Hộ gia đình có được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng không?
Nội dung chính
Hộ gia đình có được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 16 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định:
Giao rừng
...
2. Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng sau đây:
a) Ban quản lý rừng phòng hộ, đơn vị vũ trang đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển;
b) Tổ chức kinh tế đối với rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó;
c) Hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển;
d) Cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư đó.
...
Như vậy, hộ gia đình cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có thể được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng.
Hộ gia đình có được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng không? (Ảnh từ internet)
Nghĩa vụ của hộ gia đình được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 81 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định:
Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ
…
2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.
Dẫn chiếu đến Điều 74 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định:
Nghĩa vụ chung của chủ rừng
1. Quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng.
3. Trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi rừng theo quy định của Luật này.
4. Bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng.
5. Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.
6. Chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
Như vậy, hộ gia đình được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng có những nghĩa vụ sau:
- Quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng.
- Trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi rừng theo quy định của Luật này.
- Bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng.
- Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.
- Chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Hộ gia đình được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng có những quyền nào?
Căn cứ Điều 73 và khoản 1 Điều 81 Luật Lâm nghiệp 2017 thì hộ gia đình được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng có những quyền sau:
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật.
- Được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
- Sử dụng rừng phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng và thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng rừng.
- Được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.
- Được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư.
- Được Nhà nước bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng.
- Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với chủ rừng phát triển rừng sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai.
- Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng.
- Được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác.
- Được Nhà nước bảo đảm kinh phí bảo vệ và phát triển rừng.
- Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước.
- Được chuyển đổi diện tích rừng được giao cho hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã, phường, thị trấn; cá nhân được để lại quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.
Việc phát triển rừng phòng hộ được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 47 Luật Lâm nghiệp 2017 thì việc phát triển rừng phòng hộ được quy định như thế nào?
(1) Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng, duy trì và hình thành cấu trúc rừng bảo đảm chức năng phòng hộ.
(2) Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư, thực hiện các hoạt động sau đây:
- Bảo vệ, kết hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên với làm giàu rừng;
- Trồng rừng ở nơi đất trống, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng; trồng hỗn giao nhiều loài cây bản địa, loài cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ.
(3) Đối với rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, thực hiện các hoạt động sau đây:
- Thiết lập đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng vùng;
- Áp dụng biện pháp trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; được trồng bổ sung tại những nơi chưa đủ tiêu chí thành rừng.