Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý ngân sách nhà nước

Trước khi Luật ngân sách nhà nước hiện nay có hiệu lực thì nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý ngân sách nhà nước được quy định như thế nào và quy định ở đâu?

Nội dung chính

    Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý ngân sách nhà nước

    Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 20 Luật Ngân sách Nhà nước 2002 như sau:

    1. Trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác về lĩnh vực tài chính - ngân sách; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài chính - ngân sách theo thẩm quyền;

    2. Lập và trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm; dự toán điều chỉnh ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết;

    3. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 15 của Luật này; nhiệm vụ thu, chi và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại các điểm a, b khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 15 của Luật này; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, giao tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương đối với các khoản thu phân chia theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật này; quy định nguyên tắc bố trí và chỉ đạo thực hiện dự toán ngân sách địa phương đối với một số lĩnh vực chi được Quốc hội quyết định;

    4. Thống nhất quản lý ngân sách nhà nước, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong việc thực hiện ngân sách nhà nước;

    5. Tổ chức và điều hành thực hiện ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định, kiểm tra việc thực hiện ngân sách nhà nước, báo cáo Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, các dự án và công trình quan trọng quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác;

    6. Quyết định việc sử dụng dự phòng ngân sách; quy định việc sử dụng quỹ dự trữ tài chính và các nguồn dự trữ tài chính khác của Nhà nước theo quy định của Luật này;

    7. Quy định hoặc phân cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định các định mức phân bổ và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước để làm căn cứ xây dựng, phân bổ và quản lý ngân sách nhà nước thực hiện thống nhất trong cả nước; đối với những định mức phân bổ và chế độ chi ngân sách quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản trước khi ban hành;

    8. Kiểm tra nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực tài chính - ngân sách; trường hợp nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên thì Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thực hiện và đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ;

    9. Lập và trình Quốc hội quyết toán ngân sách nhà nước, quyết toán các dự án và công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định;

    10. Ban hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

    Trên đây là nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý ngân sách nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Luật Ngân sách Nhà nước 2002.

    Trân trọng!

    6