Phối hợp tại phiên tòa sơ thẩm và sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự giữa Viện kiểm sát các cấp được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Phối hợp tại phiên tòa sơ thẩm và sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự giữa Viện kiểm sát các cấp được quy định như thế nào?
Phối hợp tại phiên tòa sơ thẩm và sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự giữa Viện kiểm sát các cấp quy định tại Điều 9 Quyết định 314/QĐ-VKSTC năm 2018 về Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới trong việc giải quyết vụ án hình sự do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố, phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:
- Trường hợp Kiểm sát viên được biệt phái và Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới cùng tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm thì lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới quyết định phân công cụ thể trách nhiệm của mỗi Kiểm sát viên tại phiên tòa chủ yếu theo hướng sau:
+ Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu trách nhiệm kiểm sát thủ tục tố tụng tại phiên tòa; tham gia xét hỏi; thực hiện việc tranh luận;
+ Kiểm sát viên được biệt phái chịu trách nhiệm công bố Cáo trạng; tham gia xét hỏi, tranh luận;
+ Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới và Kiểm sát viên được biệt phải có trách nhiệm phối hợp theo sự phân công để bảo đảm các hoạt động xét hỏi, tranh luận được đầy đủ, toàn diện, làm rõ nội dung Cáo trạng và luận tội;
+ Tại phiên tòa, nếu có những chứng cứ, tài liệu, đồ vật mới có thể làm thay đổi quyết định truy tố của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên thì Kiểm sát viên được biệt phái và Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo hai đơn vị để thống nhất báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên xem xét, quyết định;
+ Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa, nếu phát sinh vấn đề vướng mắc, Kiểm sát viên được biệt phái chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới để thống nhất giải quyết kịp thời. Trường hợp cần thiết thì báo cáo lãnh đạo hai đơn vị để thống nhất cho ý kiến chỉ đạo giải quyết.
- Trường hợp chỉ có Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa thì Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới có trách nhiệm:
+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân;
+ Tại phiên tòa, nếu có những chứng cứ, tài liệu, đồ vật mới có thể làm thay đổi quyết định truy tố của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên thì Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa, báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp mình để thống nhất với lãnh đạo đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên xem xét, quyết định.
- Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới phải báo cáo kết quả xét xử, đề xuất việc kháng nghị, kiến nghị (nếu có) đến lãnh đạo cấp mình để báo cáo lãnh đạo đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp trên cho ý kiến chỉ đạo. Trường hợp được biệt phái, Kiểm sát viên của đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra phải báo cáo kết quả xét xử đến lãnh đạo đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp trên.