Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Có phải khởi công ngay khi được cấp Giấy phép xây dựng không?

Có phải khởi công ngay khi được cấp Giấy phép xây dựng không? Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị là gì?

Nội dung chính

    Có phải khởi công ngay khi được cấp Giấy phép xây dựng không?

    Căn cứ khoản 10 Điều 90 Luật Xây dựng 2014 quy định:

    Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng
    ...
    9. Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.
    10. Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.

    Như vậy, theo quy định thì không nhất thiết phải khởi công xây dựng ngay khi được cấp Giấy phép xây dựng mà có thể khởi công trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép.

    Có phải khởi công ngay khi được cấp Giấy phép xây dựng không?Có phải khởi công ngay khi được cấp Giấy phép xây dựng không? (Ảnh từ Internet)

    Nhà cấp 4 ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng thì khi khởi công có phải thông báo cho cơ quan nhà nước không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định:

    Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng
    1. Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
    2. Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
    ...
    i) Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;
    k) Chủ đầu tư xây dựng công trình quy định tại các điểm b, e, g, h và i khoản này, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.
    ...

    Như vậy, nhà cấp 4 ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng thì khi khởi công vẫn phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương về thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định.

    Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị là gì?

    Căn cứ Điều 91 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 31 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định:

    Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị
    1. Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
    2. Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
    3. Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.
    4. Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật này.
    5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng phù hợp với từng loại giấy phép theo quy định tại các điều 95, 96 và 97 của Luật này.

    Như vậy, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị là:

    - Phù hợp quy hoạch chi tiết:

    Công trình phải tuân theo quy hoạch chi tiết xây dựng của khu vực, do cơ quan nhà nước phê duyệt.

    Nếu công trình nằm ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị cụ thể, thì phải tuân thủ quy chế quản lý kiến trúc của khu vực đó. Điều này giúp bảo đảm công trình hài hòa với kiến trúc và cảnh quan chung của đô thị.

    - Phù hợp mục đích sử dụng đất:

    Công trình phải được xây dựng đúng với mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, chẳng hạn như đất ở, đất công nghiệp, thương mại. Quy định này nhằm đảm bảo rằng các công trình xây dựng không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất đã được quy hoạch trước.

    - An toàn và bảo vệ môi trường:

    Công trình phải đảm bảo an toàn cho chính nó, các công trình xung quanh và đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.

    Phải bảo vệ môi trường và an toàn cho các cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đê điều, đường giao thông, khu di sản, di tích lịch sử.

    Đồng thời, công trình phải giữ khoảng cách an toàn với các công trình dễ cháy, nổ hoặc các công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh. Điều này nhằm hạn chế rủi ro và bảo đảm an toàn cho khu vực.

    - Thiết kế được thẩm định và phê duyệt:

    Bản thiết kế xây dựng của công trình phải được kiểm tra, thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính an toàn kỹ thuật và phù hợp tiêu chuẩn xây dựng. Việc này giúp chắc chắn rằng công trình được thiết kế hợp lý, an toàn và bền vững.

    - Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng phù hợp

    Để xin cấp Giấy phép xây dựng, hồ sơ phải được chuẩn bị đúng và đầy đủ theo quy định, tùy vào loại công trình với từng loại giấy phép theo quy định tại các điều 95, 96 và 97 Luật Xây dựng 2014.

    3