Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân định nghĩa như thế nào về sản phẩm và tác phẩm thủ công mỹ nghệ?
Nội dung chính
Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân định nghĩa như thế nào về sản phẩm và tác phẩm thủ công mỹ nghệ?
Căn cứ Quyết định 69/2009/QĐ-UBND Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành.
Theo quan điểm truyền thống: Sản phẩm là tổng hợp các đặc tính vật lý học, hoá học, sinh học... có thể quan sát được, dùng thoả mãn những nhu cầu cụ thể của sản xuất hoặc đời sống
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là những sản phẩm mang giá trị văn hoá, là kết quả của quá trình sáng tạo của nghệ nhân nhằm đáp ứng, thoả mãn những nhu cầu cụ thể của sản xuất hoặc đời sống tiêu dùng, văn hóa, tinh thần của người dân. Sản phẩm mang trong nó những giá trị văn hoá tinh thần (tính tư tưởng - thẩm mĩ, tính dân tộc, tính lịch sử...), đồng thời nó là dạng thương phẩm đặc biệt, có giá trị và giá trị sử dụng đặc thù.
Tác phẩm là sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo riêng của cá nhân người sáng tạo, nó mang tính độc đáo, ít lặp lại, in đậm phong cách riêng của người sáng tạo về cách nhìn thế giới. Được sáng tạo theo quy luật cái đẹp, nhằm đáp ứng nhu cầu có tính chất tinh thần, ngoài ra, nó còn là dạng hàng hoá đặc biệt, nhất là trong quá trình trao đổi - lưu thông trên thị trường văn hoá nghệ thuật.
Định nghĩa tác phẩm có thể được bảo hộ quyền tác giả của tất cả các nước công nghiệp phát triển (trừ Mỹ), các nước công nghiệp mới, các nước Châu Âu và của các nước đang phát triểnđều giống nhau với 04 điều kiện tiên quyết là:
(1) Sự sáng tạo của con người;
(2) Mang một nội dung tinh thần;
(3) Thể hiện trong một hình thức mà con người có thể tiếp cận;
(4) Mang đặc trưng riêng của tác giả.
Chỉ những thành qủa hoạt động sáng tạo của con người đáp ứng các điều kiện trên mới là tác phẩm mà tác giả của nó được hưởng quyền tác giả. Những thành qủa sáng tạo về tinh thần khác sẽ được bảo hộ dưới các dạng quyền sở hữu công nghiệp, chẳng hạn như Sáng chế.
(1) Sự sáng tạo của con người:
Trước hết, một tác phẩm trong ý nghĩa của luật quyền tác giả (sau đây gọi tắt là tác phẩm), phải là thành qủa hoạt động tinh thần mang tính sáng tạo của con người. Có như vậy, tác giả của nó mới được hưởng sự khuyến khích về kinh tế thông qua độc quyền khai thác tác phẩm do luật quyền tác giả bảo đảm. Như vậy, tác giả trong phạm vi điều chỉnh của luật quyền tác giả (LQTG) chỉ có thể là con người-một pháp nhân tự nhiên- chứ không thể là một pháp nhân phi tự nhiên như các công ty, hiệp hội hay các tổ chức.
Điểm mấu chốt ở đây vẫn là xác định hoạt động sáng tạo của tác gỉa trong việc thiết kế bố cục bức ảnh. Nếu hoạt động sáng tạo của tác giả để lại một dấu ấn riêng, rõ ràng trên bức ảnh thì máy chụp hình và chương trình tự động ở đây chỉ đóng vai trò công cụ của tác giả. Bức ảnh là một tác phẩm. Ngược lại, đó chỉ là sản phẩm của máy móc và không thể được công nhận là tác phẩm.
(2) Nội dung tinh thần:
Một tác phẩm do con người tạo ra phải chứa đựng nội dung tinh thần nhất định. Tinh thần-tư tưởng hay tình cảm- đó phải được thể hiện thông qua tác phẩm. Điều này không thể có được trong những sản phẩm của hoạt động thuần túy máy móc. Trong tác phẩm hội họa đó là cảm xúc nẩy sinh khi ngắm bức họa v…v.
(3) Thể hiện trong hình thức mà con người có thể tiếp cận:
Tác phẩm của sự sáng tạo tinh thần cần được thể hiện trong những hình thức mà con người có thể tiếp cận, trong những dạng thức có thể chuyển tải cách thức thể hiện sự sáng tạo đó. Một ý tưởng chưa được thể hiện, chưa được trình bày thì không thể được bảo hộ. Tuy nhiên một sản phẩm sáng tạo tinh thần không cần phải được thể hiện trong một hình thức hoàn chỉnh mới được công nhận là một tác phẩm.
(4) Mang đặc trưng cá nhân của tác giả:
Tiêu chuẩn quan trọng nhất để xác định tác phẩm chính là đặc trưng riêng (đặc trưng cá nhân) của tác giả. Tác phẩm phải là kết qủa sự sáng tạo tinh thần của tác giả. Nó phải mang dấu ấn riêng biệt của năng lực sáng tạo của tác giả. Chính là ở đây mà ý nghĩa của Luật quyền tác giả được thể hiện rõ nhất: bảo vệ thành qủa tinh thần của riêng tác giả và bảo đảm quyền lợi kinh tế xứng đáng của tác giả trong việc khai thác tác phẩm của mình.
