Ghi nợ tiền sử dụng đất khi được giao đất tái định cư được áp dụng với những đối tượng nào?

Trình tự, thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân tiến hành ra sao? Trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất thực hiện thế nào?

Nội dung chính

    Ghi nợ tiền sử dụng đất khi được giao đất tái định cư được áp dụng với những đối tượng nào?

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai 2024 thì:

    Bố trí tái định cư
    ...
    3. Giá đất tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư đối với người được bồi thường về đất ở, người được giao đất ở tái định cư trong trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất ở là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp chưa có giá đất trong bảng giá đất thì phải bổ sung bảng giá đất để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho người được bố trí tái định cư. Người được bố trí tái định cư được ghi nợ nghĩa vụ tài chính về đất đai nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ.
    Giá bán nhà ở tái định cư trong địa bàn cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Trường hợp bố trí nhà ở tái định cư tại đơn vị hành chính cấp huyện khác thì giá bán nhà ở tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

    Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 88/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Ghi nợ tiền sử dụng đất khi được giao đất tái định cư
    1. Đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất quy định tại khoản 3 Điều 111 của Luật Đất đai là người được bố trí tái định cư mà tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất phải nộp khi được giao đất tái định cư, nếu có nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất và cam kết thực hiện bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.

    Theo đó, đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất quy định là người được bố trí tái định cư mà tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất phải nộp khi được giao đất tái định cư, nếu có nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất và cam kết thực hiện bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.

    Ghi nợ tiền sử dụng đất khi được giao đất tái định cư được áp dụng với những đối tượng nào? (hình ảnh từ internet)

    Trình tự, thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân được tiến hành ra sao?

    Tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP có đề cập đến 02 trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất như sau:

    (1) Đối với trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất của người được bố trí tái định cư quy định tại khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai, người sử dụng đất có nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất nộp Đơn đề nghị ghi nợ tiền sử dụng đất và giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất cùng với hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật (trong đó bao gồm: Quyết định giao đất tái định cư và Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt) tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông.

    (2) Đối với trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất không thuộc quy định trên, người sử dụng đất thực hiện trình tự thủ tục về ghi nợ (nếu có) theo quy định tại Nghị định về cấp giấy chứng nhận.

    Theo đó, trình tự, thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân được thực hiện như sau:

    Bước 1: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông rà soát, kiểm tra hồ sơ của người được ghi nợ quy định tại điểm a, điểm b khoản này và lập Phiếu chuyển thông tin gửi đến cơ quan thuế và các cơ quan liên quan theo quy định; trong đó tại Phiếu chuyển thông tin phải có nội dung về đối tượng được ghi nợ, thời hạn sử dụng đất được ghi nợ theo quy định; đồng thời trả Giấy hẹn cho người được ghi nợ theo quy định.

    Bước 2: Căn cứ Phiếu chuyển thông tin do Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông chuyển đến, cơ quan thuế tính và ban hành Thông báo theo quy định để gửi đến hộ gia đình, cá nhân, Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và cơ quan liên quan (nếu cần) trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành thông báo. Tại Thông báo phải bao gồm các nội dung:

    - Tổng số tiền sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân phải nộp.

    - Số tiền sử dụng đất được ghi nợ.

    - Số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (nếu có).

    - Thời hạn hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền; gồm:

    - Thời hạn nộp số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (nếu có) theo thời hạn quy định của pháp luật về quản lý thuế;

    Thời hạn nộp số tiền sử dụng đất được ghi nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP.

    Bước 3: Căn cứ Thông báo của cơ quan thuế, hộ gia đình, cá nhân nộp số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế và nộp chứng từ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông để được cấp Giấy chứng nhận.

    Bước 4: Cơ quan thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất theo Thông báo của cơ quan thuế và cung cấp chứng từ cho hộ gia đình, cá nhân; đồng thời chuyển thông tin về số tiền thu được của hộ gia đình, cá nhân đến các cơ quan liên quan theo quy định.

    Bước 5: Căn cứ chứng từ mà hộ gia đình, cá nhân nộp, Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông trả Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định; trong đó tại Giấy chứng nhận có nội dung về số tiền sử dụng đất ghi nợ và thời hạn ghi nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP.

    Trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ thực hiện như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ thực hiện

    (1) Căn cứ thời hạn ghi nợ theo quy định tại Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Nghị định về cấp giấy chứng nhận, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thanh toán nợ tiền sử dụng đất bằng cách nộp một lần tiền sử dụng đất còn nợ vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

    Cơ quan thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất còn nợ theo số nợ ghi trên Giấy chứng nhận hoặc Thông báo của cơ quan thuế và cung cấp chứng từ cho hộ gia đình, cá nhân; đồng thời chuyển thông tin về số tiền thu được của hộ gia đình, cá nhân đến các cơ quan liên quan theo quy định.

    Cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về thu tiền sử dụng đất thực hiện theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 103/2024/NĐ-CP.

    (2) Sau khi hoàn thành việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất quy định tại điểm a khoản này thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ gồm: Giấy chứng nhận (bản gốc), chứng từ nộp tiền sử dụng đất (bản gốc) hoặc Thông báo về việc xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về thu tiền sử dụng đất (bản gốc) tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông để được xóa nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận. Trường hợp bị mất, thất lạc chứng từ thì hộ gia đình, cá nhân đến cơ quan thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để được xác nhận số tiền sử dụng đất đã nộp.

    (3) Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc bộ phận một cửa liên thông có trách nhiệm rà soát, đối chiếu hồ sơ mà hộ gia đình, cá nhân nộp để thực hiện xóa nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận và trả lại Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại điểm b khoản khoản 3 Điều 22 Nghị định 103/2024/NĐ-CP.

    30