Mua bán trâu không có giấy tờ, có thể áp dụng tập quán để phân xử được không?

Ông A Chảy nguyên là chủ sở hữu của một con trâu đực đã yêu cầu ông A Thòong đang chiếm hữu con trâu đó có nghĩa vụ giao trả ông A Chảy con trâu đã mượn. Ông A Thòong không đáp ứng yêu cầu của ông A Chảy với lý do là ông A Chảy đã bán con trâu đó cho ông 12 tháng rồi. Tuy nhiên, không có một bằng chứng nào về việc ông A Chảy và ông A Thòong đã giao kết hợp đồng mua bán trâu. Xin hỏi, trường hợp này sẽ phải phân xử ra sao để phù hợp với quy định của pháp luật?

Nội dung chính

    Mua bán trâu không có giấy tờ, có thể áp dụng tập quán để phân xử được không?

    Tranh chấp này không thể giải quyết bằng pháp luật vì không có bất kỳ một căn cứ nào để xác định là ông A Chảy đã bán trâu cho ông A Thòong, nhưng nếu dựa vào tập quán thì tranh chấp này sẽ được giải quyết không mấy khó khăn.

    Căn cứ Điều 5 Bộ luật dân sự 2015 về áp dụng tập quán như sau:

    (1) Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

    (2) Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015

    Về tập quán: Đồng bào dân tộc H’Mông (Lai Châu) có phong tục mượn gia súc như trâu, bò để canh tác (cày ruộng). Mỗi khi mượn trâu bò, người mượn phải mang một chai rượu ngô hoặc rượu gạo và một chút thức ăn thường ngày đến để cùng uống rượu với chủ sở hữu gia súc với ý nghĩa là hàm ơn và là một nghi thức của tập quán.

    Theo tập quán thì ông A Thòong không có nghĩa vụ phải trả lại trâu cho ông A Chảy, vì ông A Thòong không phải thực hiện nghi thức là mang rượu và thức ăn đến nhà ông A Chảy để cùng uống và mượn trâu, cho nên việc ông A Thòong mượn trâu của ông A Chảy là không có, mà sự thật là ông A Thòong đã mua trâu của ông A Chảy. Hơn nữa, đồng bào dân tộc H’Mông không có lệ mượn trâu trong thời hạn dài như vậy, mà nếu không thoả thuận về thời hạn mượn thì bên mượn trâu có nghĩa vụ trả lại trâu sau khi mục đích mượn đã đạt được - là cày ruộng xong. Nếu ông A Chảy cho ông A Thòong mượn trâu thì ông A Chảy không thể không yêu cầu ông A Thòong trả lại trâu sau khi đã cày xong nương rẫy, không thể để cho ông A Thòong sử dụng sức kéo của trâu lâu như vậy và thời vụ cũng đã qua đi rồi.

    Áp dụng tập quán thì rõ ràng, ông A Thòong không mượn trâu của ông A Chảy vì không có việc ông A Thòong mang rượu và đồ ăn đến nhà ông A Chảy để uống và mượn trâu. Sự kiện này chứng tỏ rằng ông A Thòong đã mua con trâu của ông A Chảy, và ông A Thòong không có nghĩa vụ trả lại trâu cho ông A Chảy, vì ông A Thòong đã là chủ sở hữu của con trâu mua được từ ông A Chảy cách thời điểm tranh chấp 12 tháng.

    3