại mà nhiều người vẫn được số phiếu tán thành ngang nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

    Việc phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành…”.

    231