Công trình xây dựng tạm có được miễn giấy phép xây dựng không? Có bao nhiêu loại giấy phép xây dựng?
Nội dung chính
Công trình xây dựng tạm là gì?
Căn cứ Điều 131 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 49 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì công trình xây dựng tạm là công trình được xây dựng có thời hạn phục vụ các mục đích sau:
- Thi công xây dựng công trình chính;
- Sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định như sau: công trình này phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm.
Bên cạnh đó, Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm. Trường hợp công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương để theo dõi và kiểm tra theo quy định.
Công trình xây dựng tạm phải được phá dỡ khi đưa công trình chính của dự án đầu tư xây dựng vào khai thác sử dụng hoặc khi hết thời gian tồn tại của công trình. Chủ đầu tư được đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận việc tiếp tục khai thác sử dụng công trình xây dựng tạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 131 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Khoản 49 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 nếu công trình phù hợp với quy hoạch; bảo đảm các yêu cầu về an toàn chịu lực, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.
Công trình xây dựng tạm có được miễn giấy phép xây dựng không? Có bao nhiêu loại giấy phép xây dựng? (Hình từ Internet)
Công trình xây dựng tạm có được miễn giấy phép xây dựng không?
Theo quy định tại Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, như sau:
Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng
1. Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
a) Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
b) Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng;
c) Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này;
d) Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
Như vây, công trình xây dựng tạm theo quy định của pháp luật sẽ được miễn giấy phép xây dựng theo quy định trên.
Có bao nhiêu loại giấy phép xây dựng?
Căn cứ Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì có 04 loại giấy phép xây dựng, bao gồm:
- Giấy phép xây dựng mới;
- Giấy phép sửa chữa, cải tạo;
- Giấy phép di dời công trình;
- Giấy phép xây dựng có thời hạn.
Trong đó, theo Điều 90 Luật Xây dựng 2014 thì giấy phép xây dựng có những nội dung chính như sau:
- Tên công trình thuộc dự án.
- Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.
- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.
- Loại, cấp công trình xây dựng.
- Cốt xây dựng công trình.
- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
- Mật độ xây dựng (nếu có).
- Hệ số sử dụng đất (nếu có).
- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 90 Luật Xây dựng 2014 còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.
- Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm như thế nào?
Căn cứ Điều 104 Luật Xây dựng 2014 thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm như sau:
- Niêm yết công khai và giải thích, hướng dẫn các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng.
- Theo dõi, trả kết quả hoặc thông báo cho chủ đầu tư về hồ sơ chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng.
- Cấp giấy phép xây dựng theo quy trình và trong thời hạn theo quy định tại Điều 102 Luật Xây dựng 2014.
- Chủ trì và phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo giấy phép xây dựng; đình chỉ xây dựng, thu hồi giấy phép xây dựng theo thẩm quyền khi chủ đầu tư xây dựng công trình vi phạm nghiêm trọng.
- Người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm theo quy định của pháp luật.