Đô thị trung tâm chuyên ngành cấp quốc gia, cấp vùng được định hướng tổ chức không gian như thế nào?
Nội dung chính
Đô thị trung tâm chuyên ngành cấp quốc gia, cấp vùng được định hướng tổ chức không gian như thế nào?
Ngày 22/08/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024 về phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 1 Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, đô thị trung tâm chuyên ngành cấp quốc gia, cấp vùng được định hướng tổ chức không gian như sau:
Phát huy tiềm năng, lợi thế nổi trội về địa chính trị, kinh tế, văn hóa, cảnh quan môi trường... của mỗi vùng miền; phát triển các đô thị là trung tâm chuyên ngành cấp quốc gia, cấp vùng có vai trò và chức năng chủ yếu về một hoặc nhiều lĩnh vực như: kinh tế tài chính; cảng - dịch vụ logistic; công nghiệp, đổi mới sáng tạo; tri thức, đào tạo, khoa học công nghệ, du lịch, di tích lịch sử, di sản văn hóa, thể thao. Trong đó:
- Đô thị trung tâm tài chính cấp quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh; đô thị trung tâm tài chính cấp vùng tại các thành phố trực thuộc trung ương.
- Đô thị trung tâm cảng - dịch vụ logistic cấp quốc gia tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh; đô thị trung tâm cảng - dịch vụ logistic cấp vùng tại Đà Nẵng, Vân Phong và các đô thị có cảng biển loại I; đô thị trung tâm sân bay - dịch vụ logistics tại Long Thành (Thành phố Hồ Chí Minh), Nhật Tân - Nội Bài (Thủ đô Hà Nội), Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa)...
- Đô thị trung tâm công nghiệp, đổi mới sáng tạo cấp quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương; đô thị trung tâm công nghiệp cấp vùng tại các đô thị có tiềm năng phát triển công nghiệp công nghệ cao, trong vùng kinh tế trọng điểm.
- Đô thị trung tâm tri thức, đào tạo, khoa học công nghệ cấp quốc gia tại Hòa Lạc, Thủ Đức; đô thị trung tâm tri thức, đào tạo, khoa học công nghệ cấp vùng tại các thành phố trực thuộc trung ương hoặc đô thị trung tâm vùng khác.
- Đô thị trung tâm du lịch quốc gia: Tại các thành phố Đà Nẵng, Hạ Long, Ninh Bình, Điện Biên Phủ, Sa Pa, Phong Nha, Lý Sơn, Hội An, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo; tại các đô thị trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng có tiềm năng du lịch và cơ sở hạ tầng du lịch phát triển.
- Đô thị Thừa Thiên Huế, đô thị Ninh Bình, Hội An là trung tâm văn hóa di sản.
- Đô thị trung tâm văn hóa, thể thao quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Đô thị trung tâm chuyên ngành cấp quốc gia, cấp vùng được định hướng tổ chức không gian như thế nào? (Hình từ Internet)
Vùng nông thôn được định hướng phát triển như thế nào trong tương lai?
Căn cứ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 1 Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, vùng nông thôn được định hướng phát triển như sau:
Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa; có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và tổ chức sản xuất hợp lý, tạo sinh kế bền vững cho người dân thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xã hội nông thôn ổn định, dân trí được nâng cao; an ninh, trật tự được bảo đảm. Cụ thể:
- Phân bố tổ chức khu dân cư nông thôn cấp huyện, xã phù hợp với đặc trưng vùng miền và tiến trình đô thị hóa; trọng tâm an ninh lương thực đồng thời gắn với quá trình công nghiệp hóa; xã hội nông thôn ổn định, dân trí được nâng cao; an ninh, trật tự được bảo đảm;
- Bảo tồn và phát triển khu dân cư nông thôn truyền thống, bảo vệ các khu vực nông thôn có giá trị đặc trưng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;
- Chủ động di dời, bảo vệ khu dân cư nông thôn nguy cơ thiên tai; bố trí, sắp xếp lại các điểm dân cư đối với khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, sạt lở;
- Thúc đẩy đô thị hóa nông thôn, kiểm soát hiệu quả quá trình đô thị hóa lan tỏa, phát triển nông nghiệp đô thị, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nâng cấp, hiện đại hóa khu dân cư nông thôn có đủ điều kiện lên đô thị nhằm tăng cường dịch vụ chất lượng cao ở nông thôn;
- Phát triển bền vững khu dân cư nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số và miền núi: Thúc đẩy liên kết đô thị - nông thôn, nông thôn - nông thôn; rút ngắn khoảng cách về phát triển và mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với trung bình cả nước;
- Xây dựng khu dân cư nông thôn gắn với vùng sinh thái nông nghiệp: Xây dựng các mô hình phân bố dân cư nông thôn phù hợp với từng vùng sinh thái tự nhiên, sinh thái nông nghiệp và đặc điểm dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội.
Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm những đối tượng nào?
Điều 36 Luật Quy hoạchđô thị 2009 quy định:
Đối tượng của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị
Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị được lập cho các đối tượng sau đây:
1. Giao thông đô thị;
2. Cao độ nền và thoát nước mặt đô thị;
3. Cấp nước đô thị;
4. Thoát nước thải đô thị;
5. Cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị;
6. Thông tin liên lạc;
7. Nghĩa trang và xử lý chất thải rắn.
Như vậy, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm 07 nhóm đối tượng nêu trên.