Thứ 4, Ngày 06/11/2024

Có các hình thức Hội đồng thẩm định bảng giá đất nào theo quy định của pháp luật hiện hành?

Có các hình thức Hội đồng thẩm định bảng giá đất nào? Có bắt buộc phải thành lập Tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định bảng giá đất hay không?

Nội dung chính

    Có các hình thức Hội đồng thẩm định bảng giá đất nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT quy định:

    Hội đồng thẩm định bảng giá đất
    1. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất theo hình thức Hội đồng cố định hoặc Hội đồng theo vụ việc để thẩm định, dự thảo bảng giá đất tại địa phương.
    ...

    Như vậy, có hai hình thức Hội đồng thẩm định bảng giá đất là Hội đồng cố định hoặc Hội đồng theo vụ việc.

    Có các hình thức Hội đồng thẩm định bảng giá đất nào theo quy định của pháp luật hiện hành?

    Có các hình thức Hội đồng thẩm định bảng giá đất nào theo quy định của pháp luật hiện hành? (Ảnh từ Internet)

    Có bắt buộc phải thành lập Tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định bảng giá đất hay không?

    Căn cứ khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT quy định:

    Hội đồng thẩm định bảng giá đất
    ...
    3. Chủ tịch Hội đồng thẩm định bảng giá đất quyết định thành lập Tổ giúp việc của Hội đồng (nếu cần thiết). Thành phần Tổ giúp việc của Hội đồng bao gồm lãnh đạo cấp Phòng và chuyên viên của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế, các cơ quan có liên quan và do đại diện của Sở Tài chính làm Tổ trưởng.

    Như vậy, Tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định bảng giá đất không bắt buộc phải thành lập mà chỉ thành lập trong trường hợp cần thiết. Thành phần Tổ giúp việc của Hội đồng bao gồm lãnh đạo cấp Phòng và chuyên viên của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế, các cơ quan có liên quan và do đại diện của Sở Tài chính làm Tổ trưởng.

    Nguyên tắc làm việc của Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất là gì?

    Căn cứ Điều 5 Thông tư liên tịch 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT thì nguyên tắc làm việc của Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất là:

    - Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất làm việc theo nguyên tắc tập thể. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

    - Phiên họp Hội đồng chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 thành viên của Hội đồng tham dự. Trước khi tiến hành phiên họp, những thành viên vắng mặt phải có văn bản gửi tới Chủ tịch Hội đồng nêu rõ lý do vắng mặt.

    - Hội đồng kết luận theo ý kiến của đa số thành viên Hội đồng có mặt đã biểu quyết và thông qua tại phiên họp. Trong trường hợp có ý kiến ngang nhau thì bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng hoặc thường trực Hội đồng (trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng ủy quyền cho thường trực Hội đồng Điều hành phiên họp) là ý kiến quyết định. Thành viên của Hội đồng có quyền bảo lưu ý kiến nếu không đồng ý với kết luận do Hội đồng quyết định.

    - Nội dung phiên họp Hội đồng phải được lập thành Biên bản cuộc họp thẩm định, gồm những nội dung cơ bản sau: Căn cứ pháp lý thành lập Hội đồng; thành phần dự họp của các thành viên Hội đồng; nội dung cuộc họp, ý kiến của thành viên Hội đồng; kết quả biểu quyết của Hội đồng gồm: kết quả thẩm định, ý kiến bảo lưu của thành viên Hội đồng (nếu có), kiến nghị của Hội đồng; họ tên, chữ ký của các thành viên Hội đồng.

    - Hội đồng được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    - Hội đồng chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại quyết định thành lập Hội đồng.

    Thẩm định dự thảo bảng giá đất được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 10 Thông tư liên tịch 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT thì thẩm định dự thảo bảng giá đất được quy định như sau:

    (1) Hội đồng thẩm định bảng giá đất tiến hành tổ chức các phiên họp theo các nội dung sau:

    - Thẩm định việc xác định loại xã, loại đô thị; xác định khu vực, vị trí đất trong xây dựng bảng giá đất;

    - Thẩm định việc áp dụng nguyên tắc định giá đất trong xây dựng bảng giá đất;

    - Thẩm định việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong xây dựng bảng giá đất;

    - Thẩm định sự phù hợp của dự thảo bảng giá đất so với khung giá đất do Chính phủ quy định, kết quả Điều tra giá đất thị trường, chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh;

    - Thẩm định nội dung đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đến tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, việc thực hiện chính sách tài chính về đất đai và thu nhập, đời sống của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng đất.

    (2) Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất được thuê để thực hiện việc Điều tra giá đất thị trường, xây dựng bảng giá đất (nếu có) có trách nhiệm giải trình trước Hội đồng về các nội dung của dự thảo bảng giá đất khi được yêu cầu.

    (3) Căn cứ Biên bản cuộc họp thẩm định, Chủ tịch Hội đồng ký hoặc Thường trực Hội đồng thẩm định bảng giá đất ký thừa ủy quyền văn bản thẩm định bảng giá đất theo hình thức thông báo kết quả thẩm định bảng giá đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để hoàn thiện hồ sơ xây dựng bảng giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    (4) Thời hạn thẩm định và ban hành văn bản thẩm định bảng giá đất tối đa không quá 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ Hồ sơ đề nghị thẩm định dự thảo bảng giá đất. Trường hợp cần thiết kéo dài thời gian thẩm định thì thời hạn kéo dài thêm tối đa không quá 05 ngày làm việc.

    (5) Tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định bảng giá đất (nếu có) chịu trách nhiệm chuẩn bị các nội dung theo phân công để đề xuất, báo cáo Hội đồng thẩm định bảng giá đất xem xét tại phiên họp thẩm định dự thảo bảng giá đất.

    11