Các từ viết tắt trong bản đồ địa chính có ý nghĩa gì? Cơ quan nào có trách nhiệm quản lý bản đồ địa chính số, bản đồ địa chính giấy?

Cho tôi hỏi các từ viết tắt trong bản đồ địa chính có ý nghĩa gì? Cơ quan nào có trách nhiệm quản lý bản đồ địa chính số, bản đồ địa chính giấy?

Nội dung chính

    Ý nghĩa của một số từ viết tắt trong bản đồ địa chính?

    Căn cứ Điều 4 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT thì một số từ viết tắt trong bản đồ địa chính có ý nghĩa như sau:

    - GNSS (Global Navigation Satellite System): Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu.

    - VN-2000: Hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia hiện hành của Việt Nam được thống nhất áp dụng trong cả nước theo Quyết định số 83/2000/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ.

    - UTM (Universal Transverse Mercator): Lưới chiếu hình trụ ngang đồng góc.

    - PDOP (Position Dilution of Precision): Độ suy giảm độ chính xác vị trí điểm.

    - RINEX (Receiver INdependent EXchange format): Chuẩn dữ liệu trị đo GNSS theo khuôn dạng dữ liệu ASCII được sử dụng để thuận tiện cho việc xử lý không phụ thuộc máy thu hoặc phần mềm.

    Ý nghĩa của một số từ viết tắt trong bản đồ địa chính? (Ảnh từ internet)

    Cơ quan nào có trách nhiệm quản lý bản đồ địa chính số, bản đồ địa chính giấy?

    Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định:

    Quản lý, sử dụng, khai thác sản phẩm đo đạc lập bản đồ địa chính
    1. Quản lý bản đồ địa chính như sau:
    a) Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý bản đồ địa chính số;
    b) Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý bản đồ địa chính số và giấy.
    Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh giao Văn phòng đăng ký đất đai quản lý, sử dụng tập trung, thống nhất và cập nhật, chỉnh lý biến động bản đồ địa chính;
    c) Bản đồ địa chính phải đưa vào lưu trữ theo pháp luật về lưu trữ.

    Như vậy, trách nhiệm quản lý bản đồ địa chính số và giấy thuộc về các cơ quan sau đây:

    - Bản đồ địa chính số: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã

    - Bản đồ địa chính giấy: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã

    Trong bản đồ địa chính có các nội dung gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT thì nội dung bản đồ địa chính gồm:

    - Khung bản đồ;

    - Điểm khống chế tọa độ, độ cao Quốc gia các hạng, điểm địa chính, điểm khống chế ảnh ngoại nghiệp, điểm khống chế đo vẽ có chôn mốc ổn định;

    - Mốc địa giới hành chính, đường địa giới hành chính các cấp;

    - Mốc giới quy hoạch; chi giới hành lang bảo vệ an toàn giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống dẫn điện và các công trình công cộng khác có hành lang bảo vệ an toàn;

    - Ranh giới thửa đất, loại đất, số thứ tự thửa đất, diện tích thửa đất;

    - Nhà ở và công trình xây dựng khác: chi thể hiện trên bản đồ các công trình xây dựng chính phù hợp với mục đích sử dụng của thửa đất, trừ các công trình xây dựng tạm thời. Các công trình ngầm khi có yêu cầu thể hiện trên bản đồ địa chính phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình;

    - Các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất như đường giao thông, công trình thủy lợi, đê điều, sông, suối, kênh, rạch và các yếu tố chiếm đất khác theo tuyến;

    - Địa vật, công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và ý nghĩa định hướng cao;

    - Dáng đất hoặc điểm ghi chú độ cao (khi có yêu cầu thể hiện phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình);

    - Ghi chú thuyết minh.

    Mục đích lập bản đồ địa chính là gì?

    Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì bản đồ địa chính được lập để sử dụng cho các mục đích sau:

    - Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;

    - Thống kê, kiểm kê đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; điều tra, đánh giá đất đai;

    - Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất; xử lý vi phạm pháp luật đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai;

    - Các mục đích quản lý đất đai khác theo quy định của pháp luật.

    31