Đất tín ngưỡng là gì? Phân biệt đất tín ngưỡng với đất tôn giáo theo quy định hiện hành như thế nào?

Đất tín ngưỡng là gì? Phân biệt đất tín ngưỡng với đất tôn giáo theo quy định hiện hành như thế nào? Việc xác định loại đất dựa trên căn cứ nào?

Nội dung chính

    Đất tín ngưỡng là gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 212 Luật Đất đai 2024 quy định đất tín ngưỡng như sau:

    Đất tín ngưỡng:
    1. Đất tín ngưỡng là đất có công trình tín ngưỡng bao gồm đình, đền, miếu, am, nhà thờ họ; chùa không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 213 của Luật này; các công trình tín ngưỡng khác.
    2. Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
    3. Việc sử dụng đất tín ngưỡng kết hợp với thương mại, dịch vụ phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 218 của Luật này.

    Theo đó, đất tín ngưỡng là loại đất được sử dụng để xây dựng các công trình tín ngưỡng như đình, đền, miếu, am, nhà thờ họ và các công trình tương tự khác. Ngoài ra, đất này còn bao gồm chùa, nhưng không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 213 của Luật Đất đai 2024. Các công trình tín ngưỡng này thường là nơi thực hiện các hoạt động tâm linh và tôn giáo của cộng đồng.

    Đất tín ngưỡng là gì? Phân biệt đất tín ngưỡng với Đất tôn giáo theo quy định hiện hành như thế nào?

    Đất tín ngưỡng là gì? Phân biệt đất tín ngưỡng với Đất tôn giáo theo quy định hiện hành như thế nào? (Hình từ Internet)

    Phân biệt đất tín ngưỡng với đất tôn giáo theo quy định hiện hành như thế nào?

    Theo đó cần hiểu được Đất tôn giáo được quy định như thế nào. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 213 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Đất tôn giáo:
    1. Đất tôn giáo bao gồm đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và công trình tôn giáo hợp pháp khác.
    ...

    Theo đó, đất tôn giáo là loại đất được dành để xây dựng các cơ sở tôn giáo, bao gồm trụ sở của tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trực thuộc, cũng như các công trình tôn giáo hợp pháp khác. Loại đất này chủ yếu phục vụ cho các hoạt động tôn giáo và tâm linh của cộng đồng, bảo đảm các nhu cầu và hoạt động liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo.

    Phân biệt Đất tín ngưỡng với Đất tôn giáo theo quy định hiện hành như sau:

    Về điểm giống nhau:

    - Đều thuộc nhóm đất phi nông nghiệp (khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024)

    - Đất tín ngưỡng và Đất tôn giáo quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 171 Luật Đất đai 2024 đều là đất sử dụng ổn định lâu dài.

    - Được sử dụng kết hợp đa mục đích (điểm e khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024), cụ thể:

    + Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất tôn giáo, đất tín ngưỡng chưa giao quản lý, sử dụng (khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai 2024)

    Về điểm khác nhau:

    (1) Định nghĩa:

    - Đất tín ngưỡng: Là đất có công trình tín ngưỡng bao gồm đình, đền, miếu, am, nhà thờ họ; chùa không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 213 Luật Đất đai 2024; và các công trình tín ngưỡng khác. (Điều 212 Luật Đất đai 2024)

    - Đất tôn giáo: Là đất dùng để xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trực thuộc và các công trình tôn giáo hợp pháp khác. (Điều 213 Luật Đất đai 2024)

    (2) Chế độ sử dụng đất:

    - Đất tín ngưỡng:

    + Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. (Điều 212 Luật Đất đai 2024)

    - Đất tôn giáo:

    + Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

    + Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 213 Luật Đất đai 2024.

    + Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quy định hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

    + Trường hợp Nhà nước thu hồi đất tôn giáo, thì được bố trí địa điểm mới phù hợp với quỹ đất của địa phương và sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ. (Điều 213 Luật Đất đai 2024)

    Đất tín ngưỡng và đất tôn giáo đều thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, nhưng phục vụ các mục đích khác nhau. Đất tín ngưỡng chủ yếu dành cho các công trình tín ngưỡng như đình, đền, miếu, trong khi đất tôn giáo được sử dụng cho các cơ sở và tổ chức tôn giáo. Chế độ sử dụng đất tín ngưỡng yêu cầu tuân thủ quy hoạch và kế hoạch đã được phê duyệt, trong khi đất tôn giáo có quy định chi tiết về việc giao, cho thuê và bồi thường khi thu hồi đất. Cả hai loại đất đều có thể kết hợp với các hoạt động thương mại và dịch vụ, nhưng việc quản lý và sử dụng đất tôn giáo được giám sát chặt chẽ hơn, bảo đảm việc thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định pháp luật.

    Việc xác định loại đất dựa trên căn cứ nào?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2024 có nêu về xác định loại đất như sau:

    Theo đó, việc xác định loại đất dựa trên một trong các căn cứ sau đây:

    (1) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

    (2) Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quy định tại điểm a khoản này;

    (3) Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quy định tại điểm a khoản này.

    Lưu ý: Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2024 và trường hợp loại đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất theo quy định của Luật này hoặc khác với hiện trạng sử dụng đất thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ

     

    13