Có được sử dụng dấu chữ ký ký vào hồ sơ dự thầu không?

Có được sử dụng dấu chữ ký ký vào hồ sơ dự thầu không? Tôi muốn hỏi về hồ sơ dự thầu: Tôi đang chấm hồ sơ dự thầu mà nhà thầu toàn dùng dấu chữ ký. Vậy tôi muốn hỏi nhà thầu có được đóng dấu chữ ký không? Hay giám đốc phải ký chữ ký?

Nội dung chính

    Có được sử dụng dấu chữ ký ký vào hồ sơ dự thầu không?

    - Điểm 2.2 Khoản 2 Mục III Thông tư liên tịch 07/2002/TTLT-BCA-BTCCBCP quy định như sau:

    “2.2. Con dấu chỉ được đóng lên các văn bản, giấy tờ sau khi các văn bản, giấy tờ đó đã có chữ ký của cấp có thẩm quyền gồm: cấp trưởng, cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp được uỷ quyền của cơ quan, tổ chức đó; không được đóng dấu vào văn bản, giấy tờ không có nội dung, đóng dấu trước khi ký”.

    - Điểm c Khoản 2 Điều 25 Nghị định 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư quy định về quản lý và sử dụng con dấu như sau: “Chỉ được đóng dấu vào những văn bản, giấy tờ sau khi đã có chữ ký của người có thẩm quyền”.

    - Khoản 2 Điều 26 Nghị định 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư quy định về việc đóng dấu như sau: “Khi đóng dấu lên chữ ký thì dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái”.

    - Đồng thời, tại Điểm b Khoản 2 Điều 18 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định hồ sơ dự thầu của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ phải có điều kiện như sau: “Có đơn dự thầu được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; thời gian thực hiện gói thầu nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật; giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic với tổng giá dự thầu ghi trong biểu giá tổng hợp, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh”.

    Như vậy, đối với trường hợp của bạn nếu như căn cứ vào Thông tư liên tịch 07/2002/TTLT-BCA-BTCCBCP, Nghị định 110/2004/NĐ-CP và Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì phải có chữ ký trước khi đóng dấu lên văn bản. Chữ ký sẽ do người có quyền được ký các văn bản đó ký, chữ ký bằng con dấu do tự khắc sẽ không có giá trị pháp lý, bởi con dấu này có thể làm giả được, nhiều người có thể sử dụng được. Hồ sơ dự thầu mà bạn đang chấm chỉ có chữ ký đóng bằng dấu sẽ không thể khẳng định chính xác được người có thẩm quyền ký đã ký, không thể đánh giá là hồ sơ dự thầu hợp lệ.

    27