Quy định về mục đích, ý nghĩa, nội dung đăng ký khai sinh theo pháp luật là gì?
Nội dung chính
Quy định về mục đích, ý nghĩa, nội dung đăng ký khai sinh theo pháp luật là gì?
Mục đích, ý nghĩa đăng ký khai sinh theo Luật hộ tịch 2014
Khai sinh là sự kiện hộ tịch xác định sự ra đời tồn tại của mỗi cá nhân. Việc đăng ký khai sinh, cấp Giấy khai sinh có ý nghĩa pháp lý đầu tiên chứng minh nhân thân của công dân cá nhân từ khi sinh ra cho đến chết (họ, chữ đệm và tên; độ tuổi; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán...) là cơ sở pháp lý chứng minh quyền, nghĩa vụ của cá nhân đó trong các mối quan hệ xã hội (quan hệ cha mẹ và con; các quyền về thừa kế, quyền đi học, bầu cử, ứng cử...). Các loại giấy tờ này có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cá nhân và có giá trị sử dụng toàn cầu.
Nội dung đăng ký khai sinh
Nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.
Luật hộ tịch 2014 quy định nội dung đăng ký khai sinh bao gồm:
- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại với người khác. Số định danh cá nhân cũng chính là số thẻ căn cước công dân được cấp khi công dân đủ 14 tuổi.
Cấu trúc sổ định danh; trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
Đối với việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh, Luật hộ tịch quy định "thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự".
Theo Luật hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc xác định quốc tịch được thực hiện theo các quy định về căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam, xác định quốc tịch của trẻ em trong một số trường hợp cụ thể (sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, sinh ra có cha mẹ là người không quốc tịch, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hoặc tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam)...
Theo quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, việc xác định họ, tên của người được khai sinh được thực hiện như sau:
- Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
- Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
- Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Theo quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc xác định dân tộc được thực hiện như sau:
- Cá nhân sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ.
- Người đã thành niên, cha đẻ và mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có người yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong các trường hợp sau đây: xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, nếu cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau; xác định lại dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ trong trường hợp làm con nuôi của người thuộc dân tộc khác nhau mà được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi do không biết cha đẻ, mẹ đẻ là ai.
- Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên yêu cầu xác định lại dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi trở lên thì phải được sự đồng ý của người chưa thành niên đó.