Hồ sơ miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ như thế nào?
Nội dung chính
Kiểm tra sự đầy đủ, hợp lệ hồ sơ miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như thế nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Mục 2 Chương I Quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 3394/QĐ-TCHQ năm 2021 quy định về kiểm tra sự đầy đủ, hợp lệ hồ sơ miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
Công chức xử lý hồ sơ thực hiện việc kiểm tra hồ sơ miễn thuế như sau:
1. Kiểm tra sự đầy đủ, hợp lệKiểm tra các chứng từ trong hồ sơ miễn thuế theo quy định Điều 5, Điều 7, từ Điều 8 đến Điều 19, Điều 21 đến Điều 28, Điều 29, Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP), khoản 1 Điều 14 Thông tư số 06/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:
a) Kiểm tra sự đầy đủ của các loại giấy tờ trong hồ sơ miễn thuế;
b) Kiểm tra sự hợp lệ của các chứng từ bản chính, bản chụp.
Như vậy, kiểm tra sự đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ miễn thuế như sau:
- Kiểm tra sự đầy đủ của các loại giấy tờ trong hồ sơ miễn thuế;
- Kiểm tra sự hợp lệ của các chứng từ bản chính, bản chụp.
Hồ sơ miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ như thế nào? (Hình từ Internet)
Kiểm tra chi tiết hồ sơ miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như thế nào?
Tại Khoản 2 Điều 7 Mục 2 Chương I Quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 3394/QĐ-TCHQ năm 2021 quy định về kiểm tra chi tiết hồ sơ miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
2. Kiểm tra chi tiết hồ sơ
a) Kiểm tra hồ sơ miễn thuế (áp dụng chung cho các đối tượng miễn thuế)
a.1) Kiểm tra thông tin người xuất khẩu, nhập khẩu: Tên, địa chỉ, mã số thuế, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp (nếu cần thiết);
a.2) Kiểm tra thông tin về hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu, hợp đồng ủy thác, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng chế tạo, hợp đồng trúng thầu...;
a.3) Kiểm tra thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế: Tên hàng, số lượng, đơn vị tính, quy cách, chủng loại, ký mã hiệu, mã số, xuất xứ, đơn giá, tổng trị giá, mã miễn thuế, sổ định mức miễn thuế, số tiền thuế miễn;
a.4) Kiểm tra chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chứng từ nộp tiền đặt cọc đối với trường hợp hàng hóa kinh doanh theo loại hình tạm nhập tái xuất;
a.5) Kiểm tra văn bản chỉ định giao hàng hóa tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, thông tin tờ khai hải quan của sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu đối với trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định tại Điều 10, Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP;
a.6) Kiểm tra thông tin trong hồ sơ miễn thuế với Danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Danh mục hoặc tiêu chí để xác định hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của các Bộ, ngành có liên quan, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, các Bộ quản lý có liên quan;
a.7) Kiểm tra văn bản của cơ quan chủ quản cấp trên về việc cho phép tiếp nhận quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cơ quan, tổ chức Việt Nam và văn bản chứng minh tổ chức được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động đối với quà biếu, quà tặng cho cơ quan, tổ chức được nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, khoản 20 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP;
a.8) Kiểm tra giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe 02 bánh gắn máy, các chứng từ tài liệu có liên quan (nếu có) đối với hàng hóa là ô tô, xe 02 bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 19/2014/TT-BTC ngày 11/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng xe ô tô, xe 02 bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 27/2021/TT-BTC ngày 19/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2014/TT-BTC ngày 11/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng xe ô tô, xe 02 bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam;
a.9) Kiểm tra Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc miễn thuế đối với tài sản di chuyển vượt định mức miễn thuế đối với trường hợp tài sản di chuyển vượt định mức miễn thuế của cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP;
a.10) Kiểm tra Giấy chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới hoặc thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh khác được cấp theo quy định của pháp luật;
a.11) Kiểm tra các chứng từ, tài liệu khác có liên quan theo quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế.
b) Trường hợp phải thông báo Danh mục miễn thuế, ngoài các nội dung tại điểm a khoản này, công chức xử lý hồ sơ kiểm tra theo các nội dung sau:
b.1) Kiểm tra thông tin hàng hóa trên tờ khai với hàng hóa trên Danh mục miễn thuế, số thứ tự dòng hàng trên Danh mục miễn thuế, thời hạn nhập khẩu trên Danh mục miễn thuế;
b.2) Kiểm tra các thông tin cơ quan hải quan nơi tiếp nhận Danh mục miễn thuế đã ghi chú trên Danh mục miễn thuế;
b.3) Kiểm tra thông tin trong hồ sơ miễn thuế với các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế.
Như vậy, việc kiểm tra chi tiết hồ sơ miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo quy định trên.
Đối chiếu hồ sơ miễn thuế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với các thông tin khác có liên quan ra sao?
Theo Khoản 3 Điều 7 Mục 2 Chương I Quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 3394/QĐ-TCHQ năm 2021 quy định về đối chiếu hồ sơ miễn thuế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với các thông tin khác có liên quan như sau:
3. Đối chiếu với các thông tin khác có liên quan
a) Thông tin về cơ sở sản xuất, cơ sở gia công lại, cơ sở lưu giữ hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thông tin kết quả kiểm tra về cơ sở sản xuất, cơ sở gia công lại, cơ sở lưu giữ hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan;
b) Thông tin hợp đồng gia công, hợp đồng gia công lại, phụ lục hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng gia công lại đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công;
c) Các dữ liệu điện tử trên Hệ thống của cơ quan hải quan; các tài liệu, dữ liệu khác có liên quan do cơ quan hải quan lưu trữ hoặc thu thập được (nếu có).
Như vậy, việc đối chiều hồ sơ miễn thuế hàng hóa xuất nhập khẩu với các thông tin khác như sau:
- Thông tin về cơ sở sản xuất, cơ sở gia công lại, cơ sở lưu giữ hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thông tin kết quả kiểm tra về cơ sở sản xuất, cơ sở gia công lại, cơ sở lưu giữ hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan;
- Thông tin hợp đồng gia công, hợp đồng gia công lại, phụ lục hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng gia công lại đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công;
- Các dữ liệu điện tử trên Hệ thống của cơ quan hải quan; các tài liệu, dữ liệu khác có liên quan do cơ quan hải quan lưu trữ hoặc thu thập được (nếu có).