“Sáng tạo” đã mang ý nghĩa là một cái gì đó mới. Tất cả những gì mà ai cũng có thể làm được thì không thể mang đặc trưng riêng của người làm ra chúng. Chính đặc trưng riêng mang tính cá nhân này giúp ta phân biệt những tác phẩm được thiết kế một cách nghệ thuật với dáng vẻ các loại hàng hóa sản xuất đại trà phục vụ nhu cầu hàng ngày. Ở đây, cần lưu ý rằng đặc trưng cá nhân không đồng nghĩa với chất lượng cao, vì cả những sản phẩm tồi tệ cũng có thể-và nhiều khi chính là vì vậy- mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả.
Điều kiện tiên quyết để có đặc trưng cá nhân làm nên tác phẩm là sự xuất hiện “sân chơi” cho sự phát triển các thuộc tính cá nhân trong qúa trình hình thành tác phẩm. Trong các sản phẩm, thành tựu nghệ thuật đã trở thành tài sản chung thì không thể còn chỗ cho sự phát triển thuộc tính cá nhân như vậy nữa. Ở nơi mà sự thiết kế, trình bày một sự vật đã là hệ qủa hiển nhiên từ bản chất sự vật mà ra hay là kết qủa tất yếu của qui luật tự nhiên, thì ở đó cũng không thể tồn tại đặc trưng cá nhân của tác giả.
Bên cạnh tính chất là một sáng tạo tinh thần (định tính), đặc trưng cá nhân của tác gỉa có thể được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau (định lượng). Nó có thể mạnh đến mức mang dấu ấn nhân cách của tác giả. Nhưng mức độ đó là không cần thiết đối với một tác phẩm là đối tượng điều chỉnh của Luật quyền tác giả. Tác phẩm-trong phạm vi bảo hộ của Luật quyền tác giả- chỉ cần mang đặc trưng cá nhân ở mức tối thiểu.
Vậy làm thế nào để xác định các đặc trưng cá nhân của tác giả trong tác phẩm? Và các tiêu chí cụ thể để xác định mức độ đặc trưng cá nhân là gì? Trước hết, các yếu tố cấu thành đặc trưng cá nhân của tác phẩm phải được xem xét trong khuôn khổ các yếu tố cơ bản (như bố cục, phương pháp thể hiện vv... ) làm nên tác phẩm mang tính đặc thù cho mỗi thể loại tác phẩm. Các yếu tố này cần được xem xét, đánh giá riêng, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ấn tượng chung (có hay không có dấu ấn riêng của tác giả) do tác phẩm như một tổng thể thống nhất đem lại. Ngay cả khi mỗi một yếu tố chỉ thể hiện rất mờ nhạt dấu ấn riêng của tác giả, thì sự kết hợp chúng trong một tác phẩm cũng đem lại một dấu ấn riêng đủ mạnh để tác phẩm mang đặc trưng cá nhân của tác giả. Tiêu chí cụ thể để xác định mức độ đặc trưng cá nhân phải là tiêu chí quen thuộc, được tin cậy theo cách nhìn của những người liên quan trực tiếp đến qúa trình hình thành, giao dịch thể loại tác phẩm đang xét đến. Tiêu chí được áp dụng là tiêu chí ở vào thời điểm sáng tạo ra tác phẩm.
(5) Một số tiêu chí không quan trọng đối với quyền tác giả
- Tính mới của tác phẩm
Quyền tác giả không bảo hộ một sản phẩm mới, mà bảo hộ thành qủa sáng tạo cá nhân. Vì vậy tính mới khách quan của một tác phẩm không phải là điều kiện tiên quyết để tác giả của nó hưởng quyền tác giả. Tuy nhiên, để tác phẩm là thành qủa sáng tạo mang đặc trưng cá nhân, nó phải mang một cái gì đó mới của tác giả. Người ta gọi đó là tính mới chủ quan. Điều này không có nghĩa là mọi cái mới đối với tác giả cũng được bảo hộ. Tác giả một sản phẩm tinh thần hình thành từ việc sử dụng các thành qủa văn học nghệ thuật chung nào đó sẽ không được hưởng quyền tác giả dù cho anh ta-về mặt chủ quan- không biết đó là các thành qủa chung.
- Mục đích ý nghĩa của tác phẩm
Tác giả của một tác phẩm đương nhiên hưởng quyền tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo, không phụ thuộc vào mục đích, ý nghĩa của tác phẩm, không phục thuộc vào việc nó có thể được sử dụng kinh doanh hay nhằm một mục đích nào đó hay không.
Luật SHTT của VN vẫn chưa nêu được một định nghĩa đầy đủ về tác phẩm với các điều kiện pháp lý theo tiêu chuẩn tối thiểu của TRIPS, các qui định về quyền tác giả trong bộ luật SHTT mới được quốc hội thông qua chắc chắn sẽ làm nẩy sinh rất nhiều trở ngại khiến nó hầu như không thể áp dụng và phát huy tác dụng tích cực trong thực tiễn.