Chính sách của Nhà nước hiện nay hỗ trợ địa phương sản xuất lúa như thế nào?

Chính phủ ban hành chính sách gì để hỗ trợ địa phương sản xuất lúa và công tác thực hiên như thế nào? Mức hỗ trợ là bao nhiêu?

Nội dung chính

    Chính sách của Nhà nước hỗ trợ địa phương sản xuất lúa như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Hỗ trợ địa phương sản xuất lúa
    1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa như sau:
    a) Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa;
    b) Hỗ trợ 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa;
    c) Hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

    Như vậy, theo nghị định mới nhất thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa tăng từ quy định cũ 1.000.000 đồng lên 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa và từ 500.000 đồng lên 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

    Ngoài ra còn hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm cho đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Hỗ trợ địa phương sản xuất lúa
    2. Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều này được xác định theo số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, riêng đối với kinh phí phân bổ cho năm 2025 là số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm 2023.

    Như vậy, diện tích đất trồng lúa được xác định dựa trên số liệu thống kê từ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trong năm liền trước giai đoạn ổn định ngân sách. Đối với kinh phí phân bổ cho năm 2025, số liệu sẽ sử dụng kết quả thống kê đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào năm 2023.

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Hỗ trợ địa phương sản xuất lúa
    ...
    3. Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này và công bố của năm liền kề trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.

    Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo quy định và công bố của năm liền kề trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng chịu trách nhiệm quản lý, phân bổ nguồn ngân sách được hỗ trợ để thực hiện bảo vệ đất trồng lúa theo quy định.

    Chính sách của Nhà nước hiện nay hỗ trợ địa phương sản xuất lúa như thế nào?

    Chính sách của Nhà nước hiện nay hỗ trợ địa phương sản xuất lúa như thế nào? (Hình từ Internet)

    Công tác thực hiện hỗ trợ địa phương sản xuất lúa như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Sử dụng kinh phí hỗ trợ
    1. Việc sử dụng nguồn kinh phí do người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải nộp theo quy định tại khoản 1 Điều 12 và nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa trong dự toán chi cân đối ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập trình Hội đồng nhân dân cùng cấp căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, quyết định cụ thể nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này.

    Như vậy, nguồn kinh phí do người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên đất chuyên trồng lúa phải nộp theo quy định. Đồng thời, kinh phí hỗ trợ sản xuất lúa từ ngân sách Nhà nước sẽ được cân đối trong dự toán chi ngân sách địa phương. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ lập dự toán và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để quyết định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ cũng như việc sử dụng kinh phí cho các hoạt động cụ thể.

    Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Sử dụng kinh phí hỗ trợ
    2. Nguồn kinh phí tại khoản 1 Điều này được sử dụng cho các hoạt động sau:
    a) Hỗ trợ cho người sử dụng đất trồng lúa: sử dụng giống lúa hợp pháp để sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; xây dựng mô hình trình diễn; hoạt động khuyến nông; tổ chức đào tạo, tập huấn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;

    Như vậy, Nhà nước sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ cụ thể ở các hoạt động gồm: sử dụng giống lúa hợp pháp để sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; xây dựng mô hình trình diễn; hoạt động khuyến nống; tổ chức đào tạo, tập huấn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

    Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Nhà nước cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao
    1. Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
    Từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương được thực hiện theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ trung hạn được cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; quy trình, thủ tục thực hiện theo pháp luật về đầu tư công.

    Như vậy, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, đặc biệt là tại các vùng đất nông nghiệp để quy hoạch trồng lúa có năng suất và chất lượng cao.

    Để thực hiện điều này, Nhà nước sử dụng nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương, đảm bảo theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công. Quá trình này được thực hiện trong khuôn khổ các kế hoạch đầu tư trung hạn được cấp có thẩm quyền ban hành, đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn của đất nông nghiệp để trồng lúa mang lại lợi nhuận cao.

    7